Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Má ơi, sao nỡ?!

MÁ ƠI, SAO NỠ…


Tôi đọc tin nhắn của Diệu mà thảng thốt: “Chị ơi, cứu em với chị ơi!”. Cứu? Lập tức, tôi gọi lại. Đầu dây bên kia, Diệu không ngừng nức nở: “Chắc  em chết quá, chị ơi…” Tôi hẹn Diệu tới một quán cà phê yên tĩnh. Ở đó, những góc khuất trong con người tưởng có cuộc sống rất bình an bắt đầu lộ diện theo những giọt nước mắt. Tôi bàng hoàng vì những gì mình biết về người bạn này còn quá ít
!
Diệu là con út trong một gia đình có ba người con. Anh chị đã lập gia đình và ở riêng. Diệu, tiếng là ở chung với cha mẹ, nhưng thực chất là chỉ còn mình mẹ cô ở nhà. Cha Diệu, vì những lý do riêng, đã về làm quản gia cho ngôi nhà thờ họ, ngày đêm túc trực ở đó, hiếm khi ông về nhà. Diệu đang học năm cuối cùng của trường Luật, chương trình hàm thụ. Tôi biết Diệu vì cùng là học viên trong một lớp Anh ngữ ban đêm.
Cách đây bốn năm, Diệu có người yêu. Lúc đó, cô mới bước vào năm thứ nhất đại học. Người bạn trai học cùng khóa vi tính văn phòng, thầm thương cô bạn ít nói ít cười mà học rất giỏi kia, đã vội vàng “bước tới”… nói chuyện với cô trước khi mãn khóa học 3 tháng. Cô nhận lời yêu.
Mối tình đầu của họ rất đẹp. Diệu ngoan hiền, chu đáo và tính tình dễ thương, nên được cha mẹ và những người trong gia đình của chàng trai rất thương quý, coi đó là cô con dâu chính thức. Tuy nhiên, khi nhà trai đặt vấn đề cưới hỏi với nhà gái thì vấp chút trở ngại. Vị thầy coi tuổi nào đó đã cho biết họ không… hạp tuổi với nhau cho lắm. Tuy nhiên nếu để hóa giải sự xung khắc, thì khi về nhà chồng, cô dâu phải đi bằng… cửa sau. Diệu chấp nhận hết, miễn được chung sống với người mình yêu. Nhưng cha mẹ cô thì không chịu. Họ nói cả cuộc đời con gái chỉ có cái đám cưới, làm gì mà phải đi cửa sau cho mất mặt… gia phong. Họ tuyên bố nếu bên đàng trai không chịu làm đám cưới rình rang thì chuyện hai người tới đấy là kết thúc. Cũng kể từ đó, họ cấm cửa chàng trai, không cho léo hánh. Suốt mấy tháng trời, họ phải lén lút hẹn hò nhau cho đỡ nhớ.
Bên nhà trai cũng đã thấy được sự quyến luyến khó rời của đôi trẻ, nên quyết định làm theo ý “đàng gái” rồi ra sao cũng được. Nhưng, lúc này mẹ Diệu lại tuyên bố là con gái còn đang học, không thể làm đám cưới được. Nếu bên đàng trai có thương thì… chờ!
Cả hai đứa mừng thầm. Hoàng, bạn trai Diệu, coi đây là vợ chưa cưới, nên lo lắng chăm chút cho cô trong khả năng của một người thợ làm công ăn lương. Diệu cũng vậy. Cô trông cho nhanh hết khóa học để nhanh chóng được sống chung với người yêu dấu. Ai mà biết được, có một người không muốn tác thành cho đôi trẻ. Đó chính là mẹ Diệu.
Bà tính rồi, khi gả cô con gái út đi lấy chồng, bà sẽ không còn ai bên cạnh. Không còn ai nuôi bà, chăm sóc bà nữa. Đó là chưa kể, bà còn có tật ưa… làm đẹp dù đã chuẩn bị bước tới hàng U60! Nếu gia cảnh khá giả, cũng đành. Đằng này, phải trầy trật lắm, Diệu mới có thể vừa kiếm tiền lo hai bữa cơm cho mình và cho mẹ, và để theo học hết đại học, dù chỉ để có một mảnh bằng cho cha mình hãnh diện với họ hàng mà thôi!
          Dịp may cũng tới. Trời xui đất khiến cho bà quen biết với một anh trưởng phòng kinh doanh của một công ty bánh kẹo ở thành phố đang muốn khuếch trương thị phần tại địa phương này. Bà tìm đủ mọi cách để anh này “để ý” tới cái mặt bằng khá rộng rãi nhà mình để làm văn phòng và cửa hàng tại đó…
          Anh trưởng phòng ngó qua, ok cái rụp. Tiền thuê mặt bằng vừa đủ để bà mẹ Diệu có thể yên tâm nấu cơm ngày hai bữa và la cà ngoài tiệm gội đầu tuần vài lần. Cũng chính cái tiệm gội đầu làm móng đó làm… mai cho bà quen với những chị em vốn là bạn ruột với những lá bài trắng xanh vàng đỏ…
Sau bốn tháng cái cửa hàng có mặt ở nhà bà, thì bà cũng đã “tạm ứng” của anh trưởng phòng đến cả vài năm tiền thuê mặt bằng! Và đồng thời, để không phải trả nợ, bà kêu… gả đứa con gái út luôn cho anh trưởng phòng mà không chút băn khoăn. Cũng trong thời gian này, anh trưởng phòng được phép lưu lại nhà bà luôn mà không cần phải e ngại! Vì còn bao lâu nữa đâu, chỉ là sau khi Diệu tốt nghiệp thì hai người sẽ là vợ chồng mà! Diệu nghe hết chuyện, mà chết đứng trong lòng!
          “Em biết lấy gì để trả nợ cho mẹ đây chị? Mà mẹ làm vậy có khác nào bán em hả chị? Giờ em phải làm sao đây, chị ơi?”
          Tôi nghe Diệu nói mà cứ rùng mình từng đợt. Thời tôi đang sống đây, thời của văn minh hiện đại này mà có những người mẹ như vậy sao? Diệu đã toan tính cùng người yêu bỏ nhà ra đi, nhưng không nỡ…
          Tôi đã trấn an Diệu thật nhiều, nói rằng cứ bình tĩnh, ngày mai trời lại sáng. Có điều, thật lòng tôi cũng không biết “cứu” cô bằng cách nào đây. 

gõ vào chiều vắng

GÕ VÀO CHIỀU VẮNG


Mưa nữa đó anh. Mưa nữa đó!
Mưa ngoài kia cũng xối tràn hung?

Phương này vẫn ướt mềm thương nhớ
Bữa nọ người đi 
Chẳng tiễn người.

Mưa nữa rồi anh

Mưa nữa rồi!
Người đi chỉ trống một chỗ ngồi
Mà sao vắng dữ. Trời chiều quạnh.
Nghiêng ngó...
Hình như
Mất tiếng cười.

Muốn gõ đôi ba lời nhắn nhủ

E mưa trôi mất,
Nên lại thôi.
Chờ mơi hửng nắng
Lòng cũng tạnh
Em gởi cho anh một nụ cười.
(2009)

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

chè trưa

Chè khoai

Chiều hôm qua, cô học trò tới chơi, mang cho một túi củ bình tinh.Củ này có nơi gọi là củ lùn. Má tôi biết mấy nhỏ không rảnh làm gì mà ăn, có làm chăng cũng chỉ đem luộc là cùng, bèn xắn tay áo lên tỉ mẩn lột vỏ. Bà bào mỏng, đâm giập rồi trộn hành tiêu, chút muối đường bột ngọt và dĩ nhiên có cả chút bột mì để kết dính. Chiên lên làm một thứ bánh mặn ăn với cơm hay ăn chơi với tương ớt. Tôi lấy độ chục củ, xát lát mỏng theo chiều ngang. Xong lấy một củ khoai lang và chút đậu xanh ra "chế biến" thành một món chè khoai.
Trưa chủ nhật, cơm nước xong, mấy nhỏ nhâm nhi chén chè khoai và thốt lên: vụ này mới à nha... ngon quá mà sao đó giờ mẹ không nấu?
Thiệt ra thì đâu có rảnh. Mà bình tinh thì từ khi nhà mình tém dẹp lại, có còn trồng bụi nào đâu!
Lại tự nhiên bắt nhớ nội ghê. Ngày nhỏ, nhà trồng gần như không thiếu món khoai nào: Khoai môn, khoai lang, khoai mì, khoai mỡ, củ chuối (dong riềng đó). Nhà có chút đất nào nội tranh thủ trồng kín hết, trừ cái sân trước nhà thì lại rất rộng, và sạch sẽ bằng phẳng như sân đình, để cho đám nhỏ tụ tập chơi. Khoái nhà nội hồi xưa, đất rộng mà mình thì nhỏ, nên mỗi góc vườn đều có một giang sơn để cho hồn mình đi rong và có chỗ núp náu đâu đó mà vẽ nên những trang đời...
Ủa mà chỉ có chén chè khoai thôi, sao dông dài quá à... Post lên đây để ghẹo TYQ: "Chè không? Ai chè khoai lang đậu xanh đường cát trắng nè è..è....". Nói thêm một điều, ăn chè này, ngon bổ rẻ, vừa mát vừa không nổi mụn. Ai muốn tự xử nhớ liên hệ đây Đá bày cho... Còn bi giờ vừa măm vừa làm việc.

Dù sao

Dù  sao ngọt đắng cũng từng
Câu thơ ai cũng ngập ngừng chiều xưa…

Dù sao, người cũng đong đưa
Làm sao ai biết nắng mưa trong lòng?

Dù sao nước mắt cũng trong
Đủ trôi mọi nỗi trầm luân kiếp người

Dù tình có bạc như vôi
Quay lưng
Người đã ra người hôm qua…

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

trong những ngày cuối năm

những ngày cuối năm

Mới  là cuối  tháng mười một thôi, chưa tháng chạp. Mùa nay lạnh sớm. Gió hiu hiu. Nắng se se. Nhớ những trái dầu nâu như những chú chuồn chuồn khổng lồ xoay vòng đổ dài xuống phố... lục lọi trong ngăn kéo kỷ niệm ra một bài...

Chưa đến ngày cuối năm
Em đã trông áo mới
Ta dài đêm mệt mỏi
Chỉ mong một nụ cười.

Mười năm rồi ta ơi!

Em thôi làm thơ nữa
Ta thôi đêm xuống phố
Kiếm từng chút hoang đàng

Thoắt chốc em bàng hoàng
Cầm trên tay sương khói...

Ta bỗng dưng bối rối
Trước từng vệt tháng năm...
Cỏ ngày nào dưới chân
Hoa ngày nào trên tóc

...Em bây giờ tất bật
Ta bây giờ lu bu

Còn đâu chút đam mê
Của ngày yêu dấu cũ
Cùng nhau đùa giữa ngọ
Cùng nhau đòi yêu nhau!

Thời gian như lưỡi dao
Gọt đời mình mỏng lại
Mà than hồng vẫn cháy
Trong bụi bặm bếp tro...

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

tình

TÌNH…

tình như sương khói, tình ơi!
tình tan trong nắng,
tình rời hư không...

tình treo trong bếp khói um
đắng cay hòa với long đong một bầu
tình khi khêu ngọn đèn chao
tình âu yếm với lá rau sau vườn
tình chia hột muối muỗng đường
tình che ấm chỗ những đêm mưa dầm

tình vang một tiếng tình tang
mãn chiều người bước qua đàng...
tình xa.

repost

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

ráng chịu đi em.

Buồn thì ráng chịu đi em
Khóc hoài cũng chẳng đã thèm... mới quê!

Buồn hiu ra đứng sau hè
Lòng như tương nát, như chè nước trôi.

Ừ thôi. May rủi phận người
Buồn chi mất hết buổi trời ngẩn ngơ.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

gia tài của cha (p. cuối)

GIA TÀI CỦA CHA

Xem phần trước: (1),(2),(3),(4)

MƯỜI
            Một phần tài sản ba dành cho tôi là nụ cười và sự yên tĩnh.
            Thật lòng, tôi chưa thấy ba cười lớn bao giờ. Không như những bậc “nam tử đại trượng phu” bạn của ba hồi đó, thường có cái cười ha hả hào sảng (hay ra vẻ hào sảng), nụ cười của người lúc nào cũng tươi tắn đầy vẻ an nhiên và hầu như… không thành tiếng. Ba dạy cho lũ trẻ chúng tôi bài học “yên lặng sinh động” đó từ lúc mới bắt đầu tập đi tập nói:
            -Con, dù no dù đói cho tươi! Đừng bao giờ để người khác thấy gương mặt mình ủ ê không tốt. Đó là một trong những thất bại khi đối diện người khác. Dù con không vui cũng đừng để ai nhìn thấy con buồn, nghe chưa?
            -Con, cười nhỏ lại! Khi mình nói lớn, cười lớn, mình sẽ không lắng nghe được tiếng người khác cười nói. Mà như vậy, mình chỉ biết có mình mình! Vừa ích kỷ, vừa thất lễ, nghe con.
-Con, dở chân lên! Khi đi mà để người khác nghe tiếng dép, thì con không đi nhanh được, mà còn gây khó chịu cho người khác. Như vậy là thất sách, nghe con!
            -Con, nhẹ tay chút! Khi mình làm việc gì mà gây va chạm, gây âm thanh chói chát, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng người khác, không hay đâu, nghe con…
            -Con, ánh mắt là cửa sổ tâm hồn. Đừng nhìn thẳng vào ai bằng cái nhìn độc địa hoặc khinh mạn. Hãy tưởng tượng có một ai đó cũng nhìn con như vậy, con thấy sao?
            Má tôi, thỉnh thoảng lại nhắc hoài chuyện ngày xưa ba làm mất chiếc xe đạp. Dạo đó, ba học tới tú tài 2. Đường từ nhà tới trường 15 cây số, ba toàn đi bộ, sáng đi chiều tối mới về tới nhà (vì học 2 buổi). Bác Ba tôi năm đó đã đi làm rồi, dành dụm mua cho em một chiếc xe đạp. Thế mà rồi, vui bạn vui chuyện, ba bị kẻ xấu lấy mất chiếc xe, ngay buổi sáng ngày thi tốt nghiệp. Biết chuyện nhưng ba vẫn thản nhiên vô lớp làm bài, rồi chiều vẫn thả bộ tà tà về nhà. Bà bác dâu, vốn đã nghe bạn bè ba về trước nói lại, đã chuẩn bị một bộ mặt thật… hình sự đón ba về. Ai dè, thấy chú em chồng vẫn tỉnh queo thưa ba và anh chị mới về, bà… mất lửa. Hỏi: “Chớ xe chú đâu?” Trả lời: “Mất rồi chị.” “Vậy từ rày lấy gì mà đi, bộ chú tưởng anh chú giàu lắm hay sao chớ? Vậy mà còn thi cử được, hay!”
            Ba chỉ cười: “Mất thì cũng đã mất. Không còn xe thì cũng còn cái chân mà lội bộ về. Chớ không làm bài được thì lâu lắm mới thi lại lần nữa, mất công chi vậy chị?”. Bà bác dâu tôi hết phép, lắc đầu. Cho tới già, bà còn nhắc: “Trên đời tau mới thấy mình chú mày. Làm như người không có biết giận hờn chi ai…” Bà đâu có biết, ba cũng buồn và tự ái, vì vậy đậu Tú Tài xong là ba xin đi dạy trường tư liền, để có tiền sắm lại chiếc xe và phụ giúp phần nào cho gia đình, để anh mình khỏi bị cằn nhằn…
            Dĩ nhiên, mấy đứa con của ba, không phải đứa nào cũng nghe và thực hiện đúng tăm tắp theo những lời giáo huấn của ba cho tới lớn. Ngay cả tôi, nhiều khi không kềm giữ được mình, cũng không khỏi bật cười to trước ai đó, trước một việc gì đó… nhưng lập tức… xấu hổ: chỉ có việc kềm một tiếng cười lớn mà không xong thì còn nước non gì! Chưa kể, tức lên, mình bỗng trở thành một… con cọp lúc nào không hay, cứ gầm gừ gầm gừ… mới biết, bài học của ba quá dễ mà quá khó với những bẫy rập sân si tiềm ẩn trong mỗi con người. Nói thì dễ chứ làm đâu dễ!
            Cũng may mà tôi thuộc được ít nhiều. Khi được khi không, nhưng tôi luôn nhớ mang theo nụ cười an nhiên ba dạy cho từ lúc bước chân vào trường học đến lúc bước xuống đời. Té ngã cũng nhiều, trầy trụa bầm giập cũng lắm, may nhờ nụ cười lung linh sáng của ba đó mà dịu nỗi đau, để tôi có thể đứng dậy phủi tay mà bước tới. 
       
MƯỜI MỘT
            Mít chín!
            Trái mít cuối cùng của mùa mít năm 2009.
Trái mít cuối cùng còn gọi là… mít nhà. Mùa sau, cây mít đó thuộc về người khác. Bởi cây mít đó nằm trên phần đất mà má đã phải đành đoạn cắt bán cho người, để mong cất được cái nhà thờ đàng hoàng, ấm cúng hơn, thay thế cho cái nhà cũ mua lại ba mươi mấy năm nay, vừa “nghỉ hưu” vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó.
            Má để dành được trái ngon nhất, để cúng giỗ, và tiếp khách. May, nó chín đúng lúc hết sức.
            Cây mít này hồi đó ba biểu để giống đây.
            Thiệt, nếu không để trồng một cây, thì chắc bây giờ cả nhà không có dịp thưởng thức cái hương vị lạ lùng của nó nữa. Người ta nó nó là loại mít dừa hay mít gì đó. Nếu để chín cây thẳng thét, xẻ ra hầu như không thấy một miếng xơ trắng như thường thấy ở các loại mít khác. Múi mít không vàng rực, chỉ thoáng màu mỡ gà óng ánh, cơm dày, hột nhỏ chút xíu như hột nhãn. Cắn một miếng ngập tận răng, mùi thơm sực nức. Còn cái vị ngọt của nó thì khỏi chê. Nó đằm thắm, mặn mà như một cô gái ngoài hai mươi, đã biết tiết chế mọi vẻ lộng lẫy mà quyến rũ người khác bằng nội lực.
            Lúc ba má mua phần đất hiện giờ đang ở, trên phần đất sát ranh đã chễm chệ một cây mít già, hai người ôm không giáp vòng. Trái nó cũng là lạ, sần sùi, nhìn giống như kiểu mấy thứ trái cây “da cám”, rớm rớm rám rám, xấu tệ. Lúc đó thì tôi hay đi xa nhà, chẳng lần nào tới mùa mà được ăn thỏa thuê miếng mít vườn nhà coi nó ngọt lạt cách sao. Nghe mấy đứa em nói lại, lần nào xẻ mít ba cũng có ý trông chị Hai… Đến lúc tôi có thể thoải mái thưởng thức được cái hương vị đậm đà quyến rũ của nó, thì lại có nhiều biến cố xảy ra trong gia đình.
            Năm đó, thấy lũ hột mít sau nhà tranh nhau nảy mầm, ba biểu thằng út xắn ra một cây, bầu lại rồi thả gần ranh đất, phía sau vườn, đối diện với cây mít cũ. Má tôi cười: hột đổ tùm lum, biết giống cây nào mà trồng. Mà trồng bằng hột như vậy, biết chừng nào có trái mà ăn. Ba chỉ cười: “Thì trồng cho cháu mình ăn. Má mấy nhỏ không thấy, cây mít của ông Bảy trồng từ nào giờ, không biết ổng ăn được mấy trái mà ổng chăn hu từ sáng tới chiều đó…”.
Kịp khi cây mít tơ đó cao chớm mái nhà, thì gặp hồi khó, những thứ cây lưu niên trong vườn đều bị bán cho thợ xẻ. Toàn những cây lớn vài vòng tay ôm! Cây mít đó được giữ lại vì nó còn… non nớt thư sinh quá!
            Ba mất. Tôi làm ăn lưu lạc. Lâu lâu mới đáo về thăm nhà. Lần nào thắp hương cho ba cũng thấy ánh mắt ông buồn buồn, buồn buồn. Tôi tha thẩn giữa khu vườn tạp ẩm thấp, bùn nhớp nháp dưới chân, chả cây nào ra cây nào mà bận lòng… Lại nhìn cây mít đáng giá mà ba biểu trồng đó, thấy trong lòng ngâm ngâm buồn.
            Đột ngột, năm đầu tiên, khi tôi quay về ở hẳn nhà, cây mít ra trái chiếng. Nó đậu trái sau gần hai mươi năm có mặt trên đời.
            Lần đó, má tôi nói: cây mít này lì, đứa nào lì hơn nó, trị cho một phát đặng coi nó có ló trái ló trăng chi không, không thì… đốn bỏ chớ quét lá mệt quá!
            Tôi cười, má để con coi… tại nó chưa đủ tuổi thành niên đó mà, ép làm chi.
            Mà nhìn ngậm ngùi. Nó mọc như một cái… cây, không chăm sóc cho nó mà biểu có bông có trái chi được. Tôi đào một cái hố gần gốc,  hốt hết lá mục trong vườn ủ xuống: của mày tặng lại cho mày! Đổ thêm mớ tro dừa tro lá nữa cho đầy rồi lấp lại. Tôi vừa làm vừa lẩm bẩm, lòng nhớ mấy câu thơ “củi đậu nấu đậu” mà ba đọc cho nghe. Nhưng trong trường hợp này, nó vui chớ không buồn… Lại vác rựa chém cho ba nhát ở gốc, mắng thêm một câu: hư quá, có trái đi chứ! (Cái món này, học được từ… ông nội tôi!).
            Cái “phép” khổ nhục kế đó làm cây mít có trái thiệt!
            Mười hai trái lúc lỉu từ gốc tới ngọn, sởn sơ như bầy heo con, coi đã mắt. Nhỏ em tôi ngó rồi lắc đầu: sao tui thấy không giống cây mít cũ chị ơi! Tôi cũng chỉ cười cười: mít này mới dậy thì. Mít của ông Bảy hồi đó lên lão rồi!
            Trái mít đầu tiên xẻ ra, đích thị phong vị cũ. Đúng là lưu dấu truyền đời đây!
            Mời ba một dĩa, nghe hương mít quyện mùi nhang mà mắt rưng rưng…
            Mùa này, là mùa cuối.
            Ước chi, mình lại được vun trồng lần nữa…
            Đất đai giờ thành phố thị, biết bao giờ mới có được trái mít vườn xưa?
           
CUỐI
            Mồng Bốn, tháng Năm, giỗ Ông Nội. Trưa qua, người ở quê lên, một xe 15 chỗ. Ríu ra ríu ran. Nụ cười, nước mắt. Thăm hỏi và chào đón. Vui mừng và rưng rưng.           
            Má vẫn hay nhắc, rằng ngày trước mỗi khi quỳ trước bàn thờ tiên tổ trong những dịp cúng kiếng giỗ chạp, bao giờ Nội cũng khấn rất to. Có thể vì tai Nội điếc. Cũng có thể, đó cũng là cách thể hiện lòng thành của Nội với người khuất mặt. Trong lời khấn của Nội, không chỉ là chuyện sức khỏe dối dào, mùa màng bội thu, mà có một câu luôn được nhắc đi nhắc lại: cầu nguyện Ơn Trên phù hộ cho con cháu nhà họ Đặng này luôn được mọi người thương mến.
            Ngày nhỏ, tôi cũng có nghe một vài lần lời khấn đó, nhưng không lưu tâm. Lúc nội mất, tôi vẫn còn là một đứa con nít. Chỉ lâu lâu nhớ lại, như đâu trong tiềm thức…
            Lời khấn của nội được linh ứng không, tôi cũng không rõ. Nhưng tôi thấy Ba tôi từng chút một, từng ngày một, làm cái việc để “con cháu họ Đặng này luôn được mọi người thương mến”, ít nhất là trong phạm vi nhỏ nhoi có được, là gia đình, dòng họ.
            Cái tình của Ba đối với mọi người, vừa có cả sự thuần hậu chất phác của người quê lẫn sự khôn ngoan tế nhị của người có học. Ba chu đáo, và bày tỏ tấm lòng của mình bằng sự chu đáo với mọi người, như một lẽ tất nhiên phải vậy. Thật tình, cho tới giờ này, nhà cô nhà bác tôi chưa tới hết, nhưng vì gia đình tôi sống trong cái nhà từ đường một năm có dư chục đám giỗ, thì cũng hơn chừng đó lần tụ họp bà con. Trong những lần như vậy, tôi có cảm giác ba là người thật… quan trọng.
            Ngày trước hôm đám giỗ, có khi trước đó hai ngày, tùy thời điểm trong năm, mấy cô mấy bác ở xa đã về. Trong câu chuyện hàn huyên của anh chị em có khi thâu đêm suốt sáng đó, ba vừa làm công việc của một nhà tư vấn… đa hệ, giải đáp những thắc mắc của người lớn lẫn đám con cháu, từ chuyện ruộng nương đặng, thất là tại làm sao, con heo nhà này bị bịnh như vậy trị cách nào… đến chuyện sắp tới đứa cháu này học thi đại học, xin chuyển trường nọ trường kia, sức học mạnh yếu ra sao, thậm chí cả chuyện tình cảm của các anh chị lớn như vậy như vậy… Và nhiều khi, phải làm cầu nối, làm trung tâm hòa giải cho nhiều vụ hiểu lầm nhau trong anh em thân tộc.
            Cái lối nói chuyện cuốn hút, nhỏ nhẹ, mềm mà cứng, khi nhu khi cương, cái cách xử việc thấu tình đạt lý… của một ông thầy giáo không những khiến mấy anh chị tuổi teen mê mẩn, mà cả người lớn cũng vui lòng.
            Dĩ nhiên, không phải một mình ba có thể hô biến tình cảm của mọi người.
            Còn có má và mấy chị em tôi nữa.
            Cái tình không thể hiện trên lý thuyết, là đó đó.
            Nhà cửa, dù lúc nào má cũng giữ sạch sẽ tinh tươm, vậy mà khi khách đến, có người mang theo thói quen hút thuốc hun khói hay ăn trầu nhổ cốt tứ tung, cũng được má vui vẻ chấp nhận. Chị em tôi, cứ nghe có khách về, là như một ngày hội. “Tự nhiên” ngày đó vườn nhà sạch cỏ, nước nôi được xách đổ đầy hũ khạp, đứa nọ nhắc đứa kia không được giỡn hớt lớn tiếng, thấy ai cũng phải khoanh tay chào với vẻ mặt vui tươi… riết thành thói quen. Mà không vui sao được khi bà con xa về có biết bao chuyện làm quà, chuyện nào cũng hấp dẫn.Tưởng nếu khéo nhớ, có thể viết nối nhau cả đời không hết…
            Cái bếp của má, bình thường có khi cũng toàn những “bài địa lý”* của ba, nhưng luôn màu mỡ sung túc khi đón khách về. Dĩ nhiên là ai cũng biết nhà ba má chẳng dư giả gì, nhưng tấm lòng nhiệt thành, thơm thảo của má làm cho mọi người có một cảm giác thật ấm áp khi trở về nhà. Ba nói: đó là Lễ. Không có sự thể hiện đó, mọi việc khác đều vô nghĩa.
            Có lẽ vì vậy mà ngôi nhà của Nội ngày xưa luôn ấm áp và đông vui.
            Khi nội mất, cho dù gia cảnh sa sút, nhưng nếp nhà vẫn vẹn nguyên. Ngay cả khi ba mất, ngôi nhà thờ vẫn thường xuyên đón khách về mỗi lần giỗ quảy. Tất nhiên ngày nay thưa vắng rất nhiều anh chị mà ngày đó còn thuộc hàng con nít, vì công việc của thời hiện đại cứ cuốn người đi như lốc, không rứt ra được!
            Một số anh chị lớn và cả bạn bè tôi, vẫn tỏ ra… ngán ngại khi nghe tôi nói chuyện giỗ chạp tết nhất. Có thể, má và chúng tôi cũng là những người… không - thức - thời, nhưng mà nếu không gìn giữ và chia sẻ cái đã được ban tặng – cái gọi là TÌNH YÊU THƯƠNG đó, thì liệu có còn chút nào gọi là mối ràng buộc giữa người với nhau không?
            Cái tình đó xuyên suốt mọi mối quan hệ, mọi hành động, việc làm của ba. Ngày qua ngày, những sợi tơ thương yêu đó đã kết thành một cái kén, để con cái của ba được hưởng trọn tình thương của mọi người một cách tự nhiên, như vốn có. Và rồi cũng tự nhiên, con cái ba cũng đối với mọi người đúng y như vậy.
            Đó là cái cách ba biến lời nguyện của Nội thành hiện thực, không biết có phải vậy không.
Tây Ninh, mùa hè 2009
          

gia tài của cha (p4)

GIA TÀI CỦA CHA

Xem phần trước: (1),(2)(3)

BẢY
            Từ hồi ba tôi mất, má tôi có thêm cái thói quen nhắc con cái, mỗi khi có chuyện chi đó khó giải quyết: “Lên bàn thờ đốt nhang cho ba mày đi…”. Nhang thì chưa kịp đốt, nhưng bà đã khấn thành tiếng, mà như đang nói chuyện với ba đang đứng đâu đó thật gần: “Ba mấy nhỏ coi thử cái vụ này làm sao, tui thấy…”. Người lạ, có khi nghe mà sởn da gà… Nhưng con cái thì hiểu. Với bà, ông chỉ là một bước đi về nơi khác với nhiệm vụ khác. Điều đó có nghĩa, khi bà muốn ông “về”, chỉ cần “a lô” bằng thứ sóng tâm linh đó, là ông sẽ thoắt tới, giúp mấy mẹ con gỡ những nuột chỉ rối của cuộc đời.
            Nhưng khác với má, tôi ít thắp nhang cho ba, nếu hiểu theo kiểu để giải quyết chuyện riêng tư như vậy.
            Còn nhớ, hồi tôi lên mười mấy tuổi, Ba và Bác Sáu tôi ngồi nói chuyện, tôi hóng hớt gần đó nghe lén, vì hai ông đang nói chuyện về một linh hồn của người lớn nào trong dòng tộc nhập xác bác gái tôi. Thật ra, chuyện này không có kiểm chứng vì lúc đó tôi còn nhỏ, mà tới giờ cũng không có dịp… Nhưng có một câu như vầy khiến tôi nhớ hoài: “… hồi còn sống, ba đã đem hết những hiểu biết của mình dạy dỗ các con, dạy những điều hay lẽ phải, mọi chuyện thiệt hơn, mọi bài trúng trật. Vậy, cứ theo đó mà sống thì an vui, đừng có kêu réo mời thỉnh ba về mà hỏi cái này cái kia hay xin điều này điều nọ. Bởi vì ở đời, hễ trồng lúa gặt được lúa, trồng đậu hái được đậu…”
            Những năm cuối đời, Ba làm việc trong văn phòng Hội đồng Chưởng Quản Tòa Thánh Cao Đài. Lúc đó, ba bị bệnh tim, bác sĩ không cho di chuyển nhiều, kiêng cữ đủ thứ… Ba bèn ở luôn trong văn phòng để tiện làm việc và nghỉ ngơi.
            Một tối, tôi cùng chồng vô thăm ba, để hỏi ý kiến ba về một việc gì đó.
            Lúc về, trời lắc rắc mưa.
Khi tôi dợm bước ra ngoài, ba bảo dừng lại, chờ ba chút. Ông đưa cho tôi chiếc áo bà ba trắng của mình và bảo: con mặc vô chứ không ướt… Chồng tôi quay lại, trợn mắt nhưng tôi kịp đưa mắt ngăn lại. Tôi ngoan ngoãn xỏ chiếc áo đã sờn cũ của ba và ra xe… Bữa đó, về tới nhà, dĩ nhiên là… ướt nhẹp, nhưng trong lòng tôi rất ấm. Tôi có cảm giác ba đang ôm tôi vào lòng, cố che đỡ cho tôi suốt đoạn đường về khỏi mưa gió, bão bùng.
            Cái hơi ấm từ chiếc áo vải sờn cũ đó đã luôn bên tôi, cho đến bây giờ. Mỗi lần tôi gặp chuyện buồn phiền khó khăn, tôi lại vụt nhớ cái khoảnh khắc đó. Cái việc làm tưởng chừng như vô lý của ba, nó mang một thông điệp khác. Một thông điệp của tình yêu thương bất tận, một tuyên ngôn chở che suốt cả cuộc đời.
            Cuộc đời tôi gặp nhiều sóng gió. Nhưng tôi luôn yên lòng, bởi trên vai mình lúc nào cũng ấm tình từ phụ.
                       
TÁM
            Anh học trò của Ba tôi, rong ruổi trên mạng, tình cờ thấy được cái “Gia tài của Cha” tôi đăng trên blog, đọc xong bèn nhắn: Có một góc nhỏ trong cái tủ sách của Thầy mà em không biết. Khéo, có khi cô cũng không biết nữa…
            -Chi anh?
            -Em có đọc thấy hai chữ Mozart không, trong tủ sách đó?
            -Dạ có, là tên của một tiểu thuyết viết về chính nhạc sĩ thiên tài đó mà…
            -Em có nghe kể về sự tích của cuốn sách đó?
            Té ra cũng có sự tích a?
            Hồi trước, trong khuôn viên Tòa Thánh, phía sau hậu liêu của Báo Ân Từ, có một cái phòng thuốc Nam từ thiện. Lớn lắm. Trông coi cái phòng thuốc này là một người đàn ông lớn tuổi, tên Tư. Nhưng ít người gọi ổng là ông Tư mà gọi là ông Lò. Chẳng qua, vì ổng quản lý cái lò chế thuốc Nam lớn nhất tỉnh Tây Ninh này đây. Cái lò thuốc là một căn nhà thiệt cao, cột tròn, ám khói đen mun. Trong góc thâm thấp của lò thuốc, người ta gắn một cây cột to, có bánh xe sắt, thả xuống một cái “thuyền” bằng sắt, gọi là thuyền tán thuốc. Những người tán thuốc cứ đẩy tới đẩy lui cây cột đó mà tán những nắm thuốc nam thành bột, chớ sức đâu mà dần mà giã.
            Cái lò này, tôi biết. Việc tán thuốc, cũng có kinh qua. Lúc ba làm thuốc nam ở nhà, mấy chị em cứ thay phiên nhau mà ôm cột tán thuốc. Cái tiếng cọt kẹt rin rít của hai mảnh sắt chà xát mớ thuốc, thi thoảng lại chập cheng đụng nhau, ám ảnh cả trong giấc mơ tôi nhiều năm sau này.
            Một bữa nọ, ba cùng một bạn đồng nghiệp, là giáo sư Nguyễn Long Thành (người này, tôi chỉ nghe tên thôi, không biết) sang phòng thuốc đó, có việc. Từ xa đã nghe cái tiếng cọt kẹt rin rít đó vẳng tới, đều đều, đều đều…Thầy Thành buột miệng: “Chính cái tiếng cọt kẹt cót két này, là khởi nguồn của một thiên tài!” Ba tôi ngạc nhiên: “Ông Tư là thiên tài chi?” Thầy Thành cười bí ẩn, rồi nói: “Anh đọc cuốn Mozart chưa? Tui đâu có nói ông Tư là nghệ sĩ. Ông Tư thì vẫn là ông Tư thôi. Tui nói cái âm thanh đó làm tui liên tưởng đến một thiên tài.”
Trong cuốn sách đó, có một đoạn viết về những tiếng động chạm đều đều của những thức sinh hoạt chung quanh, với những người khác thì không có gì lạ, nhưng với cậu bé Mozart, người có một sức tưởng tượng kỳ lạ, bay bổng thì đó là khởi nguồn cho những âm thanh phù thủy sau này!
            Và cái câu nói đó, đã khiến Ba tôi lóc cóc đạp xe đi lùng bằng được cuốn sách mang về, để “nghiên cứu” xem vì sao cái tiếng động tưởng khô khan chán ngắt đó trong xưởng thuốc làm bạn mình liên tưởng đến một lĩnh vực hoàn toàn khác. Không biết ba tìm thấy điều cần tìm trong đó không, nhưng với tôi, trong cái gia tài chữ nghĩa, có thêm hai chữ Mozart và những gì liên quan trong đó… trước khi học xong chương trình phổ thông, và trước khi tôi biết đến hai từ thư viện gắn trên cửa một căn phòng.
            Học thêm được một bài học nữa, hiểu thêm một chút về những ngày tháng ba lui cui góp nhặt vốn chữ nghĩa dành lại cho con…

CHÍN
            Tháng Năm, Tết Đoan Ngọ.
            Tháng Năm  rực rỡ hoa và ngọt ngào đủ thứ trái cây mùa hè.
            Nhà tôi ngay mặt đường lớn, lại gần gần một vườn trái cây. Giờ, đã thưa thớt người đi chứ ngày trước, ngày mồng Năm là ngày nam thanh nữ tú rủ nhau “đi vườn” vừa ăn vừa mua xách về, dù biết giá trái cây mua tại vườn hôm đó có khi đắt gấp bốn lần mua ngoài chợ! Chúng tôi ngày nhỏ, cứ việc bắc ghế ra ngoài sân ngó người ta qua lại là đã thấy nôn nao.
            Thường thì nhà ai cũng làm món gì đó để cúng mồng Năm, nhà tôi không ngoại lệ. Thường cũng là chè trôi nước và xôi vò, cơm rượu. Lại có món bánh ú nước tro, gói bằng lá tre, ăn là lạ miệng, bình thường không thấy ai làm, chỉ có dịp này mới gói, mới bán, đầy! Nhưng lúc đó sống chung với Nội, Ba chiều lòng Nội mà cúng kính – đó là Ba nói vậy. Cái chiều lòng đó, được ba giải thích: “Vì thật ra, Tết này khởi nguồn từ bên Tàu…”.
            Một ngày Tết Đoan Ngọ, sau khi ăn uống xong, ba ngồi giữ thằng Út lúc đó mới mấy tháng tuổi, cho má với tôi dọn dẹp. Khách khứa về hết. Ba ngồi trước hiên, vừa bồng thằng nhóc vỗ vỗ, vừa hát nho nhỏ : “Rằng xưa có gã từ quan…”. Ôi chao ơi, lần đầu tiên nghe Ba hát! Hát một mình, hát với mình… ước chi tôi còn có thể nghe lại thêm lần nữa, vì có thể ba đã hát hò nghêu ngao với bạn bè đâu đó, nhưng với con cái trong nhà, ba xưa giờ là một người rất mực tôn nghiêm, không hay đùa giỡn, nhất cử nhất động rất mực thước. Vậy mà hôm đó, không biết điều chi khiến ba có thể ngẫu hứng buột miệng như thế… Chắc chắn, chỉ có tôi thấy, tôi nghe, vì má thì mắc kẹt dưới bếp rồi... ái chà chà. Tôi rón rén đi vòng lên, ngồi dựa vách. Nín nghe. Ai dè ba biết, quay lại cười cười… tôi không hiểu bữa đó ba cười chi, nhưng mà ngay trong chiều, tối đó, đã được ba cho đọc chuyện Khuất Nguyên trầm mình, cả chuyện Lưu Nguyễn vô núi bữa mồng Năm, rồi thành một sự tích, rồi có người viết nhạc làm thơ!
            Rằng xưa có gã từ quan…
            Ba cũng “từ quan” đó. Chức “quan” của ba ngày xưa chỉ là một ông Giám học trường tư, một ông Tổng Giám thị trường công. Còn ba, dưới con mắt của học trò, Ba vẫn là một người thầy tận tâm tận lực, thương học trò không biết đâu mà kể. Cũng chính vì thương học trò, và cũng cầu toàn, và thực ra sức khỏe lúc đó không tốt lắm nên sau năm 1975, ba xin nghỉ dạy học luôn. Mãi sau này, tôi mới biết được cái nguyên nhân sâu xa đó. Nó chưa chắc đã đúng, nhưng nó có lý. Cái lý đó như thế này: Ba không thể hôm nay giảng cho học trò mình thế này, ngay ngày mai đã giảng thế khác. Làm người lớn không nói hai lời. Làm thầy giáo, lời dạy không nên tiền hậu bất nhất…
            Tôi chỉ nhớ đoạn sau: “…Làm người lớn không nói hai lời. Làm thầy giáo không nên dạy học trò tiền hậu bất nhất.”
            Nhưng đó là cái phương châm sống rõ ràng khiến nhiều người trọng nể ba, bạn bè yêu quý ba, dù ba có không ít những người chỉ trích và khinh khi ba là kẻ không thức thời!

            

gia tài của cha (p3)

GIA TÀI CỦA CHA

Xem phần trước: (1),(2)

NĂM
            Năm 1976 -1979, là thời kỳ khốn khó khắc nghiệt nhất của gia đình tôi.
            Thật ra, lúc đó chung quanh, ai cũng vậy. Và, cái khắc nghiệt đó, nói cho ngay, chỉ có người lớn mới cảm nhận được, chứ con trẻ biết gì. Vì thế, sau này lớp nghe kể, lớp đọc sách, tôi mới hình dung ra được. Còn cái khoảng trời cực nhọc đó, với tôi, lại là một đoạn ký ức nên thơ nhất.
            Thỉnh thoảng, ba vô bếp, mỗi khi má bận hay bệnh, hay vắng nhà. Chuyện này trước đây hầu như không có. Chẳng qua, trước đây việc bếp núc do bà bác dâu tôi phụ trách (gia đình tôi, gia đình bác ở chung với ông nội).
Phải công nhận một điều là ba nấu ăn cực… dở, nhưng qua câu chuyện của ba dẫn dắt trong mỗi bữa ăn hoặc trong lúc nấu ăn thì hình như chúng tôi không phải đang dùng bữa mà là đang khám phá ra một điều hấp dẫn. Mà ngộ, tôi lại là đứa con gái được ba dạy cho vào bếp, chứ không phải là ngoại hay má tôi. Sau, má đổ thừa vì ba tôi cưng con gái, nên mọi việc tùy ba, chớ chỉ cần tôi sướt da là ba mất ngủ! May trời, vì cũng có gen bếp núc được thừa hưởng từ… bà ngoại, nên sau này tôi nấu ăn không tệ.
Ông nội tôi làm nông. Bữa cơm sáng không thể thiếu dù chỉ ăn cơm hay cháo trắng, với kho quẹt. (Cái này mình giàu hơn Thạch Sùng là cái chắc!)
Bữa nọ, hai cha con dậy nấu cháo sáng. Má đau mấy bữa, đồ ăn trong bếp cạn láng. Ơ quẹt ba kho bữa đó, toàn muối là muối, có rắc mấy hột tiêu dập dập và xíu bột ngọt, không dầu, không mắm… Nhìn thấy cái ơ trắng nhách muối, kho xong nổi lên từng cục, tôi ngán ngẩm. Vẫn là ơ quẹt nhưng má kho… ngon hơn nhiều, dĩ nhiên! Ba thản nhiên bưng lên bàn.
Hôm nay mình học bài địa lý về nước Việt Nam của mình, nghe tụi con.
Biết là ba bày chuyện chi hay ho rồi, ba chị em tôi xúm lại (hồi đó, hai đứa kia còn nhỏ chút xíu, chưa biết).
Cây đũa tre của ba vẽ một đường loằng ngoằng trên ơ quẹt. Cái vệt hằn đó còn sóng sánh chút nước muối… Này là ải Nam Quan, này là đèo Hải Vân, này là khúc ruột miền Trung, này vựa lúa miền Nam, này là mũi Cà Mau. Đây đảo Hoàng Sa, đây Trường Sa, đây đảo Thổ Chu, đây bờ đây vịnh… Cứ mỗi lần chúng tôi múc một muỗng cháo, quẹt bớt đi ít muối, một địa danh mới được định hình… Khi cái bản đồ Việt Nam hoàn thành với tỉ lệ… bao nhiêu không biết, vì nó chỉ còn nhỏ như sợi khói, thì những cái bụng con nít cũng tròn vo.
Thôi, sửa soạn đi học, con!
Ôi chao ơi! Bài địa lý đó, chắc gì, chắc gì người thầy nào ngoài ba tôi, giảng cho thấu! Nó tràn ngập tình yêu thương, lòng vị tha và cả sự an nhiên trước nỗi đời khốn khó, nó rọi vào lòng mỗi đứa trẻ chúng tôi ánh nắng của sự lạc quan, trước cuộc sống hiện tại và sau này.
Gia tài của ba đó.

SÁU
Có những thứ mình sở hữu một cách đương nhiên, và được ban phát hào phóng quá, đến mức tắm đẫm mình trong đó, vô tư lặn hụp mà không nhận thấy là mình đang sở hữu trong tay một tài sản quý giá nhường nào. Để đến khi ngó lại thì ôi thôi, hình như mình đang vung tay quá trán, không biết giữ gìn mớ của cải tuy là nhiều nhưng rồi cũng sẽ hết, theo tháng năm và theo cái cách sử dụng của người sở hữu.
Ông nội, không biết chữ. Ở vào tầng lớp ngày xưa ghi lý lịch là bần cố nông. Ông nội sớm mồ côi, sống với anh chị, đi làm mướn từ thưở tóc xanh chưa kịp nhuộm kín đầu. Nửa đêm gà gáy ông còn ngoài chuồng trâu, gà gáy canh tư đã sấp ngửa ra ruộng. Không biết chén rượu đầu đời ông uống lúc nào, chỉ biết là ông nghiện rượu nặng. Giống như anh thợ lặn uống chén nước mắm khi xuống biển, chén rượu ông uống là vào lúc đầu ngày làm việc, trước khi mở chuồng trâu. Uống để giữ lửa trong mình, tự ủ ấm mình trong sương lạnh, bùn lầy… mà hoàn thành công việc. Mỗi ngày một chút, ngày nào không uống rượu, ông không ăn được cơm.
Vậy mà, trong tất cả các đám tiệc trong làng, Nội tiệt nhiên không nhấp một giọt rượu! Hồi đầu vấp phản ứng ghê lắm.Trai tráng mà, trà tam rượu tứ, dễ gì bỏ chiến hữu, huống chi, nội lại là một anh thợ cày… dễ thương nhất vùng.
Tôi nhớ trong cuốn sổ thu chi của má, bao giờ cũng có khoản tiền mua rượu cố định cho cha chồng: tháng 5 lít rượu nếp! Ông chỉ uống như thói quen: một ly buổi sáng, một ly trước mỗi bữa ăn, trong khi chờ cơm.
Vậy mà, không những đi đám mà ngay cả khi nhà có đám, ông cũng không uống và không mời ai uống rượu.  Điều này được ông giải thích: Ba làm vậy là vì các con! Rượu mà uống dư, nó sai khiến mình. Cứ uống người này không uống với người kia không được. Sau đó, ra đường té bờ té bụi, chân nam đá chân chiêu! Một thân một mình, mà nghe thiên hạ nói lại còn xấu hổ. Huống chi, đã có con. Mai kia lỡ không giữ mình được, nằm bờ nằm bụi thì tội nghiệp con. Người ta sẽ nói các con là con của thằng say rượu nằm đó kia, chứ đâu phải là con ông Sáu! Rồi các con  mắc cỡ, bị bạn bè chọc ghẹo. Nghĩ tới đó mà ba không đành! Nên, ba giữ mình không chỉ cho ba, mà là giữ cho các con của ba . Không thể để con của ba bị mang tiếng là con của thằng say rượu!
Ba kể thì nghe vậy chớ hồi đó, bọn tôi hiểu mà không thấu. Đó cũng là lời giải thích tại sao ba không uống rượu. Ba cũng là người duy nhất trong dòng họ, không uống rượu, và không nghiện thứ gì! Ba xây một cái hàng rào bảo vệ vô hình từ những chuyện nhỏ nhặt nhất có thể làm được, để dung dưỡng con cái trong một môi trường sạch đúng nghĩa.
Con cái của ba, bởi thế, được mặc định là con - của - Thầy! Mà Thầy hiền lành như thế, trong sáng như thế, tốt bụng như thế, làm được nhiều việc tốt cho người này người kia như thế…
Điều đó giải thích vì sao mà có những người tôi tưởng chưa từng gặp bao giờ, chỉ nhìn thấy tôi, hỏi sơ sơ ba chuyện đã xin lỗi cắt ngang, hỏi em phải con của Thầy không? Thầy sức khỏe ra sao? Và hãnh diện khoe: anh/chị học Thầy năm lớp mấy lớp mấy…! Có những người đúng là mới gặp tôi lần đầu, nghe người bên cạnh giới thiệu là con của thầy, cũng tự nhiên vui vẻ hẳn lên… Trong đời, cho tới giờ này, tôi cũng đã có chừng mươi lần “chạm mặt” kiểu như vậy.
Điều đó giải thích vì sao, lúc ba mất, người dự đám tang đông như thể cúng đàn. Đến giờ tế, nhìn mấy mươi vị học trò già quấn khăn tang cúi lạy trước linh cữu thầy, với đủ tầng lớp, người đã thành đạt, kẻ còn long đong cơm áo, đều bình đẳng quỳ cùng nhau với một mảnh khăn trắng trên đầu, tôi khóc ngất. Khóc vì cái tình – thầy – trò, đọc đã nhiều, giờ mới nhìn tạn mặt.
Cái đáng giận của tôi, là tới bây giờ mới biết soi lại mình, trong những dòng chữ đang gõ này đây…



gia tài của cha (p2)

GIA TÀI CỦA CHA 


BA.
            Hàng xóm của ông bà ngoại tôi là một cặp vợ chồng già, người Tàu. Cả xóm không ai biết họ tên chi, chỉ kêu chồng là ông Năm-các-chú và vợ là bà Năm-cao-giò (bà cao một mét bảy mấy, hồi đó cao như vậy kể như là một hiện tượng trong xóm nhỏ!). Ông Năm làm nghề mua ve chai. Tụi con nít chúng tôi ưa qua nhà ông bà chơi, vì họ rất mê con nít, và bởi sau nhà họ là cả một thế giới khác người của những chai những hũ, vỏ lon đồ hộp, thùng bánh, những loại dây nhợ ốc vít và có khi, cả những con vật ngộ đời! Như con heo có… 5 chân, con bê có thêm cái đầu nhỏ xíu. Rồi trăn bự, rắn lạ, chồn cheo mễn trúc…. Chả biết ông lùng sục đâu ra. Những con này không lưu lại nhà ông lâu, vì ông sẽ chuyển qua tay những ông làm nghề Mãi võ sơn đông, để câu khách mà bán thuốc. Nhưng trước khi qua tay đó thì lũ trẻ con trong xóm đã được thưởng lãm mê tơi… miễn phí!
            Một bữa, ông gọi ba tôi, kêu bán cho cái tủ.
            Ngang mét hai, cao 2 mét, cửa kính, đóng theo kiểu Tây… không biết tủ được làm bằng loại gỗ gì mà đã lên nước đen bóng. Cái tủ phải 6 người thanh niên khiêng mới nổi. Ông nói quý ba tôi, vì cả xóm chỉ có ba là thầy giáo. Thầy giáo phải có cái tủ như vậy, để trong nhà mới xứng. Mua ngoài tiệm, chắc chắn ba tôi không mua nổi. Nhưng vì ông mua giá ve chai, nên bán lại cho ba tôi cũng với giá rẻ như cho. Nghe đâu cái tủ này là tủ sách của một gia đình bác sĩ, trước ở ngay tỉnh lỵ, sau giải phóng bán nhà về Sài Gòn. Cái tủ được thanh lý trong hoàn cảnh như thế.
(xem tiếp)
            Cái tủ, hẳn nhiên là chễm chệ trong phòng khách, và như cái tủ gỗ thông, nó cũng được làm đầy dần…
            Ba tôi đau một trận thập tử nhất sinh. Em trai tôi lên Sài Gòn học. Ba má bán căn nhà đầy kỷ niệm, mua một căn nhà cũ vách ván, đưa cả nhà ra phần đất ngoài mặt tiền mà ngoại mua cho (hồi đó không có khái niệm mắc rẻ nhiều như giờ) để vừa ở vừa buôn bán sinh sống. Nhà nhỏ, cái tủ gần đụng nóc nhà, phải xoay mặt vô trong, đưa lưng ra ngoài làm chỗ dựa cho bàn thờ.
            Ba tôi bớt đau, chuyển sang học đông y để tự chữa bệnh cho mình và tham gia vào Hội Y học dân tộc cổ truyền tại địa phương. Phân nửa số sách trong cái tủ - các - chú này là sách Y học. Dĩ nhiên, tôi cũng đọc, không từ! Dĩ nhiên, hiểu tới đâu thì hiểu!
            Tôi lớn lên, cũng tự mua sách thêm để bổ sung vào kho sách của ba. Cái tủ đó cũng là nơi tôi cất giữ những bí mật con gái.
            Bây giờ, cái tủ đó đang được chễm chệ ngự ở nhà… tôi. Nó đã hoàn thành sứ mạng 30 năm làm chỗ dựa cho bàn thờ, làm ngăn kéo bí mật cho con gái, làm chỗ… giữ của cho má tôi! Nó được “mang ra ánh sáng” nhờ má tôi dỡ nhà, xây lại! Bà biểu tôi mang về nhà, và nói cái này là của ba dành cho tôi, một khi tôi có nhà riêng. Chỉ có điều, cái sứ mạng của chiếc tủ-ông-các-chú lúc đó chưa hoàn thành, nên chưa rời nhà được.
Gia tài của ba tôi đó!
            Và bây giờ, tôi bắt đầu dành dụm từng cuốn sách một vào đó, làm gia-tài-để-lại cho con tôi.
           
BỐN
Tình cờ, nói chuyện với bạn về cái “gia tài của cha”, trực nhớ tới cái cụm từ văn hóa phi vật thể, tôi đùa: cái gia tài của ba mình, cũng là một thứ phi vật thế đó bạn. Chữ không còn là chữ, để viết nên những thứ gọi là định nghĩa, những chuyện gọi là buồn vui.
Chữ của ba, không chỉ có những con chữ đã được in trong sách. Cái chữ ba dạy, nó bàng bạc khắp nơi từ trong khu vườn rộng mà thưở nhỏ tôi đã đắm mình trong đó, đến con đường đất đến trường, chỉ bước “ba bước là tới” mà mở ra biết bao điều thú vị. Đó là những chữ cái in hoa được xếp bằng cọng lá dừa, những chữ thường được quấn, ráp từ sợi lá chuối, từ những mẩu lá điệp bé tí hin chắp lại, bằng cả những bài học vạch bằng que tre trên nền đất cát trước hiên nhà thậm chí là những dây tua hoa tigon tím hồng leo đầy trên bờ rào. Để rồi một ngày nào đó khi được viết lên giấy dù bằng ngòi bút lá tre hay nhiều thứ bút khác, con chữ của tôi tha hồ bay liệng chung chiêng với hồn phách của mảnh sân quê ngát thơm hương đồng cỏ nội.
Cái sân rộng, rợp mát, tràn hương ổi sẻ khi tới mùa, lúc lỉu khế ngọt khế chua bên hông nhà, không những là nơi nuôi dưỡng xác hồn tôi, mà cũng là nơi đong đầy kỷ niệm thiếu thời của những người học trò của ba, của má.
Sáng-đầu-bạc, một bữa lâu rồi, ngồi nói chuyện mới nhắc tôi: anh nhớ hồi xưa thầy hay đố ráp vần, và em có nhiều chữ ráp rất… độc chiêu. À, có lần thầy biểu ráp vần u. Bọn anh còn loay hoay em đã nói rồi… mà điều… em còn nhớ không?
Tôi chỉ cười.
Nhớ mà không nói.
Vì sợ anh ghẹo tôi có tâm hồn ăn uống, tới già không bỏ.
Cái trò đó là trò ba bày ra để làm giàu vốn từ của trẻ con. Giống như bài ráp vần của lớp một đã nói ở trên, ba lấy ra một nguyên âm và đố coi trò nào có thể ráp nhiều vần với từ đó nhất.
Lần đó, ba  vừa nói: “U!”, tôi nói liền: thưa ba, u – tàu hũ.
Cả nhóm bạn anh Sáng cười rần rần.
Món tàu hũ đó, do bà má anh Sáng làm. Nhà anh Sáng có lò tàu hũ. Cứ trưa trưa, má anh Sáng sai mang qua cho ông thầy một ly đậu hũ non to cộ, nóng hổi để thầy ăn có sức mà dạy học. Hồi đó, tôi chưa biết cái món tàu hũ non nước cốt dừa, đường thắng mà mấy cô mấy chị gánh gánh đi bán ngoài đường như bây giờ. Món tàu hũ của má anh Sáng được ăn với đường cát trắng. Thơm mùi đậu nành. Thơm luôn giấc ngủ trưa của tôi…
Giống như vậy, mỗi lần thoáng nghe mùi mít chín, tôi nhớ ngay tới “trận chiến sân vườn” hồi xưa với đám học trò tiểu học của má.
Ba xướng: ơ!
Người thì “cái nơ”, người thì “bức thơ”, người mơ mộng chút thì “phất phơ”…
Con gái ba thì: Dạ, ơ – xơ mít!
Thật ra, vì lúc đó má đang xẻ mít mà tôi thì không chịu thua vụ đố chữ lẫn vụ giành ăn…
Nhưng bữa nay, ngồi gõ những dòng này, tôi nghĩ bần thần.
Con gái tôi học thi. Vặn vẹo khổ sở với bài văn soạn sẵn. Vặn vẹo với một đoạn Kiều rất gợi, được đặt tựa Thề Nguyền:
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương giọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần…
Nó vừa lẩm bẩm học, vừa đập tay xuống ghế: “Ông này viết khó hiểu muốn chết, học hoài không thuộc…”!
Ôi, làm thế nào để tôi có thể san sẻ bớt cái gia tài của ba cho con gái tôi đây?! Bởi có muốn sẻ chia cũng không kịp, bây giờ. Nhà trường đã lấy hết thời giờ của nó chỉ để học những bài trong giáo khoa, mà chưa đọc hết. 


Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

gia tài của cha (p.1)

Bữa nay là 20.11.
Hoa, quà và những chộn rộn từ bữa trước. Hôm qua ngồi với một người anh, học trò của ba mà lòng bâng khuâng gì đâu. Phải, cho tới giờ nầy, trong lòng mình vẫn chỉ có một mình ba, là người thầy đầu tiên, và duy nhất mình kính trọng và thương yêu. Những người thầy cô đã từng hướng dẫn mình, lúc nhỏ thì nhỏ quá, lúc lớn lại không có cơ hội gần gũi, và cứ... nhàn nhạt trôi qua cho hết thời gian, khó để lại dấu ấn. Nói như vậy không phải là phủi sạch công lao của tiền nhân. Chỉ vì mình bảo thủ quá chăng?
Đăng lại loạt bài này, để nhớ...

GIA TÀI CỦA CHA

MỘT.
Tôi lên sáu, mắt chữ o môi dấu á, liếc theo mũi bút bi run run của ba trên từng trang giấy kẻ ô li: a – ba, i – thằng tí, ư – bộ lư, e – trái me, con ve. Tập “giáo khoa” vỡ lòng của cha là tập giấy học trò, ba tự viết, tự vẽ, rồi dùng chính cây bút bi đó mà chỉ dạy cho con gái đầu lòng từng chữ đầu tiên.
Tôi lên bảy, đứng vừa chạm vạch thứ ba từ dưới đếm lên của cái tủ sách 7 ngăn, đóng bằng gỗ thông của ba, tay rờ đụng hàng sách giáo khoa từ lớp Năm đến lớp Nhất (chương trình tiểu học trước giải phóng). Ba thách: chữ, thì ba dạy rồi, đố con đọc hết cuốn sách tập đọc lớp Năm nè… tôi làm theo. Chưa kịp đắc chí vì “dễ ợt, con đọc hết rồi!” trong vòng có vài giờ, tôi lại bị ba treo: vậy chớ bài này, người ta nói gì? Con trả lời ba nghe… vậy là, phải tiếp tục nhăn mày nhíu trán coi người ta nói vậy là ý gì… không kể thời gian tập viết và làm toán, những gì gọi là chữ của lớp Năm, tôi ngốn trong một tuần.
Tôi lên tám. Bắt đầu với tay tới ngăn sách thứ tư. Từ ngăn sách đó trở lên là khung trời mộng mơ của hàng ngàn anh chị học trò ba. Tôi bắt đầu biết đến những tấm thẻ màu trắng, in typo, đề Tủ sách Nguồn Vui, Tổng Quản trị: Đặng Mỹ Lệ. Tủ sách do ba lập. Tổng quản trị là ba. Tiền mua sách do cả ngàn đồng xu leng keng quà sáng của học trò ba góp lại. “Góp một đồng, đọc ngàn cuốn sách” là cái tiêu chí hồi đó của ba. Lén ba, và bất chấp những giáo điều kỳ quặc của ngoại, của má và dì: “con gái học nhiều làm gì, đọc sách nhiều làm gì chỉ tổ hư người”, tôi cứ rút dần, rút dần những quyển sách xuống đọc, rồi cố gắng để y nguyên chỗ cũ, cũng không biết cái chiêu “cấm” của ba là chỉ để kích thích trí tò mò…
Tôi đọc tạp. Từ mấy loại sách Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, đến sách cho tuổi thanh niên, các tạp chí… Bắt chước ba, các anh chị học trò lại “chọc” tôi: trong sách nói gì vậy cưng? Và tôi hãnh diện tóm tắt cho các anh chị nghe mà không biết họ đang chơi trò xiếc với mình!
Tôi lên chín. Giải phóng. Nguồn vui lén lén ba má đọc sách (thực chất không lén được vì luôn bị bắt quả tang trong trạng thái không biết gì) bị cắt mất một cách thô bạo. Tôi rụng rời khi người ta giật phắt cuốn Thềm Hoang của Nhật Tiến trên tay, trong đợt “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy”. Tôi khóc òa lên khi những cuốn sách yêu dấu được ném, nhồi nhét không xót thương vô bao tải. Này Sơn Nam với Hương rừng Cà Mau, này Bình Nguyên Lộc cùng Đò Dọc, này Chim hót trong lồng, này Con Chồn tinh quái… và những Kho tàng cổ tích, ca dao, tục ngữ… Việt, đều bị vùi dập nát nhừ và nghe nói ra tro sau đó.
            Mười bốn tuổi, tôi không học nổi nữa. Trước đó vài năm, tôi phải quản đám em lau nhau 4 đứa để ba má nghỉ dạy ra chạy chợ. Đầu óc đâu mà học, thì giờ đâu mà học, chỉ được cái giỏi nói dóc dỗ em. Nguồn… nói dóc lấy từ những quyển sách tôi đọc được. Tôi nói với ba: Con nghỉ học.
            Ba thở dài, nói với tôi như một người đã lớn: ba má không ruộng nương đất cát. Hồi xưa, nội con dốt đặc, bị ức hiếp đủ chiều nên quyết lòng cho con mình đi học. Sáu người con trai của ông bà nội lớn lên, không thành công cũng thành nhân, thoát khỏi cảnh lội bùn dang nắng. Ba cũng muốn làm giống nội, cho con cái ba mát mặt với đời. Nếu từ chối chữ ba dạy, thì ba không còn gì cho con nữa.
            Tôi nghe mà đâu có hiểu gì. Chỉ khi bắt đầu hăm hở lao vào làm công nhân ngay trong mùa hè chuẩn bị vào tuổi mười lăm, tôi mới thấm thía lời ba dạy. Lại ráng vừa làm vừa đánh vật với chương trình Bổ túc văn hóa, cho đến khi hết cấp 3.        
            Tôi nộp đơn và thi đậu vào trường Sư phạm. Ba cười. Với ông, đi học không chỉ là có tấm bằng để kiếm việc, mà là giúp con có cơ hội sải cánh bay ra một khung trời rộng rãi hơn, hiểu biết được nhiều hơn. Việc mà ông vui là học Sư phạm, tôi sẽ làm được việc giống như ông: truyền chữ cho đời sau.
            Tiếc cái, tôi đã chuyển qua cái nghề dính lưng tôi suốt gần hai mươi năm qua: nghề viết.
             Nghiệp, hay là định mệnh? Tôi không rành ba vụ này lắm, nhưng chắc là duyên nghiệp. Cái duyên, cái nghiệp đó cho tôi cơ hội được trải lòng mình trên trang giấy, chia sẻ cùng loài người những cảm nhận, những khát khao… và cái nghiệp đó, cũng nuôi sống tôi và gia đình nhỏ của tôi suốt bao năm qua, dù không giàu có dư dả chi, nhưng nếu theo lời ba tôi, thì chúng tôi đã không phải lội bùn dang nắng, đổ mồ hôi và nhiều khi là máu, để có bát cơm.
Cái chữ ba dạy, nó giúp tôi viết ra cái này cái khác, giúp tôi để dành và làm tươi mới hồn phách của những thứ cũ kỹ tưởng ủ mục và hóa bùn theo tháng theo năm…
Gia tài của ba đó.

HAI
            Cái tủ sách 7 ngăn của ba, thấy vậy chớ lại dần đầy, sau cái ngày bị hốt mất những cuốn sách làm trong veo hồn trẻ. Ba tôi có thói quen tháng nào cũng mua sách. Nhiều ít cũng phải có, như thể thiếu nó không được. Nói nào ngay, có những cuốn ông mua lâu rồi, nhưng cho đến lúc tôi lén lén chạm tay vô, thì nó vẫn chưa được rọc. Không biết ông đã đọc đâu đó rồi mới mua hay là không còn thời gian để đọc, chỉ thấy là cần cóp nhặt lại làm “của để dành” cho con?
            Nhưng có một tủ sách khác, nhỏ hơn, và dĩ nhiên sách trong đó cũng… hấp dẫn hơn! Cái tủ sách đó ở phòng làm việc của ba. Một cái tủ nhỏ, gọn gàng có treo rèm vải ta phía bên trong cửa kiếng, in bông gì đó 5 cánh nhỏ li ti, màu hường hường, được may xếp pli rất dễ thương. Cũng trên cánh tủ đó có dán hình Phật Thích Ca, cắt ra từ cái bìa đôi của quyển Đức Phật và Phật Pháp, nên còn được gọi là tủ-ông-Phật. Má tôi nói má mua làm quà tặng ba hồi mới cưới. Khi tôi lớn, tấm rèm đó và cả tấm ảnh đã hơi hơi ố màu. Và vì nó che cái bên trong lại, nên càng khơi gợi trí tò mò của một đứa con nít… Một bữa, ba ở nhà, đang mở tủ làm gì đó mà có khách, phải ra nhà trước tiếp khách. Ngồi gần đó, tôi vội luồn ngay vô, coi….
            Cái tủ có 3 ngăn. Ngăn dưới cùng to nhất là hồ sơ sổ sách, có cả cái con thỏ bằng nhựa màu đỏ đựng tiền xu tiết kiệm, và nhiều thứ giấy tờ quan trọng. Nhưng hai ngăn trên mới thu hút sự chú ý! Đó là cả một bầu trời lạ với tôi. Trong đó là mấy bộ truyện tàu bìa cứng mạ vàng: Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Đông Du, Tây Du, Phong Thần… là Vang Bóng Một Thời, là Thiền Luận, là Đắc Nhân Tâm, là Quẳng Gánh Lo đi, là nhiều cuốn sách Học Làm người, và những quyển sách về tôn giáo… mà tôi không nhớ hết. Len lén rút vội Vang Bóng (chắc vì cái tên của nó), tôi lẻn vào phòng mẹ.
            Khi ngốn xong cuốn sách, tôi giật mình vì quyển sách này được rút ra từ một nơi… linh thiêng bí mật. Trả nó lại chỗ cũ không dễ chút nào so với cái tủ gỗ thông. Ba đã khóa cửa tủ và đi đâu đó rồi. Tôi tần ngần chưa biết tính sao thì nghe ba gọi ra ăn cơm. “Đừng trốn nữa, ra ăn cơm đi con!”. Bữa ăn đó ba lập nghiêm không cười khiến tôi vừa ăn vừa run. Ăn xong bữa cơm, ba biểu lên nhà trên khoanh tay lại:
            -Con lấy gì trong tủ của ba?
            -Dạ, sách. – Tôi run rẩy chìa cuốn sách được bọc ngoài bằng giấy kính mờ…
            -Con đọc hết chưa?
            -Dạ rồi.
            -Giờ, con viết cho ba coi, cái gì trong cuốn đó làm con thích. Viết được, ba không phạt. Cho coi lại và mỗi tuần con được phép đọc một cuốn. Viết không được, ba không cho coi.
            -Dạ.
            Tôi khoái cái truyện Hương Cuội. Nguyễn Tuân tả việc tỉ mẩn rửa cuội, quấn mạch nha vào từng viên rồi xếp trong chậu thủy tiên đó, trời ơi sao nó thanh tao thú vị và gợi… thèm đến thế. Dẫu cho tới bây giờ, tôi cũng chưa sở hữu một giò lan nào khả dĩ… quấn kẹo để ướp hương được, nhưng cái hương lan thanh khiết và dáng hoa sang trọng, lộng lẫy kiêu sa thì hình dung được, hình dung được, từ thưở ấy. Rồi lại cảnh mấy ông già ngậm viên kẹo nhân đá mà uống rượu, ngâm thơ, nghe tao nhã thoát tục lạ thường. Không biết giờ có ai chơi trò uống rượu với kẹo mạch nha nhân đá mà thưởng Nguyên tiêu?
            Ba tôi… không phạt!


xem thêm (2),(3),(4)

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

trả nợ

TRẢ NỢ

Thì cũng còn mắc nợ mấy hột cơm
Nên ráng cày buổi mơi chiều
Bất kể mùa màng chắc lép.

Thì cũng mắc nợ sách đèn từ nhiều kiếp trước
Nên thôi đừng phiền lòng
Cặm cụi ngày và thắc thỏm đêm.

Thì cũng còn mắc nợ trái tim
Nên cứ tha thẩn dưới hiên mưa
Nhắc mình rồi ngày mốt ngày mai lá cũng rụng đầy ngoài phố

Không ai nhớ
Không còn ai nhớ nữa
Buổi chiều nào trời nổi cơn giông gió
Bắt mấy sợi tóc phai để trả nợ một tiếng cười.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

bạn già

BẠN GIÀ

Khi buồn uống rượu cho vui
Khi vui uống rượu vẽ đời thành thơ

Bạn ngồi quán hát vu vơ
Ngó trời mây phủ mịt mờ nhân gian

Uống đi. Thì cứ uống khan
Buồn vui chi cũng rót tràn cung mây.

Hơ hơ...thì nhậu cho say!
Say rồi ngồi vẽ bàn tay ông trời...

giả bộ

GIẢ BỘ


Em giả bộ quên.
Quên hết những con đường mình từng qua
Những cơn mưa sáng mưa chiều ngập đen lối phố
Giả bộ quên những nụ cười nghiêng tràn ánh nắng
Hôm nao gió thổi bụi bay mờ.
Giả bộ quên luôn những tiếng hát lửng lơ
Trôi theo phiến lá me buồn xuống từng phận người bé nhỏ
Bữa ai làm rớt  một nụ hôn trên tóc em hờ hững
Gội biết bao lâu mà cứ vướng hoài.

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

mê...

buồn vui chi cũng là cơn mê

Tạnh cơn mưa này rồi em về
Buồn vui chi cũng là cơn mê...

Ừ thì duyên nợ nghìn năm
Bởi nên thương nhớ
nằng nằng đeo mang.

Ừ thôi nguyện một đá vàng...
Nguyền xưa nặng nợ
Hợp
tan...
Nghìn trùng.

Bởi chưng trời đất mông lung
Núi cao sông rộng
Thánh thần không nghe.
 Vậy nên...

Tạnh cơn mưa này rồi em về
Đừng đưa.
Mình em qua cơn mê...

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

repost...

tím...

Tím ơi, em lẫn vào đâu vậy?
Chiều buông
Mà nhớ vẫn khôn khuây

Tím ơi...
Thét điếng lời trong núi
Những cánh dơi
Nghiêng...
Chắc lạc bầy.


Em rắc bùa mê trong tóc ướt
Hớp hồn ta.
Chắc vậy...
Tím ơi!

Chừ đã chạm một tầng địa ngục
Chắc rồi đây mấy kiếp khỏi đầu thai.
Tay trì níu một chéo khăn ký ức
Nát một trời quê...
Chết mất!
Tím ơi!

Em lẫn vào đâu, thôi về đi Tím
Về anh hái dây nho bày chuyện vợ chồng
Anh sẽ thắt dây chuyền và nhẫn cưới
Bằng dây tơ hồng mới bứt sáng nay...

Về...
Tím ơi!

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

đời cứ buồn...

đời cứ buồn như những chia ly
tay thì ấm mà tâm hồn lạnh giá
đời cứ buồn như lòng người tráo trở
khoác cà sa tụng niệm khúc vong tình

đời cứ buồn như bọt nước linh đinh
như sông kia không xuôi về với biển
đời cứ buồn như người ngày trở bệnh
mãi nằm đau chờ nghe tiếng: ơi mình!

đời cứ buồn như thể phải lặng thinh
không nói được những lời ... không được nói
người cứ buồn mỗi đêm mưa vời vợi
thả hồn rong theo mỗi giọt rưng trời.

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

ớn...

Ớn tình...


Ớn tình bỏ mứa cuộc chơi
Ngoài sân nắng tắt, mưa rơi, ể mình!
Mòn tay lật mấy trang kinh
Say hoài nên tụng nửa chừng lại thôi.

comments...

comments 

muối kết tinh từ biển
muối tan bởi sóng lừng
muối luân hồi mặn đắng
trong nước mắt tình nhân
***
ai vẫn ngồi chờ ai
bữa cơm chiều thiếu lửa
thôi đừng giông gió nữa
ngồi im mà nghe mưa...
_________
đời nay ngồi khóc đời xưa
khóc cho con tạo cợt đùa trớ trêu
sớm mai lẳng nhẳng xế chiều
biểu thôi đi trớt, cố liều dừng chân...
kinh yêu rớt chốn dương trần
bình boong mấy nhịp, đất gần trời xa...