Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

gia tài của cha (p4)

GIA TÀI CỦA CHA

Xem phần trước: (1),(2)(3)

BẢY
            Từ hồi ba tôi mất, má tôi có thêm cái thói quen nhắc con cái, mỗi khi có chuyện chi đó khó giải quyết: “Lên bàn thờ đốt nhang cho ba mày đi…”. Nhang thì chưa kịp đốt, nhưng bà đã khấn thành tiếng, mà như đang nói chuyện với ba đang đứng đâu đó thật gần: “Ba mấy nhỏ coi thử cái vụ này làm sao, tui thấy…”. Người lạ, có khi nghe mà sởn da gà… Nhưng con cái thì hiểu. Với bà, ông chỉ là một bước đi về nơi khác với nhiệm vụ khác. Điều đó có nghĩa, khi bà muốn ông “về”, chỉ cần “a lô” bằng thứ sóng tâm linh đó, là ông sẽ thoắt tới, giúp mấy mẹ con gỡ những nuột chỉ rối của cuộc đời.
            Nhưng khác với má, tôi ít thắp nhang cho ba, nếu hiểu theo kiểu để giải quyết chuyện riêng tư như vậy.
            Còn nhớ, hồi tôi lên mười mấy tuổi, Ba và Bác Sáu tôi ngồi nói chuyện, tôi hóng hớt gần đó nghe lén, vì hai ông đang nói chuyện về một linh hồn của người lớn nào trong dòng tộc nhập xác bác gái tôi. Thật ra, chuyện này không có kiểm chứng vì lúc đó tôi còn nhỏ, mà tới giờ cũng không có dịp… Nhưng có một câu như vầy khiến tôi nhớ hoài: “… hồi còn sống, ba đã đem hết những hiểu biết của mình dạy dỗ các con, dạy những điều hay lẽ phải, mọi chuyện thiệt hơn, mọi bài trúng trật. Vậy, cứ theo đó mà sống thì an vui, đừng có kêu réo mời thỉnh ba về mà hỏi cái này cái kia hay xin điều này điều nọ. Bởi vì ở đời, hễ trồng lúa gặt được lúa, trồng đậu hái được đậu…”
            Những năm cuối đời, Ba làm việc trong văn phòng Hội đồng Chưởng Quản Tòa Thánh Cao Đài. Lúc đó, ba bị bệnh tim, bác sĩ không cho di chuyển nhiều, kiêng cữ đủ thứ… Ba bèn ở luôn trong văn phòng để tiện làm việc và nghỉ ngơi.
            Một tối, tôi cùng chồng vô thăm ba, để hỏi ý kiến ba về một việc gì đó.
            Lúc về, trời lắc rắc mưa.
Khi tôi dợm bước ra ngoài, ba bảo dừng lại, chờ ba chút. Ông đưa cho tôi chiếc áo bà ba trắng của mình và bảo: con mặc vô chứ không ướt… Chồng tôi quay lại, trợn mắt nhưng tôi kịp đưa mắt ngăn lại. Tôi ngoan ngoãn xỏ chiếc áo đã sờn cũ của ba và ra xe… Bữa đó, về tới nhà, dĩ nhiên là… ướt nhẹp, nhưng trong lòng tôi rất ấm. Tôi có cảm giác ba đang ôm tôi vào lòng, cố che đỡ cho tôi suốt đoạn đường về khỏi mưa gió, bão bùng.
            Cái hơi ấm từ chiếc áo vải sờn cũ đó đã luôn bên tôi, cho đến bây giờ. Mỗi lần tôi gặp chuyện buồn phiền khó khăn, tôi lại vụt nhớ cái khoảnh khắc đó. Cái việc làm tưởng chừng như vô lý của ba, nó mang một thông điệp khác. Một thông điệp của tình yêu thương bất tận, một tuyên ngôn chở che suốt cả cuộc đời.
            Cuộc đời tôi gặp nhiều sóng gió. Nhưng tôi luôn yên lòng, bởi trên vai mình lúc nào cũng ấm tình từ phụ.
                       
TÁM
            Anh học trò của Ba tôi, rong ruổi trên mạng, tình cờ thấy được cái “Gia tài của Cha” tôi đăng trên blog, đọc xong bèn nhắn: Có một góc nhỏ trong cái tủ sách của Thầy mà em không biết. Khéo, có khi cô cũng không biết nữa…
            -Chi anh?
            -Em có đọc thấy hai chữ Mozart không, trong tủ sách đó?
            -Dạ có, là tên của một tiểu thuyết viết về chính nhạc sĩ thiên tài đó mà…
            -Em có nghe kể về sự tích của cuốn sách đó?
            Té ra cũng có sự tích a?
            Hồi trước, trong khuôn viên Tòa Thánh, phía sau hậu liêu của Báo Ân Từ, có một cái phòng thuốc Nam từ thiện. Lớn lắm. Trông coi cái phòng thuốc này là một người đàn ông lớn tuổi, tên Tư. Nhưng ít người gọi ổng là ông Tư mà gọi là ông Lò. Chẳng qua, vì ổng quản lý cái lò chế thuốc Nam lớn nhất tỉnh Tây Ninh này đây. Cái lò thuốc là một căn nhà thiệt cao, cột tròn, ám khói đen mun. Trong góc thâm thấp của lò thuốc, người ta gắn một cây cột to, có bánh xe sắt, thả xuống một cái “thuyền” bằng sắt, gọi là thuyền tán thuốc. Những người tán thuốc cứ đẩy tới đẩy lui cây cột đó mà tán những nắm thuốc nam thành bột, chớ sức đâu mà dần mà giã.
            Cái lò này, tôi biết. Việc tán thuốc, cũng có kinh qua. Lúc ba làm thuốc nam ở nhà, mấy chị em cứ thay phiên nhau mà ôm cột tán thuốc. Cái tiếng cọt kẹt rin rít của hai mảnh sắt chà xát mớ thuốc, thi thoảng lại chập cheng đụng nhau, ám ảnh cả trong giấc mơ tôi nhiều năm sau này.
            Một bữa nọ, ba cùng một bạn đồng nghiệp, là giáo sư Nguyễn Long Thành (người này, tôi chỉ nghe tên thôi, không biết) sang phòng thuốc đó, có việc. Từ xa đã nghe cái tiếng cọt kẹt rin rít đó vẳng tới, đều đều, đều đều…Thầy Thành buột miệng: “Chính cái tiếng cọt kẹt cót két này, là khởi nguồn của một thiên tài!” Ba tôi ngạc nhiên: “Ông Tư là thiên tài chi?” Thầy Thành cười bí ẩn, rồi nói: “Anh đọc cuốn Mozart chưa? Tui đâu có nói ông Tư là nghệ sĩ. Ông Tư thì vẫn là ông Tư thôi. Tui nói cái âm thanh đó làm tui liên tưởng đến một thiên tài.”
Trong cuốn sách đó, có một đoạn viết về những tiếng động chạm đều đều của những thức sinh hoạt chung quanh, với những người khác thì không có gì lạ, nhưng với cậu bé Mozart, người có một sức tưởng tượng kỳ lạ, bay bổng thì đó là khởi nguồn cho những âm thanh phù thủy sau này!
            Và cái câu nói đó, đã khiến Ba tôi lóc cóc đạp xe đi lùng bằng được cuốn sách mang về, để “nghiên cứu” xem vì sao cái tiếng động tưởng khô khan chán ngắt đó trong xưởng thuốc làm bạn mình liên tưởng đến một lĩnh vực hoàn toàn khác. Không biết ba tìm thấy điều cần tìm trong đó không, nhưng với tôi, trong cái gia tài chữ nghĩa, có thêm hai chữ Mozart và những gì liên quan trong đó… trước khi học xong chương trình phổ thông, và trước khi tôi biết đến hai từ thư viện gắn trên cửa một căn phòng.
            Học thêm được một bài học nữa, hiểu thêm một chút về những ngày tháng ba lui cui góp nhặt vốn chữ nghĩa dành lại cho con…

CHÍN
            Tháng Năm, Tết Đoan Ngọ.
            Tháng Năm  rực rỡ hoa và ngọt ngào đủ thứ trái cây mùa hè.
            Nhà tôi ngay mặt đường lớn, lại gần gần một vườn trái cây. Giờ, đã thưa thớt người đi chứ ngày trước, ngày mồng Năm là ngày nam thanh nữ tú rủ nhau “đi vườn” vừa ăn vừa mua xách về, dù biết giá trái cây mua tại vườn hôm đó có khi đắt gấp bốn lần mua ngoài chợ! Chúng tôi ngày nhỏ, cứ việc bắc ghế ra ngoài sân ngó người ta qua lại là đã thấy nôn nao.
            Thường thì nhà ai cũng làm món gì đó để cúng mồng Năm, nhà tôi không ngoại lệ. Thường cũng là chè trôi nước và xôi vò, cơm rượu. Lại có món bánh ú nước tro, gói bằng lá tre, ăn là lạ miệng, bình thường không thấy ai làm, chỉ có dịp này mới gói, mới bán, đầy! Nhưng lúc đó sống chung với Nội, Ba chiều lòng Nội mà cúng kính – đó là Ba nói vậy. Cái chiều lòng đó, được ba giải thích: “Vì thật ra, Tết này khởi nguồn từ bên Tàu…”.
            Một ngày Tết Đoan Ngọ, sau khi ăn uống xong, ba ngồi giữ thằng Út lúc đó mới mấy tháng tuổi, cho má với tôi dọn dẹp. Khách khứa về hết. Ba ngồi trước hiên, vừa bồng thằng nhóc vỗ vỗ, vừa hát nho nhỏ : “Rằng xưa có gã từ quan…”. Ôi chao ơi, lần đầu tiên nghe Ba hát! Hát một mình, hát với mình… ước chi tôi còn có thể nghe lại thêm lần nữa, vì có thể ba đã hát hò nghêu ngao với bạn bè đâu đó, nhưng với con cái trong nhà, ba xưa giờ là một người rất mực tôn nghiêm, không hay đùa giỡn, nhất cử nhất động rất mực thước. Vậy mà hôm đó, không biết điều chi khiến ba có thể ngẫu hứng buột miệng như thế… Chắc chắn, chỉ có tôi thấy, tôi nghe, vì má thì mắc kẹt dưới bếp rồi... ái chà chà. Tôi rón rén đi vòng lên, ngồi dựa vách. Nín nghe. Ai dè ba biết, quay lại cười cười… tôi không hiểu bữa đó ba cười chi, nhưng mà ngay trong chiều, tối đó, đã được ba cho đọc chuyện Khuất Nguyên trầm mình, cả chuyện Lưu Nguyễn vô núi bữa mồng Năm, rồi thành một sự tích, rồi có người viết nhạc làm thơ!
            Rằng xưa có gã từ quan…
            Ba cũng “từ quan” đó. Chức “quan” của ba ngày xưa chỉ là một ông Giám học trường tư, một ông Tổng Giám thị trường công. Còn ba, dưới con mắt của học trò, Ba vẫn là một người thầy tận tâm tận lực, thương học trò không biết đâu mà kể. Cũng chính vì thương học trò, và cũng cầu toàn, và thực ra sức khỏe lúc đó không tốt lắm nên sau năm 1975, ba xin nghỉ dạy học luôn. Mãi sau này, tôi mới biết được cái nguyên nhân sâu xa đó. Nó chưa chắc đã đúng, nhưng nó có lý. Cái lý đó như thế này: Ba không thể hôm nay giảng cho học trò mình thế này, ngay ngày mai đã giảng thế khác. Làm người lớn không nói hai lời. Làm thầy giáo, lời dạy không nên tiền hậu bất nhất…
            Tôi chỉ nhớ đoạn sau: “…Làm người lớn không nói hai lời. Làm thầy giáo không nên dạy học trò tiền hậu bất nhất.”
            Nhưng đó là cái phương châm sống rõ ràng khiến nhiều người trọng nể ba, bạn bè yêu quý ba, dù ba có không ít những người chỉ trích và khinh khi ba là kẻ không thức thời!

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét