Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

bà già và những chú chó kéo xe

Cách đây hai năm, từ một người bạn ở xa, tôi có cơ duyên gặp người đàn bà nghèo kỳ dị đó. Bẵng đi một thời gian, lại nghe được một thông tin không mấy vui... Repost, để nhớ một trong những nhân vật nữ kỳ lạ của tôi, trong quãng đường cầm bút.

NGƯỜI ĐÀN BÀ NGHÈO TRÊN BẾN TRUNG DÂN
Trung Dân là tên một bến sông ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ, thuộc xã Phước Vinh, Châu Thành, Tây Ninh.
Hơn mười năm nay, trên bến sông ấy xuất hiện một nhân vật đặc biệt - một bà cụ già sống trong một căn chòi lộng gió và những con chó vàng. Có con được bà cụ huấn luyện để kéo xe, cũng có con chỉ để giữ nhà, quẩn quanh chân bà, làm trò cho bà vui mỗi khi đi đâu đó về... Đó là bà Ba Mỹ, năm nay đã bước sang tuổi 74. Đặc biệt hơn nữa, là nhờ mấy con chó nhỏ kéo xe ấy mà bà được nhiều người biết đến - một "hiện tượng" ở vùng biên giới nắng bụi rát da người này! Người ta đến có khi vì tò mò coi chuyện xe chó thực hư ra sao. Có người tìm đến vì cảm thương bà mẹ nghèo không có chỗ nương tựa nên sống với bầy chó làm vui! Còn tôi, đến với bà lại là do sự ủy thác của một bạn đọc tốt bụng muốn biếu bà một món quà tết.
Bà Ba Mỹ tên thật là Cao Thị Mỹ. Một cái tên đẹp. Nhưng bà lại "thừa hưởng" một cuộc đời đầy gian nan sóng gió, khó ai sánh kịp. Và, cũng chính bà, có nhiều cái biệt danh mà bất kỳ một người bình thường nào nghe thấy cũng sợ: "Bà Ba sát thủ", "Bà Ba rắn hổ". Cái tên thường nghe nhất, hiền lành và cũng... kỳ cục nhất là "bà già có chiếc xe chó", nói tới là ai cũng biết!

            Bà có chồng, có tới sáu người con. Chồng chết vì một trái mìn sót lại trong chiến tranh. Lúc đó, đứa con lớn mười bốn tuổi, đứa út chưa kịp chào đời. Bản năng người mẹ buộc bà làm tất cả những gì có thể làm được để nuôi sống đàn con: làm mướn, mót mì, mót lúa, trồng đậu trồng rau, tát cá giăng câu, đặt chuột bắt rắn... nói chung tất tần tật những kế mưu sinh lên bờ xuống ruộng đúng nghĩa! Đàn bà như bà, cũng ít có. Những người biết bà kể lại: "Bả giỏi thấy sợ. Đàn bà mà trèo dừa trèo me (hái mướn cho người ta), đánh cá, đào gốc... không thứ gì bà không làm được!"

       Tôi tin. Nhìn người đàn bà ngoài bảy mươi rắn đanh như một gốc cây ngâm bùn lâu năm thế kia... Tôi dám cá, nếu có bạn đọc nào nhìn thấy bà dù chỉ một lần, dù qua ảnh, sẽ khó mà quên được.
            Tôi đã đọc bài viết của một đồng nghiệp trên báo mạng, bởi vậy nên nhận ra bà ngay, dù chưa gặp bao giờ. Lúc đó đang trưa, bà đang lúi húi bẻ nhánh cây khô bên đường. Bạn tôi ngồi sau xe chỉ trỏ và hét toáng lên: "Dì Ba kìa, dì Ba kìa!". Nắng vùng biên mùa này kinh khủng, chúng tôi cứ bịt kín mít như Ninja, vậy mà người đàn bà nhỏ thó và gân guốc đó, cột khăn đầu rìu, áo bỏ vô quần, vẫn trằn mình ra làm việc như không có chuyện gì xảy ra! Bên cạnh đó, chú Vàng đứng ngoe nguẩy đuôi, lọt thỏm trong cỗ xe chở đầy củi, kiên nhẫn chờ đợi.
            Phải đến khi tận mắt nhìn thấy cỗ "cẩu xa" của bà, tôi mới tin trên cái xứ Tây Ninh này có một chiếc xe do chó kéo như thế! Nó được ghép bằng những ống nhựa PVC, loại ống nước thường thấy (cho nhẹ - bà Mỹ giải thích), vài khúc cây và 2 cái bánh xe đạp cũ, trên gác mấy tấm ván nhỏ. Bà chất lên đó mớ rau, mớ ốc, tép tôm hay bao lúa bao gạo, mấy khúc củi khô, bó cỏ cho bò... thậm chí thằng cháu ngoại nhỏ có thể ngồi lên "nhờ" mấy con chó chở đi mua... hủ tiếu!
Mấy con chó cũng hay lắm. Chúng biết nơi cần đến, cần về, và dường như nghe biết tiếng con người. "Hôm bữa, má tui ở dưới bến, có hai cô đi xe du lịch tới nhà tui kiếm má. Thằng con tui cột xe vào cổ con Bích (tên con chó vàng), thách: "Bi giờ con Bích kéo xe xuống bến kiếm bà ngoại nghe. Mấy cô có ngon đi theo nó, sẽ kiếm được ngoại!" hai cô kia gật đầu cái rụp, xe ô tô chạy theo xe chó, bụi mù trời. Xuống tới bến gặp ngay bà ngoại đang kéo cá, mấy cổ phục sát đất!".
            Mấy con chó của bà Ba thuộc loại đặc biệt. Không phải chó Tàu, chó Tây hay chó Nhật gì, chỉ là những chú Vàng quen thuộc như ta thường gặp ở nhiều cửa nhà quê Việt. Những con chó có dáng vẻ thân thuộc và ánh mắt rất lạ, như mắt người: hiền hòa, trung hậu. 
Bà nói về những con chó như người mẹ kể về những đứa con của mình. Mặc cho người nghe xuýt xoa trầm trồ khen mấy chú chó lanh lợi dễ thương, bà cứ vừa kể vừa chắc lưỡi: "Cũng tại tui. Yếu rồi nên phải để "tụi nhỏ" nầy mần phụ, chớ không thì..."
            "Chớ không thì..." là ý bà Ba nói, nếu bà còn khỏe như ngày xưa, chắc chắn không để tụi nhỏ phải kéo xe. Theo dòng hồi tưởng khi nhớ khi quên của bà, cả một quá khứ vất vả cay cực chưa một ngày sướng thân lần lượt hiện lên, thi thoảng được cô con gái xác nhận, giống như một dấu lặng thật dài trong bản nhạc đời bi tráng của bà. "Má cực lắm, mà khỏe lắm! Lội sông giăng lưới, bắt rắn trèo cây, chuyện gì má cũng dám làm... đặc biệt là rắn. Không con rắn nào lọt vô mắt má mà thoát kể cả rắn hổ mang... Má làm còn hơn đàn ông..."
            Bà cười: "Giỏi giang gì, không nhờ mấy con chó thì..."
            Trong suốt câu chuyện của bà, hầu như câu nào cũng "dính" đến mấy con chó, đều thấp thoáng hình ảnh những con chó vàng. Mỗi con có một cái tên, một tính cách riêng: con Bích, con Cơ, Rô, Đầm, Xe, Pháo, Mã... nhưng con nào cũng trung thành với chủ và biến báo bất ngờ! Như chuyện hồi nẳm đánh nhau với rắn hổ mang. Lần đó không có mấy con chó, không biết bà xoay sở ra sao. Phát hiện ra con rắn đang "khè khè" phồng mang trợn mắt ngay trước mặt là quá trễ cho việc bắt rắn hay một cuộc thoát thân! Trong tay chỉ có cây gậy trúc, dì kêu: mấy con... thế là tiếng chó sủa toáng lên tứ phía.  Ba con chó nhỏ nhắn nhưng "tốt tiếng" ra trò, xúm nhau chạy vòng vòng và sủa om sòm. Rắn ta phân vân không biết nên chọn đối tượng nào thì bà Ba đập cho một gậy, hết đường thoát! Đàn chó thay nhau. Trên bờ bao vây đuổi chuột, rắn, dưới nước thì lùa cá... Lúc kiếm được nhiều, cả chủ lẫn chó cùng no. Lúc không còn gì ăn, chủ ôm chó, chó liếm tay chủ gọi là an ủi cho qua cơn thắt ngặt, chẳng "đứa" nào có ý định rời chủ! Cuộc sống của bà trên vùng sông nước này, cứ thấm đẫm một thứ tình cảm tuyệt đẹp khó ai có được. Tôi nghe như mình đang sống giữa những trang viết về Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi hay Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam.
            "Bà cháu" sống như thế, cho đến một ngày bà Ba không còn đủ sức để khiêng vác gì đi xa được nữa thì đành phải nghĩ cách để "nhờ tụi nhỏ" giúp! "Tụi nó phụ tui kéo xe lâu rồi, không nhớ nổi. Chỉ nhớ bữa đó tui nói với tụi nó là bây giờ tao kéo hết nổi rồi, tụi bay phụ tao nghen, rồi tập cho tụi nó kéo, vậy thôi!"
            Những con chó ban đầu được tập đưa thư, đi chợ. Muốn thông tin cho con gái, cứ viết sẵn, đeo vào cổ nó rồi biểu "về nhà", tự khắc nó sẽ chạy về nhà, đưa tận tay cho con gái. Cần đi chợ, cứ viết danh sách cần mua, đeo vào cổ, biểu "đi chợ!" là chúng chạy một mạch ra tới chợ, tìm đến một người bạn hàng quen. Người này cứ theo lệnh trên giấy mà lấy đủ đồ chất lên, nó chạy te về nhà, không thiếu món gì. Hoặc những bữa có mớ cá, mớ ốc, bông lục bình... bà cứ bỏ lên xe đó và biểu đi đi, là chúng dông thẳng ra chợ rồi đứng đó chờ. Trước khi chủ nhân có mặt thì đừng ai dại dột mà động tay vào những món hàng đó!
          Sáu đứa con, không "nhờ" được người nào! Có mỗi thằng con trai lại bị tai nạn chết rồi, còn lại thì ai cũng nghèo, nuôi thân còn không xong nên đành lỗi đạo với mẹ. Cũng may bà là người thuộc tạng sinh ra để nuôi người khác chứ không để ai nuôi mình! Bảy mươi bốn tuổi, bắt đầu thấy bệnh tật thi nhau rỉa róc cái xác còm cõi. Vậy mà hễ nhúc nhích được là bà xuống bến kiếm cá kiếm ốc hay đi mót lúa. "Mấy hôm nay bịnh tim tái phát, má làm mệt hoài nên mới về đây ở chớ nếu không mấy cô phải xuống bến kiếm..."
            Cả đời chưa nhờ ai chuyện gì lớn, tự nhiên(?!) có người ở đâu tìm đến hỏi thăm, tặng quà, rồi khuyên về sống với con gái để con gái chăm sóc, thỉnh thoảng các cháu lại phụ giúp... Bà Ba Mỹ ứa nước mắt, bần thần: "Cô nói với bạn cô, tui cám ơn lắm! Tự nhiên ở đâu xa lắc, tui có biết cổ là ai mà mang tới cho tui quá nhiều tiền như vầy... tui cám ơn hết sức! Biết từ giờ tới chết, tui có gặp người đó mà đền ơn không?"
Chia tay người mẹ nghèo bên bến Trung Dân, tôi cứ bần thần trước hình ảnh bà trước cỗ xe chó chất nặng nỗi niềm, bần thần trước cảnh thi thoảng bà lại chép miệng: "thôi buồn làm chi. Nè chó, múa chơi tụi con!" rồi nắm tay mấy con chó, nhảy vòng tròn, cười vui như trẻ nít!


Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

tháng Tư đã qua...

THÁNG TƯ ĐÃ QUA

Tháng Tư đã qua rồi đó, nhỏ
Nắng đốt lửa trên vòm phượng vĩ
Ai ngồi ôm một tiếng chuông  ngân.

Tháng Tư đã qua rồi, em.
Không biết nước sông còn trong leo lẻo
Như thuở xưa tình mới vừa xanh?


Tháng Tư đã qua rồi, anh
Hốt mấy ngụm buồn vùi vô quá khứ
Mà niềm vui vẫn chưa thấy trổ mầm.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

giữ rừng

Bài này viết năm ngoái. Đoạt được một cái giải báo chí đáng vui nên repost, nhân loạt bài về rừng...

NGƯỜI GIỮ RỪNG 

Anh Huỳnh Tấn Đạt, người đã gắn bó với rừng hơn 15 năm qua
Giữ rừng. Nói một tiếng đơn giản, nhưng chấp nhận vào nghề này mới thấy không đơn giản. Chấp nhận làm người giữ rừng, là chấp nhận đối mặt với nhiều thứ: từ chuyện thiên tai đến… nhân tai, từ chuyện cháy rừng đến nạn phá rừng, lấy cắp của rừng. Dĩ nhiên, làm người giữ rừng thì còn phải chấp nhận… ở rừng, xa cách người thân, xa những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, chấp nhận một cuộc sống hết sức đơn giản… Bởi cuộc sống của họ gắn liền với sự bình yên của những cánh rừng.

  *Giữ rừng, cũng… rưng rưng nước mắt
Chúng tôi lên Vườn Quốc Gia Lò Gò – Xa Mát vào một ngày cuối tháng 5. Cúp điện nên chị em văn phòng Ban Quản lý VQG tranh thủ đi thăm anh em ở chốt Lò Gò. Đã có vài cây mưa, cỏ đã lên xanh mát nhưng chưa lấp được nguy cơ cháy rừng. Ngôi nhà nhỏ ở chốt Lò Gò vui hẳn lên vì khá lâu mới được đón tiếp nhiều khách như vậy. Một anh bộ đội biên phòng còn trẻ ngỏn ngoẻn cười: “Ở đây quanh năm tụi em chơi với… khỉ và ngắm cây rừng, chẳng mấy khi đông người như vậy…”. Nhưng cái vui của anh bộ đội Biên phòng xem ra không thấm gì với niềm vui của những người giữ rừng “thực thụ”. Có dịp tiếp khách, mấy chàng trai vốn quen việc… củi lửa vội lo nấu cơm làm cá thết đãi khách thăm rừng.  



Theo một cánh tuần tra đường sông đi một vòng, mới thấy chuyện vất vả của những anh em nơi đây. Ngày nào cũng phải tuần một vòng, nhưng hễ nghe báo hay có động tĩnh gì, anh em lại phải xách áo lao ngay xuống sông. Có ghe máy, nhưng thường khi những người đi tuần tra chỉ dùng những chiếc xuồng nhỏ, chèo tay để tiện hoạt động. Khúc sông Vàm đầu nguồn xanh trong, nhìn hiền hòa như bất kỳ con sông nào khác, nhưng lại ẩn chứa những tai họa khó lường. Cột mốc nằm giữa, bờ biên giới của ai nấy giữ, những kẻ xấu bụng chỉ cần bơi vài sải nước đã tới VN, lên rừng và tuồn gỗ trộm cướp được xuống ghe. Nếu không, chúng thả gỗ trôi sông hoặc đánh chìm xuống lòng sông. Chưa kể, dưới lòng sông xưa kia vẫn có rừng cây vài mươi năm tuổi, bị chặt hạ hoặc gãy, nằm rải rác. Không khéo dò đường chèo chống là bị đâm thủng ghe như chơi. 
Tôi theo chân những người giữ rừng đi dọc vành đai biên giới. So với chừng 15 năm về trước, đi rừng theo kiểu cánh nhá báo chúng tôi là “sướng như vua” vì cung đường “huyết mạch” của rừng dài chừng 30 cây số về phía khẩu Xa Mát, bề ngang rộng 20 mét, có nơi được rải nhựa, có nơi rải đá phún đỏ như máu, phẳng lì không dằn xóc. Một bên đường là hàng cột điện thẳng như giữa phố. Nghe nói, tất cả những dây điện ngang qua rừng đều được bọc nhựa cẩn thận vì sợ có sự cố sẽ ảnh hưởng đến cây cối, chim thú trong rừng. Đây thực ra cũng là đường giao thông để cho đội phòng chống cháy rừng có điều kiện chữa cháy kịp thời, và chống lây lan nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy rừng.
 Anh Nguyễn Thành Sơn, Tổ trưởng Tổ Quản lý Bảo vệ Vườn Quốc gia cho hay: mấy năm nay, tuy tình hình phá rừng lấy gỗ của “lâm tặc”, phá rừng làm rẫy (điều, cao su), săn bẫy thú rừng… của người dân địa phương và dân CPC có dịu đi chút ít, nhưng không phải là chấm dứt. Công việc của người giữ rừng là phải làm thế nào ngăn chặn, làm giảm thiểu tối đa những mất mát. Nói là nói vậy, nhưng với diện tích gần 20 ngàn héc ta rừng, trong đó có 45km đường biên giới giáp CPC, mà chỉ có 3 đội bảo vệ, chia ra 13 trạm, chốt với quân số dao động từ 50 – 55 người, thì quả là chuyện không đơn giản. Bởi vì, tuần rừng không giống như chúng tôi đi… xem rừng. Vào sâu trong rừng, cây to, bụi rậm, dây rừng giăng mắc… sẵn sàng “che chở” cho bọn tội phạm và… cất giấu những thân gỗ quý bị triệt hạ. Rừng quốc gia lại có một địa hình khá đa dạng: có suối, sông, có trảng cỏ và rừng ngập nước… nên mùa khô thì còn đỡ, mùa mưa, công việc tuần tra rất khó khăn. Lợi dụng mưa gió, lâm tặc lẻn vào cưa cắt, đốn hạ cậy và… cất giấu, chờ tới mùa khô mới quay lại mang đi. Người giữ rừng lại chỉ có trong tay những công cụ hỗ trợ quá ư… thô sơ: súng bắn đạn… cao su, roi điện, gậy và dùi cui. Cũng “may mắn” là những kẻ cắp thường né tránh lực lượng bảo vệ, nên những năm về sau, tuy các vụ xâm hại rừng vẫn còn đó nhưng các vụ đụng độ dẫn tới thiệt hại về người ít khi xảy ra.  

Anh Huỳnh Tấn Đạt, người đã gắn bó với rừng gần 15 năm nay, vẫn còn ấn tượng với trận hỗn chiến kinh hoàng năm 1997 giữa lực lượng bảo vệ rừng và người dân CPC sang trộm gỗ tại tiểu khu 25. Để đối phó với kẻ trộm có vũ khí, lực lượng biên phòng, kiểm lâm và bảo vệ rừng đã phải dùng biện pháp mạnh. Lúc đó Đạt mới gia nhập đội ngũ bảo vệ rừng. Thu nhập chỉ vừa đủ sống một cách tằn tiện, lại xa chợ, xa đường, thấy cảnh này Đạt chỉ toan bỏ việc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sức thanh niên mà cũng làm giống như những kẻ nhát gan khác, thấy khó là chạy thì thiệt hại sẽ không thể nào đo đếm được. Vốn là dân địa phương, và thật sự thương cảnh rừng  “đổ máu, trọc tóc” từng ngày, Đạt quyết định ở lại. Giờ, Đạt đang làm tổ trưởng của tổ bảo vệ khu vực nghiêm nhặt (rừng nguyên sinh), “cầm quân” 4 người khác, rà soát kiểm tra suốt 30km đường biên giới. Chuyện ngủ rừng là bình thường nếu phải phục bắt trộm hay xa quá không thể về ngay được. Nhưng Đạt nói, vì anh là dân địa phương nên dẫu sao còn đỡ. Có những anh em xa nhà, xa quê, cũng buộc lòng sống như bộ đội xa nhà. Thậm chí có anh vài năm liền không thể ăn tết với vợ con. Anh Vũ Minh Hiếu, quê tận ngoài Bắc, nói có năm cũng tính về thăm nhà từ trước tết để mang chút hương vị tết vào rừng vui với anh em. Không ngờ mới nửa đường đã phát hiện dấu vết bọn phá rừng nên đành quay trở lại. Lần đó, các anh em lần theo dấu vết suốt mấy ngày đêm và ngăn chặn kịp thời một vụ phá rừng lớn. Tổng cộng chúng có 49 người, 7 chiếc xe cù với đầu đủ dụng cụ cưa chặt. Nhưng anh em đã bắt lại được 28 người và 4 chiếc xe. Hóa ra chúng lợi dụng thời gian Tết, nghĩ anh em cuối năm lơ là mất cảnh giác mới lộng như thế.  
Nhưng bảo vệ rừng đâu chỉ chống lâm tặc. Ngoài chuyện tuyên truyền giáo dục ý thức người dân ủng hộ, đồng tâm giữ rừng, anh em còn nhiệm vụ phòng chống cháy rừng. Đây là nhiệm vụ vất vả nặng nề nhất. Vì hơn cả lâm tặc, một khu rừng bị cháy có nghĩa là toàn bộ hệ sinh thái khu vực đó cũng “tiêu” theo! Rừng Tây Ninh vốn là nơi nhạy cảm với lửa, nên suốt mùa khô, tinh thần anh em đều căng như dây đàn vì phải lo… “gác lửa”. 
*Những lãng mạn đáng yêu
Thu nhập ổn định nhưng không đáng kể so với… giá thị  trường, nơi ở tềnh toàng, không cần cửa nẻo, thức ăn đơn giản đến mức đáng ngại, phần lớn anh em ở các trạm, chốt… đều tự tăng gia sản xuất để có thêm rau, cá… xem giữa những bữa cá khô vốn đã trở thành món chủ lực. Mười ba chốt, trạm, có nơi có điện có nơi chưa, nhưng điều khiến anh em gắn bó với rừng chính là tình yêu vô vụ lợi với rừng, tình nguyện gắn bó cả cuộc đời với rừng chỉ vì họ khám phá nhiều điều thú vị ở rừng mà người khác không thể thấy. họ có thể kể vanh vách những loại rau trái của rừng, mùa nào thức ấy. Những con thú bé nhỏ nương náu trong bóng rừng trở thành “bạn bè chí thiết” đến nỗi vắng một con vật nào là các anh có thể nhận ra ngay. Những thay đổi dù thoáng qua, dù rất nhỏ của rừng cũng được các anh nắm bắt rất nhanh. Như vừa rồi, trong lúc đi tuần tra, các  anh ở trảng Tà Nốt phát hiện 2 cá thể sếu là lập tức báo ngay về cho Ban Quản lý. Người quan sát kế tiếp, bất kể đêm hôm, lặn lội “rình” lúc 3,4 giờ sáng mới chụp ảnh được cặp sếu, thế mà mừng như bắt được vàng.  
Đã có khá  nhiều người phụ nữ bị các anh “thu phục nhân tâm” để rồi lập nên một tổ ấm  hạnh phúc tại Vườn Quốc gia. Anh Lý Văn Trợ, Phó giám đốc Vườn quốc gia chỉ tay qua dãy nhà tập thể của Vườn mà cười: ban đầu tính làm nhà tập thể cho mấy ông tướng của cơ quan ở lại. Nếu anh chị nào ở cơ quan xây dựng gia đình và có ý phục vụ lâu dài, cơ quan sẽ cấp luôn cho căn đó… Nhưng mới đó, ngó lại mà không còn phòng… độc thân nào hết! 
Chúng tôi tỏ ra ái ngại, vì công việc cực khổ như vậy mà thu nhập chẳng có bao nhiêu, lãnh lương ra coi như hết sạch vì giá cả ở đây rất đắt. Nếu đi chợ, phải cách xa khoảng non 30 cây số. Biết được chuyện di chuyển khó khăn, người tiếp phẩm của 2 đồn Biên phòng 831 và Tân Phú thường ghé lại các trạm, để nhận “toa” đi mua thực phẩm giúp. Thấy chúng tôi băn khoăn, anh Sơn cười ha hả, giới thiệu với tôi một nhân vật: anh Tạ Văn Hùm, 37 tuổi, con trai của một người giữ rừng… không lương suốt hơn 30 năm trong rừng biên giới này. Ông vừa qua đời ít lâu. Đứa con, cảm thấy mình cũng thích… ở rừng như cha, nên xin vào làm bảo vệ!  
CẨM GIANG

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

hương rừng

*bài viết cho Báo TN, ra ngày 7.5.2011
HƯƠNG RỪNG
Tùy bút
Bóng cây Kơ-nia... Cây này còn được gọi là cây Cầy
             Chị bạn nhà văn, dân miền Tây, về ngụ cư tại miền Đông, trưa nọ, điện thoại réo: “Tới liền đi, chị cho ăn thử món này, lạ và ngon lắm!” Nghe cái giọng mời gọi đầy… kích thích đó, tôi phóng tới.
            Coi kìa! Chưa bao giờ tôi thấy chị hồ hởi như vậy. “Ngồi đi! Em biết trái này không? Ngon cực kỳ nhe. Từ nào giờ chưa biết, bữa nay được ăn lần đầu thấy ngon quá chừng ngon, mới kêu em đó! May không thôi uổng một đời làm dân Nam bộ!”
            Hóa ra, cái món khiến chị muốn chia sẻ đó là trái gùi… ướp lạnh, để đường ngọt ngay! Chị xúc cho tôi đúng 2 muỗng canh, bỏ vô cái ly thủy tinh be bé, y như một thứ mứt trái cây, và kể, đã phải mua mớ gùi rừng đó trên đường 30/4 với giá 60.000 đồng/kg, còn mắc hơn cả một vài loại trái cây ngoại nhập. Tức mình, tôi nói sẽ kiếm cho chị một thúng, ăn cho đã đời!
Tôi đã chạy rông suốt một ngày trời để đi tìm thúng gùi, rổ gùi ai đó bán trên phố, mà không thể tìm ra. Ông chủ vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nghe tôi than, bật cười: “Đúng rồi. Giờ thì chị lên rừng may ra còn kịp thấy “nó” chớ vài bữa nữa thì hết mùa, không còn sót lại trái nào đâu!”
            Tôi quyết định đi rừng vào sáng hôm sau.
            Không hiểu sao, lúc nào tôi cũng có cảm giác háo hức trước hai tiếng “đi rừng”, cứ  như là đi hò hẹn với người yêu vậy. Lần này, tôi rủ thêm cô bạn đồng nghiệp.
Đêm trước, mưa. Mặt đất ẩm ướt. Trên cây, lá, nhiều chỗ còn đọng nước. mùi lá mục ngai ngái dưới chân người. Đã cuối mùa gùi, tìm mãi, thi thoảng chúng tôi mới bắt gặp những trái gùi vàng ươm lấp ló sau kẽ lá như bỡn cợt, vừa mời gọi vừa… bướng bỉnh không để rơi mình vào tay “địch”. Mỗi lần hái được một trái là mỗi lần hai chúng tôi vui sướng như trẻ con, lột vỏ ra “xử” ngay tức thì. Thật ra, trái gùi ăn ngon nhất phải là lúc mới hái, ăn ngay tại gốc như thế này. Trái chín vàng ươm, mềm mại, lột phần vỏ mỏng sẽ bày ra lớp thịt màu vàng nhạt hoặc vàng cam, ướt át, thơm ngát. Một mùi thơm rất… gùi dậy lên. Ai lỡ nếm thử rồi thì không thể quên. Lột một phần vỏ thôi, rồi bạn bóp nhẹ ngón tay để đẩy hết phần ruột gùi vào miệng, mới không bị dính nhựa. Lập tức, bạn sẽ nghe một vị chua thanh tràn vào lưỡi, đánh thức tất cả mọi giác quan của bạn. Sau đó là cái hậu ngọt mát, hấp dẫn, khiến ai đã ăn được một trái rồi là muốn ăn trái nữa, rồi trái nữa…Cái hương gùi kỳ lạ lắm. Nó thanh thanh mà ngọt ngào quyến rũ lạ lùng. Nhưng chỉ khi nào trái gùi được lột vỏ mới phát huy hết cái sự quyến rũ đó, nhất là khi người thưởng thức cố tình ngậm miếng gùi trong miệng vài mươi giây trước khi “ực” một phát đã đời. Nhớ là đừng có nhai gùi bằng… răng, không khéo sẽ bị ê ẩm cả hai hàm dù mới ăn vài trái.
Thấp thoáng trên nền xanh của rừng là những vạt hoa xay trổ trắng. Tôi ngóng lên một cây xay cổ thụ cao ngất mang đầy hoa trắng, như thể những cụm mây trên cao kia bay qua mỏi quá mà máng vào. Kỳ lạ. Thân cây vạm vỡ vậy mà hoa xay lại trắng muốt, nhỏ và dáng dấp thật đài các. Năm cánh hoa cong lại như những lọn lóc trước trán của các nàng công chúa trong các bức vẽ xưa, điệu đàng hết biết.

Bước chân chúng tôi sải qua những vạt rừng thưa thớt ở Trảng Tà Nốt. Nắng bắt đầu nóng rát trên lưng. Bất ngờ, anh bảo vệ rừng đi cùng chỉ cho chúng tôi xem những đốm đỏ trên cao. Trái trường! Cây trường đang sức lớn ven đường mòn đang kiêu hãnh khoe những chùm trái đỏ rực. Trái trường giống màu trái vải nhưng hạt lại giống hạt chôm chôm, trái nhỏ, cơm mỏng, ăn chua chua ngọt ngọt rất thú vị. Thật ra ngày nhỏ, trong xóm tôi cũng có cây trường, và người ta hay hái trái bán cho học trò. Nhưng bây giờ thì… tôi nhẩm tính, có hàng chục năm rồi tôi không nhìn thấy thứ trái cây gắn liền với tuổi thơ mình như thế.

Tôi nhìn thấy một vài chùm trái lạ trong đám lá ngang tầm tay. Trái đẹp, như trái cherry còn xanh. Anh bảo vệ rừng nói đó là trái nhãn óc. Trái tròn nhỏ bằng ngón tay cái mà cũng… phức tạp: có 4 múi như măng cụt, nhưng trái non thì các múi này ngọt ngọt, như mùi trái dừa nước. Còn già một chút, lại sừn sựt như sụn, nhai lẫn với lớp vỏ lụa, lại có mùi vị giống như hạt cây điệp nhiều nhà ở nông thôn hay trồng, chỉ để lấy bông chưng cúng những khi không mua được hoa ngoài chợ.. Dĩ nhiên ăn chả ngon lành gì, nhưng thú vị.

Bước chân ngẫu nhiên đưa tôi “lạc” vào một động toàn sim, mua. Bông tím lịm, trái ngọt ngào. Mùa này là mùa sim chín.  Những trái sim tím đen phơn phớt lông tơ màu bạc, khi túm tụm vào một chỗ tưởng tượng như mấy chú heo con làm bằng bột dịp trung thu, thật ngộ nghĩnh. Tôi được giới thiệu một món rượu sim độc đáo.  Cái này là do lớp “người lớn” đi kháng chiến bày ra đó. Cách làm cũng đơn giản: Sim hái về, phơi nắng cho hơi héo rồi cứ sắp một lớp sim một lớp đường cát vào trong keo hũ gì đó, chừng nửa tháng là có rượu uống. Rượu sim đằm, ngọt, không say, tạo cảm giác dễ chịu.
            Còn nhiều thứ hấp dẫn, níu chân người. Tỷ như vạt muồng hoa đào, nhìn xa dễ nhầm với màu hoa ô môi, sáng cả một góc rừng. Như những vạt trâm sắn trắng muốt rạng rỡ mà nếu không cầm những cái quả li ti rụng trắng dưới gốc thì tôi không hề nghĩ những vạt trắng trên cây đó là quả. Tỷ như những thứ lan rừng hình thù cổ quái đeo bám vào những thân cây cũng lạ lùng không kém, gây cho người một cảm xúc ngây ngất khó tả.
Bởi vậy, cứ mỗi lần đi rừng, là tôi lại cảm thấy mình… nghiện rừng thêm một chút. Bởi vì, đâu chỉ có những thứ trái cây quyến rũ người, rừng còn có những hấp lực khác mà chỉ khi nào tự mình trải nghiệm, tôi lại thấy tràn trề hạnh phúc và luôn muốn quay trở lại với mái nhà xanh khổng lồ đó.
CẨM GIANG