Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Má ơi, sao nỡ?!

MÁ ƠI, SAO NỠ…


Tôi đọc tin nhắn của Diệu mà thảng thốt: “Chị ơi, cứu em với chị ơi!”. Cứu? Lập tức, tôi gọi lại. Đầu dây bên kia, Diệu không ngừng nức nở: “Chắc  em chết quá, chị ơi…” Tôi hẹn Diệu tới một quán cà phê yên tĩnh. Ở đó, những góc khuất trong con người tưởng có cuộc sống rất bình an bắt đầu lộ diện theo những giọt nước mắt. Tôi bàng hoàng vì những gì mình biết về người bạn này còn quá ít
!
Diệu là con út trong một gia đình có ba người con. Anh chị đã lập gia đình và ở riêng. Diệu, tiếng là ở chung với cha mẹ, nhưng thực chất là chỉ còn mình mẹ cô ở nhà. Cha Diệu, vì những lý do riêng, đã về làm quản gia cho ngôi nhà thờ họ, ngày đêm túc trực ở đó, hiếm khi ông về nhà. Diệu đang học năm cuối cùng của trường Luật, chương trình hàm thụ. Tôi biết Diệu vì cùng là học viên trong một lớp Anh ngữ ban đêm.
Cách đây bốn năm, Diệu có người yêu. Lúc đó, cô mới bước vào năm thứ nhất đại học. Người bạn trai học cùng khóa vi tính văn phòng, thầm thương cô bạn ít nói ít cười mà học rất giỏi kia, đã vội vàng “bước tới”… nói chuyện với cô trước khi mãn khóa học 3 tháng. Cô nhận lời yêu.
Mối tình đầu của họ rất đẹp. Diệu ngoan hiền, chu đáo và tính tình dễ thương, nên được cha mẹ và những người trong gia đình của chàng trai rất thương quý, coi đó là cô con dâu chính thức. Tuy nhiên, khi nhà trai đặt vấn đề cưới hỏi với nhà gái thì vấp chút trở ngại. Vị thầy coi tuổi nào đó đã cho biết họ không… hạp tuổi với nhau cho lắm. Tuy nhiên nếu để hóa giải sự xung khắc, thì khi về nhà chồng, cô dâu phải đi bằng… cửa sau. Diệu chấp nhận hết, miễn được chung sống với người mình yêu. Nhưng cha mẹ cô thì không chịu. Họ nói cả cuộc đời con gái chỉ có cái đám cưới, làm gì mà phải đi cửa sau cho mất mặt… gia phong. Họ tuyên bố nếu bên đàng trai không chịu làm đám cưới rình rang thì chuyện hai người tới đấy là kết thúc. Cũng kể từ đó, họ cấm cửa chàng trai, không cho léo hánh. Suốt mấy tháng trời, họ phải lén lút hẹn hò nhau cho đỡ nhớ.
Bên nhà trai cũng đã thấy được sự quyến luyến khó rời của đôi trẻ, nên quyết định làm theo ý “đàng gái” rồi ra sao cũng được. Nhưng, lúc này mẹ Diệu lại tuyên bố là con gái còn đang học, không thể làm đám cưới được. Nếu bên đàng trai có thương thì… chờ!
Cả hai đứa mừng thầm. Hoàng, bạn trai Diệu, coi đây là vợ chưa cưới, nên lo lắng chăm chút cho cô trong khả năng của một người thợ làm công ăn lương. Diệu cũng vậy. Cô trông cho nhanh hết khóa học để nhanh chóng được sống chung với người yêu dấu. Ai mà biết được, có một người không muốn tác thành cho đôi trẻ. Đó chính là mẹ Diệu.
Bà tính rồi, khi gả cô con gái út đi lấy chồng, bà sẽ không còn ai bên cạnh. Không còn ai nuôi bà, chăm sóc bà nữa. Đó là chưa kể, bà còn có tật ưa… làm đẹp dù đã chuẩn bị bước tới hàng U60! Nếu gia cảnh khá giả, cũng đành. Đằng này, phải trầy trật lắm, Diệu mới có thể vừa kiếm tiền lo hai bữa cơm cho mình và cho mẹ, và để theo học hết đại học, dù chỉ để có một mảnh bằng cho cha mình hãnh diện với họ hàng mà thôi!
          Dịp may cũng tới. Trời xui đất khiến cho bà quen biết với một anh trưởng phòng kinh doanh của một công ty bánh kẹo ở thành phố đang muốn khuếch trương thị phần tại địa phương này. Bà tìm đủ mọi cách để anh này “để ý” tới cái mặt bằng khá rộng rãi nhà mình để làm văn phòng và cửa hàng tại đó…
          Anh trưởng phòng ngó qua, ok cái rụp. Tiền thuê mặt bằng vừa đủ để bà mẹ Diệu có thể yên tâm nấu cơm ngày hai bữa và la cà ngoài tiệm gội đầu tuần vài lần. Cũng chính cái tiệm gội đầu làm móng đó làm… mai cho bà quen với những chị em vốn là bạn ruột với những lá bài trắng xanh vàng đỏ…
Sau bốn tháng cái cửa hàng có mặt ở nhà bà, thì bà cũng đã “tạm ứng” của anh trưởng phòng đến cả vài năm tiền thuê mặt bằng! Và đồng thời, để không phải trả nợ, bà kêu… gả đứa con gái út luôn cho anh trưởng phòng mà không chút băn khoăn. Cũng trong thời gian này, anh trưởng phòng được phép lưu lại nhà bà luôn mà không cần phải e ngại! Vì còn bao lâu nữa đâu, chỉ là sau khi Diệu tốt nghiệp thì hai người sẽ là vợ chồng mà! Diệu nghe hết chuyện, mà chết đứng trong lòng!
          “Em biết lấy gì để trả nợ cho mẹ đây chị? Mà mẹ làm vậy có khác nào bán em hả chị? Giờ em phải làm sao đây, chị ơi?”
          Tôi nghe Diệu nói mà cứ rùng mình từng đợt. Thời tôi đang sống đây, thời của văn minh hiện đại này mà có những người mẹ như vậy sao? Diệu đã toan tính cùng người yêu bỏ nhà ra đi, nhưng không nỡ…
          Tôi đã trấn an Diệu thật nhiều, nói rằng cứ bình tĩnh, ngày mai trời lại sáng. Có điều, thật lòng tôi cũng không biết “cứu” cô bằng cách nào đây. 

2 nhận xét:

  1. Vua Lì20:30:00

    Chắc cô phải tự cứu thôi. Thật ra cô chỉ cần bỏ đi ra riêng để sống. Đời bây giờ mà sao giống mấy chục năm về trước quá, phải không Đá?

    Trả lờiXóa
  2. Dạ phải, chị. Nhưng chuyện cô Diệu là một trong những chuyện rất ít mà Đá biết. Có nhiều bà mẹ "ghê gớm" hơn, bán thẳng bằng cách "ra giá" hẳn hòi.

    Trả lờiXóa