Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

nói một mình

 NÓI MỘT MÌNH

Thiệt tình, sống mấy mươi năm
Thoắt nghe một tiếng than thầm, thất kinh

Hóa ra bèo bọt linh đinh
Bởi bao lục dục thất tình mà ra

Thôi thì cũng ráng tu nhà
Thờ cha kính mẹ cùng là nuôi con
Dạy cho trẻ nhỏ nên khôn
Dạy con lập đức để hườn ngôi xưa

Trải qua bao cuộc được thua
Trận cười cơn khóc cũng vừa qua đây

Thôi thì duyên phận bèo mây
Phước phần cũng có một vài... vậy thôi!



Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

lảm nhảm chuyện cọp con...

LẢM NHẢM CHUYỆN CỌP CON

Ba cậu bạn nhà cách nhau hai ngã tư (hơn 100m). Bảo và Văn nhà sát vách, Cọp nhà ở ngã tư dưới. Chiều chiều, cơm nước xong cậu hay thả tà tà tới nhà hai bạn chơi một lát rồi về. Bảo con nhà thợ may. Văn con ông sửa chữa điện tử. Cọp chơi thân với Bảo hơn vì Bảo học trên một lớp mà đã ra vẻ đàn anh, hợp với tính trầm trầm của cậu. Văn bằng tuổi Cọp, người nhỏ con, nói chuyện cũng có phần hơi ngang ngược. Lâu nay, thi thoảng cũng có vài chuyện hiểu lầm, nhưng rồi đều được bỏ qua. Lần này thì khác…
Tối nay, khi đi chơi về, Cọp dừng lại trước phòng làm việc, lí nhí chào mẹ và đi lướt như chạy xuống nhà. Cảm thấy có điều gì bất an, mẹ gọi: “Quay lại, con. Có chuyện gì thế?”
Nét mặt Cọp chưa hết căng thẳng, bực tức, nó nói tiếng một:
-Dạ, không có gì. Đánh lộn thôi mà.
-Hay ta! Đánh lộn với bạn, về lại hậm hực với mẹ. Phải con không vậy?
Cọp bỗng òa khóc. Tấm tức. Vừa khóc vừa kể nhát gừng 2,3 tiếng một. Phải thật kiên nhẫn mới có thể nghe hết câu chuyện. Hóa ra, chỉ là chuyện nhỏ như… con dế, nhưng vì không khéo khu xử nên đã biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn.
-Nó đánh con trước. Nó dùng tay đánh con vào đầu mấy cái. Vì nó nhỏ con nên tức lắm, con cũng ráng nhịn, và la nó rồi đi về. Nhưng nó nhỏ mà nó láo, nó chửi con, nó chửi mẹ, nó xúc phạm gia đình mình… Con tức quá, đánh trả. Chỉ có một cái thôi mà nó gào lên nói con đánh nó rồi nằm lăn ra đường, lượm đá ném con. Nếu không có ba mẹ của bạn Bảo ra rầy nó thì chưa biết sao nữa… Con tức quá, tức quá…
-Thôi đi rửa mặt, uống một ly nước mát, rồi lên đây kể tiếp.
Rửa mặt mày tay chân, thay quần áo, uống nước lạnh rồi mà cậu vẫn… khóc. Khóc tức tưởi đến nỗi không nói được nữa. Mãi đến mười phút sau, cậu mới tiếp tục kể, lần này rõ ràng hơn, nhưng vẫn trong nước mắt.
-Con vừa tính về thì thằng Văn mượn dép con để mang cái đĩa nhạc về nhà cho má nó. Nó mượn mà không nói. Con vịn vai nó lại nói không được lấy dép tao, tao phải về nhà liền…
Nhưng, cái vịn vai không biết thế nào mà làm cậu kia tuột tay làm rơi cái đĩa xuống đất. Chỉ có vậy thôi nhưng cậu nhỏ  làm ầm lên, đòi Cọp phải “đền” vì tại Cọp mà rớt đĩa, nó hư rồi về cậu sẽ bị đòn nhừ xương. Cọp nói mới có rớt mà, chắc không sao. Nhưng cậu kia một mực “bắt đền” và bắt đầu ném cái đĩa xuống sân, để rảnh tay đánh vào đầu bạn và chửi thề liên tục. Cọp nóng mặt: “Ê không hỗn nhen mậy. Tao nhường rồi mà đánh hoài là sao?” Nhưng cậu kia không chịu nghe. Cọp nổi nóng đánh lại một cái vào vai, thế là cậu kia nằm lăn ra vừa la hét vừa ném đá… Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của hai người lớn trong nhà Bảo, Cọp mới có thể ra về.
-Hết chưa?
-Dạ hết.
-Nói hết mà chưa đó, vì còn khóc. Tại sao vậy?
-Con tức. Chuyện nhỏ mà nó làm cho lớn. Nó ngang ngược, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Con nhường nó không đánh để nó đánh con toàn vào đầu, rồi lại còn nói chính con đã gây sự …
-Sự việc xảy ra có người lớn chứng kiến không?
-Có. Ba má thằng Bảo. Nhưng hai người chỉ khuyên thằng Văn nên về nhà.
-Con có ý kiến gì trong chuyện này?
Im lặng hồi lâu… “Con tức lắm”
-Vậy con định làm gì?
-Con không biết. Nhưng tức.
-Về được đến nhà như vầy là tốt rồi. Mai, nếu vẫn chưa hết tức thì tìm cách gặp nhau để nói chuyện phải trái. Nếu thấy quá đáng không chơi được thì không chơi nữa. Để dành thời gian cho những chuyện khác bổ ích hơn. Con đã lớn, đã phần nào biết tự kiềm chế, mẹ mừng. Nhưng để tránh những chuyện đáng tiếc tương tự, thì nên tránh qua lại với nó thì hơn.
-Có khi con tránh nhưng nó không tránh thì sao? Hồi lớp 5, nó gây chuyện hoài nhưng cô giáo cứ la con vì cho rằng chì có con mới là người hung hăng gây gổ, nó có chút xíu sao đánh lại con. Bây giờ nó học lớp 7 rồi, chứng nào tật nấy, hông lẽ nhịn hoài. Nó đánh thì con tránh, nó chửi mẹ con hông lẽ con nhịn nó?
-Vậy, con định làm gì?
Im lặng.
-Đánh nhau hay chửi nhau tay đôi, trước những trò vô giáo dục đó, không phải lúc nào cũng tốt. Nhưng phải kiên quyết xử lý cho nó có được bài học thích đáng. Mẹ sẽ nói chuyện này với ba mẹ của Văn.
-Nhưng mẹ ơi, ông ấy cũng…
Tự nhiên mình thấy... cứng họng và... bơ vơ. Mình ôm chặt Cọp vào lòng và mắt tự nhiên cay...
Trực nhớ tới chuyện trên biển Đông mấy bữa nay. Nói ngang, đánh ngang đúng là ba làng cũng… chạy. Nhưng chẳng lẽ, cả bàn dân thiên hạ lớn nhỏ đều… ngó lơ cho cái kẻ ngang ngược mặc sức làm chi thì làm?
Này Cọp con, còn nhỏ, thì đừng tập tánh nóng giận rồi đánh nhau làm chi. Hãy để sức lực mà học hành, mà thành người. Rồi sẽ có lúc con phải đem sức lực, sự hiểu biết và tính kiên cường của mình ra sử dụng một cách đúng chỗ, một khi Tổ Quốc chúng ta cần, đó con!
 Hãy ngủ ngoan đi con. Và quên hết những chuyện buồn bữa nay.