Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

gia tài của cha (p3)

GIA TÀI CỦA CHA

Xem phần trước: (1),(2)

NĂM
            Năm 1976 -1979, là thời kỳ khốn khó khắc nghiệt nhất của gia đình tôi.
            Thật ra, lúc đó chung quanh, ai cũng vậy. Và, cái khắc nghiệt đó, nói cho ngay, chỉ có người lớn mới cảm nhận được, chứ con trẻ biết gì. Vì thế, sau này lớp nghe kể, lớp đọc sách, tôi mới hình dung ra được. Còn cái khoảng trời cực nhọc đó, với tôi, lại là một đoạn ký ức nên thơ nhất.
            Thỉnh thoảng, ba vô bếp, mỗi khi má bận hay bệnh, hay vắng nhà. Chuyện này trước đây hầu như không có. Chẳng qua, trước đây việc bếp núc do bà bác dâu tôi phụ trách (gia đình tôi, gia đình bác ở chung với ông nội).
Phải công nhận một điều là ba nấu ăn cực… dở, nhưng qua câu chuyện của ba dẫn dắt trong mỗi bữa ăn hoặc trong lúc nấu ăn thì hình như chúng tôi không phải đang dùng bữa mà là đang khám phá ra một điều hấp dẫn. Mà ngộ, tôi lại là đứa con gái được ba dạy cho vào bếp, chứ không phải là ngoại hay má tôi. Sau, má đổ thừa vì ba tôi cưng con gái, nên mọi việc tùy ba, chớ chỉ cần tôi sướt da là ba mất ngủ! May trời, vì cũng có gen bếp núc được thừa hưởng từ… bà ngoại, nên sau này tôi nấu ăn không tệ.
Ông nội tôi làm nông. Bữa cơm sáng không thể thiếu dù chỉ ăn cơm hay cháo trắng, với kho quẹt. (Cái này mình giàu hơn Thạch Sùng là cái chắc!)
Bữa nọ, hai cha con dậy nấu cháo sáng. Má đau mấy bữa, đồ ăn trong bếp cạn láng. Ơ quẹt ba kho bữa đó, toàn muối là muối, có rắc mấy hột tiêu dập dập và xíu bột ngọt, không dầu, không mắm… Nhìn thấy cái ơ trắng nhách muối, kho xong nổi lên từng cục, tôi ngán ngẩm. Vẫn là ơ quẹt nhưng má kho… ngon hơn nhiều, dĩ nhiên! Ba thản nhiên bưng lên bàn.
Hôm nay mình học bài địa lý về nước Việt Nam của mình, nghe tụi con.
Biết là ba bày chuyện chi hay ho rồi, ba chị em tôi xúm lại (hồi đó, hai đứa kia còn nhỏ chút xíu, chưa biết).
Cây đũa tre của ba vẽ một đường loằng ngoằng trên ơ quẹt. Cái vệt hằn đó còn sóng sánh chút nước muối… Này là ải Nam Quan, này là đèo Hải Vân, này là khúc ruột miền Trung, này vựa lúa miền Nam, này là mũi Cà Mau. Đây đảo Hoàng Sa, đây Trường Sa, đây đảo Thổ Chu, đây bờ đây vịnh… Cứ mỗi lần chúng tôi múc một muỗng cháo, quẹt bớt đi ít muối, một địa danh mới được định hình… Khi cái bản đồ Việt Nam hoàn thành với tỉ lệ… bao nhiêu không biết, vì nó chỉ còn nhỏ như sợi khói, thì những cái bụng con nít cũng tròn vo.
Thôi, sửa soạn đi học, con!
Ôi chao ơi! Bài địa lý đó, chắc gì, chắc gì người thầy nào ngoài ba tôi, giảng cho thấu! Nó tràn ngập tình yêu thương, lòng vị tha và cả sự an nhiên trước nỗi đời khốn khó, nó rọi vào lòng mỗi đứa trẻ chúng tôi ánh nắng của sự lạc quan, trước cuộc sống hiện tại và sau này.
Gia tài của ba đó.

SÁU
Có những thứ mình sở hữu một cách đương nhiên, và được ban phát hào phóng quá, đến mức tắm đẫm mình trong đó, vô tư lặn hụp mà không nhận thấy là mình đang sở hữu trong tay một tài sản quý giá nhường nào. Để đến khi ngó lại thì ôi thôi, hình như mình đang vung tay quá trán, không biết giữ gìn mớ của cải tuy là nhiều nhưng rồi cũng sẽ hết, theo tháng năm và theo cái cách sử dụng của người sở hữu.
Ông nội, không biết chữ. Ở vào tầng lớp ngày xưa ghi lý lịch là bần cố nông. Ông nội sớm mồ côi, sống với anh chị, đi làm mướn từ thưở tóc xanh chưa kịp nhuộm kín đầu. Nửa đêm gà gáy ông còn ngoài chuồng trâu, gà gáy canh tư đã sấp ngửa ra ruộng. Không biết chén rượu đầu đời ông uống lúc nào, chỉ biết là ông nghiện rượu nặng. Giống như anh thợ lặn uống chén nước mắm khi xuống biển, chén rượu ông uống là vào lúc đầu ngày làm việc, trước khi mở chuồng trâu. Uống để giữ lửa trong mình, tự ủ ấm mình trong sương lạnh, bùn lầy… mà hoàn thành công việc. Mỗi ngày một chút, ngày nào không uống rượu, ông không ăn được cơm.
Vậy mà, trong tất cả các đám tiệc trong làng, Nội tiệt nhiên không nhấp một giọt rượu! Hồi đầu vấp phản ứng ghê lắm.Trai tráng mà, trà tam rượu tứ, dễ gì bỏ chiến hữu, huống chi, nội lại là một anh thợ cày… dễ thương nhất vùng.
Tôi nhớ trong cuốn sổ thu chi của má, bao giờ cũng có khoản tiền mua rượu cố định cho cha chồng: tháng 5 lít rượu nếp! Ông chỉ uống như thói quen: một ly buổi sáng, một ly trước mỗi bữa ăn, trong khi chờ cơm.
Vậy mà, không những đi đám mà ngay cả khi nhà có đám, ông cũng không uống và không mời ai uống rượu.  Điều này được ông giải thích: Ba làm vậy là vì các con! Rượu mà uống dư, nó sai khiến mình. Cứ uống người này không uống với người kia không được. Sau đó, ra đường té bờ té bụi, chân nam đá chân chiêu! Một thân một mình, mà nghe thiên hạ nói lại còn xấu hổ. Huống chi, đã có con. Mai kia lỡ không giữ mình được, nằm bờ nằm bụi thì tội nghiệp con. Người ta sẽ nói các con là con của thằng say rượu nằm đó kia, chứ đâu phải là con ông Sáu! Rồi các con  mắc cỡ, bị bạn bè chọc ghẹo. Nghĩ tới đó mà ba không đành! Nên, ba giữ mình không chỉ cho ba, mà là giữ cho các con của ba . Không thể để con của ba bị mang tiếng là con của thằng say rượu!
Ba kể thì nghe vậy chớ hồi đó, bọn tôi hiểu mà không thấu. Đó cũng là lời giải thích tại sao ba không uống rượu. Ba cũng là người duy nhất trong dòng họ, không uống rượu, và không nghiện thứ gì! Ba xây một cái hàng rào bảo vệ vô hình từ những chuyện nhỏ nhặt nhất có thể làm được, để dung dưỡng con cái trong một môi trường sạch đúng nghĩa.
Con cái của ba, bởi thế, được mặc định là con - của - Thầy! Mà Thầy hiền lành như thế, trong sáng như thế, tốt bụng như thế, làm được nhiều việc tốt cho người này người kia như thế…
Điều đó giải thích vì sao mà có những người tôi tưởng chưa từng gặp bao giờ, chỉ nhìn thấy tôi, hỏi sơ sơ ba chuyện đã xin lỗi cắt ngang, hỏi em phải con của Thầy không? Thầy sức khỏe ra sao? Và hãnh diện khoe: anh/chị học Thầy năm lớp mấy lớp mấy…! Có những người đúng là mới gặp tôi lần đầu, nghe người bên cạnh giới thiệu là con của thầy, cũng tự nhiên vui vẻ hẳn lên… Trong đời, cho tới giờ này, tôi cũng đã có chừng mươi lần “chạm mặt” kiểu như vậy.
Điều đó giải thích vì sao, lúc ba mất, người dự đám tang đông như thể cúng đàn. Đến giờ tế, nhìn mấy mươi vị học trò già quấn khăn tang cúi lạy trước linh cữu thầy, với đủ tầng lớp, người đã thành đạt, kẻ còn long đong cơm áo, đều bình đẳng quỳ cùng nhau với một mảnh khăn trắng trên đầu, tôi khóc ngất. Khóc vì cái tình – thầy – trò, đọc đã nhiều, giờ mới nhìn tạn mặt.
Cái đáng giận của tôi, là tới bây giờ mới biết soi lại mình, trong những dòng chữ đang gõ này đây…



2 nhận xét:

  1. Ký ức về cha của chị thiệt là đẹp và nhiều. EM ghen tỵ quá :(

    Trả lờiXóa
  2. Ôi... chịu khó ngồi nhớ lại thì còn nhiều nữa. Tiếc là chỉ được bây nhiêu!

    Trả lờiXóa