Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

khúc tháng Giêng

KHÚC THÁNG GIÊNG

I
Người gửi vào thinh không
Đóa hồng nhung thắm đỏ
Cho người ngồi tựa cửa
Mắt thênh thang chiều rơi.

II.
Lưng chừng con dốc đời
Tình mãi còn vô định
Ánh mắt người xa vắng
Nhắn gì cho hoàng hôn?

III.
Chiều chưa già thành đêm
Buồn chín rơi lả tả
Đưa bàn tay sấp ngửa
Phóng sinh những son vàng

Ta pha chén trà thơm
Rửa nỗi buồn vô tận...

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

buổi chiều nằm xuống

BUỔI CHIỀU NẰM XUỐNG

Buổi chiều nằm xuống lưng thềm
Nghe mưa thủ thỉ nghe em buồn buồn
Buổi chiều nằm xuống chờ đêm
Nghe câu gió hát ru em ví dầu

Ví dầu một cuộc biển dâu
Buổi chiều xưa cũ cũng đâu mất màu
Chiều nay nằm xuống lũng sầu
Bờ môi nhẹ bẫng một câu ơi hời...

Buổi chiều nằm xuống trên môi
Gió lang thang nựng nụ cười vừa buông.

(từ Đá Trắng. repost)

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

buổi sáng trống trơn

BUỔI SÁNG TRỐNG TRƠN

Khi đôi cánh đã xập xệ rụng rời từng chiếc lông vàng ký ức
Khi người chỉ còn nghe hơi mưa phủ xuống đời
Khi mình trống trơn
Không chờ không đợi những điều định mệnh ban phát

Bỗng cảm được một hương hơi mỏng manh lan từ thềm nhà
Nụ mai nở đúng rằm.
Thực hư chuyện xưa "Nhị độ..."
Mà nghe lòng bâng khuâng?

Vẳng đâu đó một lời ca bong bóng vỡ.

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Cô hàng hoa

CÔ HÀNG HOA
(để tặng một cô nàng..)

Lễ tình nhân, một gánh hồng
Mang ra phố chợ tưng bừng bán mua
Người vội bán kẻ vội mua
Một em dạ,
Một em thưa,
Em chiều…

Chiều nghiêng tối mặt trong chiều
Tím bông lẻ bạn
Liêu xiêu lối về…




Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Ta cười với ta


TA CƯỜI VỚI TA

Chắc gì mình lấy được nhau
Chắc gì tơ tóc một màu trăm năm


Chắc gì se đúng chỉ hồng
Chắc gì em nhớ bưởi bòng chát chua


Chắc gì sáng nắng chiều mưa
Mà thêu áo gối đúng mùa vu quy...


Thôi thì mặc kệ tình đi

Vỗ tay hát với an nguy phận người
Thềm trăng hoa dựa thảnh thơi
Trà thơm một chén, ta cười với ta.

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Tháng Giêng dự lễ vía Trời



LỄ HỘI MÙA XUÂN Ở TÂY NINH KÉO DÀI ĐẾN HẾT RẰM THÁNG GIÊNG. DÙ SAU ĐÓ NGƯỜI DU XUÂN CÁC NƠI CÒN LAI RAI KÉO VỀ CHIÊM BÁI NHƯNG CHỈ LÀ ĐI CHƠI MÀ THÔI. TRONG MƯỜI LĂM NGÀY ĐẦU NĂM MỚI ĐÓ, NGOÀI NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN, NGƯỜI DÂN THEO ĐẠO CAO ĐÀI Ở TÂY NINH CÒN HƯỚNG VỀ MỘT LỄ HỘI QUAN TRỌNG: ĐẠI LỄ VÍA TRỜI. 




Theo nghi lễ đạo Cao Đài thì mùng 9 tháng Giêng là ngày được chọn làm đại lễ tôn kính Đức Chí Tôn, còn gọi là lễ vía Trời hay lễ Tế Trời. Lễ Tế Trời ở Trung quốc có từ đời thượng cổ với vua Thuấn, gọi là Tế Giao. Theo kinh Lễ, muôn vật được Trời sinh Đất nuôi, nên lễ Tế Trời Đất (Tế Giao) là lễ nhớ Ơn Trời Đất. Nhưng ở Trung quốc ngày xưa việc tế Trời Đất chỉ dành cho vua thôi, vì vua là Thiên tử, là con Trời (Kinh Lễ ghi: Vua thánh (tức vua giỏi, hiền minh) mới hay tế Thượng Đế, con thảo mới hay tế Cha Mẹ).   

Ở Việt Nam, lễ Tế Trời bắt đầu có từ đời Vua Hùng Vương. Sách nghiên cứu văn học dân gian của Hoàng Trọng Miên (trang 308) có ghi: Vào đời vua Hùng Vương thứ 6, người con thứ 18 là Tiết Liệu đã được truyền ngôi vì biết làm bánh dày (hình tròn tượng trưng cho Trời), bánh chưng (hình vuông tượng trưng cho Đất) để cúng Trời Đất trong dịp đầu xuân. Vậy thì cúng Trời Đất, nhớ ơn Cha Mẹ sinh thành trong dịp đầu năm của dân Lạc Việt đã có từ đời Hùng Vương thứ 6 và không dành riêng cho ai, mà là đạo làm người của con dân trong nước.   
Theo Khang Hi tự điển đã nêu trên thì triều đình Trung quốc tế Trời vào tiết Đông chí, tế Đất vào tiết Hạ chí. Trong khi đó lễ vía Trời của đạo Cao Đài và tục cúng bánh dày bánh chưng, tượng trưng Trời Đất của dân gian VN thì được chọn vào đầu xuân. Đây cũng là nét riêng, đặc biệt của người VN. Những liên hệ về lịch sử văn hóa dân tộc chúng ta thấy rằng việc đạo Cao Đài đưa tín ngưỡng thờ Trời vào quảng đại quần chúng rất hợp thời, vì phục hồi truyền thống văn hóa của người VN.   
Đại Nam Quốc Âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của (xuất bản tại Sài Gòn năm 1896) giải nghĩa: "Ngày vía tức là ngày sinh. Thí dụ: mồng chín Vía Trời, mồng mười Vía Đất. Ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng thói tục hay cúng Trời Đất, hiểu là ngày Trời Đất sinh.".  Cuốn tự điển này ra đời trước khi đạo Cao Đài khai minh 30 năm (1896 - 1926). Như vậy, ta có thể hiểu rằng lễ Vía Trời là nghi lễ vốn đã có từ lâu đời của người Việt Nam. Vậy lễ Vía Trời của đạo Cao Đài cũng là nối tiếp truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Việt.


A - TẠI SAO CHỌN MÙA XUÂN LÀM LỄ VÍA TRỜI?  
 1. Xét theo phương hướng:   Mùa xuân ứng với phương Đông (Dịch học). Mặt trời mọc ở phương Đông báo hiệu khởi đầu 1 ngày, 1 chu kỳ hoạt động. Vía Trời chọn vào mùa xuân ứng với phương Đông là ngụ ý: Tạo hóa khởi đầu cho sự sống vạn vật.   
2. Xét về phương diện ngũ hành:   Mùa xuân ứng với hành Mộc, màu xanh. Mùa xuân thảo mộc đâm chồi nảy lộc, sinh sôi tăng trưởng. Vía Trời chọn mùa xuân ngụ ý: Tạo hóa sinh trưởng vạn vật.   
3. Xét theo dịch lý:   Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tương ứng với bốn đức Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Mùa xuân tương ứng với đức Nguyên, với các nghĩa chính như sau:   a)Nguyên: Đầu tiên, đầu mối, rộng lớn bao trùm mọi sự.   Vía Trời chọn mùa xuân ứng với đức Nguyên ngụ ý: Thượng Đế là nguyên nhân đầu tiên, là đầu mối phát động mọi sự sống, là ngôi Chí Tôn cực đại bao trùm mọi sự vật.   b)Nguyên: Còn ứng với đức nhân (tình thương). Vía Trời chọn mùa xuân ứng với đức Nguyên ngụ ý: Thượng Đế là đức háo sanh.   
4. Xét theo phương diện mùa màng:   Mùa xuân là mùa gieo giống trỉa hạt, cấy trồng (Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn). Gieo giống vào mùa xuân và gặt hái vào mùa thu.   Vía Trời tổ chức vào mùa xuân ngụ ý con người khởi đầu gieo giống lành, hành thiện để tiến hóa trên đường đạo đức.   (Trong khi Hội Yến Diêu Trì của Đức Mẹ tổ chức vào mùa thu ngụ ý ban thưởng sự gặt hái đạo đức thành công của các đứa con ngoan biết gieo giống lành từ mùa xuân).  Tóm lại, đạo Cao Đài với 2 đại lễ Vía Trời mùa Xuân và Hội Yến Bàn Đào mùa Thu là hoàn thành chu kỳ Qui Sắc (gieo gặt) của người tu hành có gieo giống lành, tốt thì chắc chắn gặt được quả thiện, ngon vậy.

B - TẠI SAO CHỌN THÁNG GIÊNG ĐỂ THIẾT LỄ VÍA TRỜI?   

Nếu hiểu một cách giản đơn thì Vía Trời phải chọn vào đầu Xuân tức tháng Giêng âm lịch. Nhưng nếu muốn hiểu sâu sắc hơn thì theo lịch đời vua Vũ nhà Hạ, tháng Giêng âm lịch còn được gọi là tháng Dần. Thánh Ngôn Cao Đài dạy: "Thiên khai ư Tý, Địa khai ư Sửu, Nhân sinh ư Dần." Vía Trời chọn tháng Dần tức là tháng của con người ngụ ý rằng: Trời - Người hiệp nhứt để hoằng khai đạo Trời, hay có thể hiểu rằng: tôn kính Trời vào tháng Dần tức tháng của con người có nghĩa rằng: học đạo Trời, tôn kính Trời là phải phục vụ con người, như lời của chư vị tiền khai Đại Đạo dạy:"Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng thiên đàng cho con người và thế giới ở tương lai..."
C - TẠI SAO CHỌN NGÀY MÙNG 9 ĐỂ THIẾT LỄ VÍA TRỜI?   
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển,  Đức Chí Tôn có dạy: "Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới, Khí Hư Vô sinh có một Thầy và ngôi Thầy là ngôi Thái Cực.   Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn Khôn Thế Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là khoáng sản, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, loài người ..."   Chúng ta có thể hiểu rằng: Từ ngôi Thái Cực của Thượng Đế biến hóa ra chín ngôi hay chín tầng trời (Thái Cực và Bát Quái), với chín Đấng Cửu Thiên Khai Hóa. Mỗi vị cai quản 1 tầng.    
 Trong 9 ngày 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 đã thành lập 9 tầng trời với Chín Đấng Cửu Thiên Khai Hóa.  Vì vậy, hằng năm đến ngày mùng 9 tháng Giêng các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Đông phương xem ngày kỷ niệm hoàn thành Càn Khôn Vũ Trụ là ngày lễ vía Đức Chí Tôn (trích tài liệu thuyết đạo của Ban Chỉnh Đạo, trang 45).   
Tại sao chọn giờ Tý?   
Vì giờ Tý của một ngày cũng như tiết Đông chí cuối năm được biểu tượng bằng quẻ Địa Lôi Phục. Đó là thời điểm Âm cực thịnh nên Dương sinh. Vũ trụ đang chìm trong thâm u tĩnh mịch của khí Âm hoàn toàn thì một hào khí Dương bắt đầu phục sinh mạnh mẽ chủ động, mở màn cho 1 năm mới hay 1 ngày mới sinh động trong chiều hướng tốt đẹp nhứt. Nên cúng vía Trời vào giờ Tý là giờ Dương khí phục sinh mạnh mẽ tương ứng với ngôi Càn Cương Kiên. Sự chọn lựa ngày Vía Trời hoàn toàn có căn bản của tư tưởng triết lý huyền vi Đạo học. Hằng năm mỗi khi thiết đại lễ Vía Đức Chí Tôn chúng ta hãy lắng lòng suy gẫm cho thấu đáo những ý Đạo qua các biểu tượng đó, để trước hết tỏ lòng biết ơn Đấng Đại Từ Phụ kính yêu, sau đó những người tín đồ Cao Đài, đồng quyết tâm chọn thời điểm quý báu này làm giờ khởi hành đi vào một năm tu học, hành đạo độ đời, phụng thiên sự dân thật năng nổ và tích cực, ngõ hầu sẽ gặt hái được những kết quả mỹ mãn làm đẹp lòng Đức Mẹ trong mùa Thu tới.   
(theo NGỌC DIÊU)

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Dặn mình

DẶN MÌNH



Nhớ nghe, nói phải giữ lời!
Ta băng qua núi khóc người hôm qua.

Trải mình qua cuộc phong ba
Tàn hoang phế tích, còn hoa cỏ gì!

Nhớ nghe. Ta uống cùng mi
Một mình một bóng một ly một tình.

Ngồi đây mình dặn lấy mình
Hoa tàn. Tóc gió cũng đành thôi bay

Ta ngồi hát với cành mai
Thấy trong hỗn độn một vài an nhiên.


Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Đi Núi Đầu Xuân

ĐẦU XUÂN ĐI NÚI LẠY BÀ


Mồng Hai, tiết Lập Xuân, đưa con gái lên núi Bà Đen lạy bà khấn nguyện cho được một năm an bình, hạnh phúc, thi đậu... vân vân.
Năm nay tự... leo núi, không cần cáp treo, không cần máng trượt. Không biết bà thương hay vì  sức khỏe khá hơn năm trước mà về không thấy mệt.
Người quá đông. Chen trong Điện Bà muốn ngộp thở. May mà nhóc Cọp không chịu đi vì nghe nói chỉ đi lạy bà thôi, chứ không thì cũng oải lắm, vì cu cậu có tính hơi nản lòng khi tiếp xúc với khó khăn... nhất là chen lấn với người khác!





Mong thi đậu, như cá chép hóa rồng

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

MẤY KHÚC XUÂN CA

MẤY KHÚC XUÂN CA

Bữa đi chợ hoa
Lượm về câu thơ ai làm rơi ngoài phố

Đêm giao thừa ngút gió
Mượn chén rượu làm son
Bước chân liêu xiêu ngang qua câu từ khúc
Thấy  một nỗi buồn chín rục
Xách về bày biện đón mùa sang.

Ngày Lập Xuân
Lóng tai nghe mấy giọt độc huyền cầm
Rơi...
Đá ngậm ngùi giữa núi.
Chợt nhớ 
Những đóa mai vàng bung mình giữa đêm cuối năm
Cười sáng cả đất trời
Là nhờ vết thương bứt lá cắt cành
Mấy ngày hôm trước.


Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

CHÚC MỪNG NĂM MỚI TÂN MẸO




Cộc cộc cộc! Tài lộc đến nhà, Cọp rừng đi qua, Mèo nhà tiến tới. Chúc mừng năm mới, Thịnh vượng an khang, Gia quyến bình an, Cát tường như ý.





Tối qua chở Cọp đi coi pháo bông, mừng năm mới. 15 phút coi say sưa, vui say sưa. Đã cái là tự nhiên chọn được chỗ ngồi khá lý tưởng ở một quán cà phê cóc. Hai mẹ con tấp xe vô. Hai cái ghế dựa, một cái ghế đẩu, một ly nước ngọt hai ống hút. Tốn 10 ngàn đồng để có được niềm vui bất tận của con, cho đến lúc về nhà. Thắp hương cúng giao thừa xong, nhóc chúc tết mẹ nhưng chỉ nhận 2 đồng tiền bằng sôcôla, nói tiền lì xì của con mẹ cất giúp con. Sau đó đi ngủ với nụ cười trên môi. Chị Gà đi chơi với mấy bạn cùng lớp, xa hơn chút, đông đảo nên phải giữ xe và dĩ nhiên về sau mẹ. Nhìn con cười rạng rỡ, biết nó vui quá chừng. 
Thì cố gắng cho con hưởng trọn những niềm vui trẻ thơ, được chừng nào hay chừng nấy.
Cũng đâu còn nhiều ngày tháng nữa đâu, rồi chúng sẽ lớn lên. Như mẹ, như cha. Rồi sẽ buồn vui thái quá hơn trước những nỗi đời...
Thì vui đi con, trong thời khắc giao mùa.






Nụ cười Xuân

Bà Ngoại, Cọp và Gà. sáng Mồng Một Tết

CHÚC MỪNG NĂM MỚI TÂN MẸO