Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

gia tài của cha (p. cuối)

GIA TÀI CỦA CHA

Xem phần trước: (1),(2),(3),(4)

MƯỜI
            Một phần tài sản ba dành cho tôi là nụ cười và sự yên tĩnh.
            Thật lòng, tôi chưa thấy ba cười lớn bao giờ. Không như những bậc “nam tử đại trượng phu” bạn của ba hồi đó, thường có cái cười ha hả hào sảng (hay ra vẻ hào sảng), nụ cười của người lúc nào cũng tươi tắn đầy vẻ an nhiên và hầu như… không thành tiếng. Ba dạy cho lũ trẻ chúng tôi bài học “yên lặng sinh động” đó từ lúc mới bắt đầu tập đi tập nói:
            -Con, dù no dù đói cho tươi! Đừng bao giờ để người khác thấy gương mặt mình ủ ê không tốt. Đó là một trong những thất bại khi đối diện người khác. Dù con không vui cũng đừng để ai nhìn thấy con buồn, nghe chưa?
            -Con, cười nhỏ lại! Khi mình nói lớn, cười lớn, mình sẽ không lắng nghe được tiếng người khác cười nói. Mà như vậy, mình chỉ biết có mình mình! Vừa ích kỷ, vừa thất lễ, nghe con.
-Con, dở chân lên! Khi đi mà để người khác nghe tiếng dép, thì con không đi nhanh được, mà còn gây khó chịu cho người khác. Như vậy là thất sách, nghe con!
            -Con, nhẹ tay chút! Khi mình làm việc gì mà gây va chạm, gây âm thanh chói chát, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng người khác, không hay đâu, nghe con…
            -Con, ánh mắt là cửa sổ tâm hồn. Đừng nhìn thẳng vào ai bằng cái nhìn độc địa hoặc khinh mạn. Hãy tưởng tượng có một ai đó cũng nhìn con như vậy, con thấy sao?
            Má tôi, thỉnh thoảng lại nhắc hoài chuyện ngày xưa ba làm mất chiếc xe đạp. Dạo đó, ba học tới tú tài 2. Đường từ nhà tới trường 15 cây số, ba toàn đi bộ, sáng đi chiều tối mới về tới nhà (vì học 2 buổi). Bác Ba tôi năm đó đã đi làm rồi, dành dụm mua cho em một chiếc xe đạp. Thế mà rồi, vui bạn vui chuyện, ba bị kẻ xấu lấy mất chiếc xe, ngay buổi sáng ngày thi tốt nghiệp. Biết chuyện nhưng ba vẫn thản nhiên vô lớp làm bài, rồi chiều vẫn thả bộ tà tà về nhà. Bà bác dâu, vốn đã nghe bạn bè ba về trước nói lại, đã chuẩn bị một bộ mặt thật… hình sự đón ba về. Ai dè, thấy chú em chồng vẫn tỉnh queo thưa ba và anh chị mới về, bà… mất lửa. Hỏi: “Chớ xe chú đâu?” Trả lời: “Mất rồi chị.” “Vậy từ rày lấy gì mà đi, bộ chú tưởng anh chú giàu lắm hay sao chớ? Vậy mà còn thi cử được, hay!”
            Ba chỉ cười: “Mất thì cũng đã mất. Không còn xe thì cũng còn cái chân mà lội bộ về. Chớ không làm bài được thì lâu lắm mới thi lại lần nữa, mất công chi vậy chị?”. Bà bác dâu tôi hết phép, lắc đầu. Cho tới già, bà còn nhắc: “Trên đời tau mới thấy mình chú mày. Làm như người không có biết giận hờn chi ai…” Bà đâu có biết, ba cũng buồn và tự ái, vì vậy đậu Tú Tài xong là ba xin đi dạy trường tư liền, để có tiền sắm lại chiếc xe và phụ giúp phần nào cho gia đình, để anh mình khỏi bị cằn nhằn…
            Dĩ nhiên, mấy đứa con của ba, không phải đứa nào cũng nghe và thực hiện đúng tăm tắp theo những lời giáo huấn của ba cho tới lớn. Ngay cả tôi, nhiều khi không kềm giữ được mình, cũng không khỏi bật cười to trước ai đó, trước một việc gì đó… nhưng lập tức… xấu hổ: chỉ có việc kềm một tiếng cười lớn mà không xong thì còn nước non gì! Chưa kể, tức lên, mình bỗng trở thành một… con cọp lúc nào không hay, cứ gầm gừ gầm gừ… mới biết, bài học của ba quá dễ mà quá khó với những bẫy rập sân si tiềm ẩn trong mỗi con người. Nói thì dễ chứ làm đâu dễ!
            Cũng may mà tôi thuộc được ít nhiều. Khi được khi không, nhưng tôi luôn nhớ mang theo nụ cười an nhiên ba dạy cho từ lúc bước chân vào trường học đến lúc bước xuống đời. Té ngã cũng nhiều, trầy trụa bầm giập cũng lắm, may nhờ nụ cười lung linh sáng của ba đó mà dịu nỗi đau, để tôi có thể đứng dậy phủi tay mà bước tới. 
       
MƯỜI MỘT
            Mít chín!
            Trái mít cuối cùng của mùa mít năm 2009.
Trái mít cuối cùng còn gọi là… mít nhà. Mùa sau, cây mít đó thuộc về người khác. Bởi cây mít đó nằm trên phần đất mà má đã phải đành đoạn cắt bán cho người, để mong cất được cái nhà thờ đàng hoàng, ấm cúng hơn, thay thế cho cái nhà cũ mua lại ba mươi mấy năm nay, vừa “nghỉ hưu” vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó.
            Má để dành được trái ngon nhất, để cúng giỗ, và tiếp khách. May, nó chín đúng lúc hết sức.
            Cây mít này hồi đó ba biểu để giống đây.
            Thiệt, nếu không để trồng một cây, thì chắc bây giờ cả nhà không có dịp thưởng thức cái hương vị lạ lùng của nó nữa. Người ta nó nó là loại mít dừa hay mít gì đó. Nếu để chín cây thẳng thét, xẻ ra hầu như không thấy một miếng xơ trắng như thường thấy ở các loại mít khác. Múi mít không vàng rực, chỉ thoáng màu mỡ gà óng ánh, cơm dày, hột nhỏ chút xíu như hột nhãn. Cắn một miếng ngập tận răng, mùi thơm sực nức. Còn cái vị ngọt của nó thì khỏi chê. Nó đằm thắm, mặn mà như một cô gái ngoài hai mươi, đã biết tiết chế mọi vẻ lộng lẫy mà quyến rũ người khác bằng nội lực.
            Lúc ba má mua phần đất hiện giờ đang ở, trên phần đất sát ranh đã chễm chệ một cây mít già, hai người ôm không giáp vòng. Trái nó cũng là lạ, sần sùi, nhìn giống như kiểu mấy thứ trái cây “da cám”, rớm rớm rám rám, xấu tệ. Lúc đó thì tôi hay đi xa nhà, chẳng lần nào tới mùa mà được ăn thỏa thuê miếng mít vườn nhà coi nó ngọt lạt cách sao. Nghe mấy đứa em nói lại, lần nào xẻ mít ba cũng có ý trông chị Hai… Đến lúc tôi có thể thoải mái thưởng thức được cái hương vị đậm đà quyến rũ của nó, thì lại có nhiều biến cố xảy ra trong gia đình.
            Năm đó, thấy lũ hột mít sau nhà tranh nhau nảy mầm, ba biểu thằng út xắn ra một cây, bầu lại rồi thả gần ranh đất, phía sau vườn, đối diện với cây mít cũ. Má tôi cười: hột đổ tùm lum, biết giống cây nào mà trồng. Mà trồng bằng hột như vậy, biết chừng nào có trái mà ăn. Ba chỉ cười: “Thì trồng cho cháu mình ăn. Má mấy nhỏ không thấy, cây mít của ông Bảy trồng từ nào giờ, không biết ổng ăn được mấy trái mà ổng chăn hu từ sáng tới chiều đó…”.
Kịp khi cây mít tơ đó cao chớm mái nhà, thì gặp hồi khó, những thứ cây lưu niên trong vườn đều bị bán cho thợ xẻ. Toàn những cây lớn vài vòng tay ôm! Cây mít đó được giữ lại vì nó còn… non nớt thư sinh quá!
            Ba mất. Tôi làm ăn lưu lạc. Lâu lâu mới đáo về thăm nhà. Lần nào thắp hương cho ba cũng thấy ánh mắt ông buồn buồn, buồn buồn. Tôi tha thẩn giữa khu vườn tạp ẩm thấp, bùn nhớp nháp dưới chân, chả cây nào ra cây nào mà bận lòng… Lại nhìn cây mít đáng giá mà ba biểu trồng đó, thấy trong lòng ngâm ngâm buồn.
            Đột ngột, năm đầu tiên, khi tôi quay về ở hẳn nhà, cây mít ra trái chiếng. Nó đậu trái sau gần hai mươi năm có mặt trên đời.
            Lần đó, má tôi nói: cây mít này lì, đứa nào lì hơn nó, trị cho một phát đặng coi nó có ló trái ló trăng chi không, không thì… đốn bỏ chớ quét lá mệt quá!
            Tôi cười, má để con coi… tại nó chưa đủ tuổi thành niên đó mà, ép làm chi.
            Mà nhìn ngậm ngùi. Nó mọc như một cái… cây, không chăm sóc cho nó mà biểu có bông có trái chi được. Tôi đào một cái hố gần gốc,  hốt hết lá mục trong vườn ủ xuống: của mày tặng lại cho mày! Đổ thêm mớ tro dừa tro lá nữa cho đầy rồi lấp lại. Tôi vừa làm vừa lẩm bẩm, lòng nhớ mấy câu thơ “củi đậu nấu đậu” mà ba đọc cho nghe. Nhưng trong trường hợp này, nó vui chớ không buồn… Lại vác rựa chém cho ba nhát ở gốc, mắng thêm một câu: hư quá, có trái đi chứ! (Cái món này, học được từ… ông nội tôi!).
            Cái “phép” khổ nhục kế đó làm cây mít có trái thiệt!
            Mười hai trái lúc lỉu từ gốc tới ngọn, sởn sơ như bầy heo con, coi đã mắt. Nhỏ em tôi ngó rồi lắc đầu: sao tui thấy không giống cây mít cũ chị ơi! Tôi cũng chỉ cười cười: mít này mới dậy thì. Mít của ông Bảy hồi đó lên lão rồi!
            Trái mít đầu tiên xẻ ra, đích thị phong vị cũ. Đúng là lưu dấu truyền đời đây!
            Mời ba một dĩa, nghe hương mít quyện mùi nhang mà mắt rưng rưng…
            Mùa này, là mùa cuối.
            Ước chi, mình lại được vun trồng lần nữa…
            Đất đai giờ thành phố thị, biết bao giờ mới có được trái mít vườn xưa?
           
CUỐI
            Mồng Bốn, tháng Năm, giỗ Ông Nội. Trưa qua, người ở quê lên, một xe 15 chỗ. Ríu ra ríu ran. Nụ cười, nước mắt. Thăm hỏi và chào đón. Vui mừng và rưng rưng.           
            Má vẫn hay nhắc, rằng ngày trước mỗi khi quỳ trước bàn thờ tiên tổ trong những dịp cúng kiếng giỗ chạp, bao giờ Nội cũng khấn rất to. Có thể vì tai Nội điếc. Cũng có thể, đó cũng là cách thể hiện lòng thành của Nội với người khuất mặt. Trong lời khấn của Nội, không chỉ là chuyện sức khỏe dối dào, mùa màng bội thu, mà có một câu luôn được nhắc đi nhắc lại: cầu nguyện Ơn Trên phù hộ cho con cháu nhà họ Đặng này luôn được mọi người thương mến.
            Ngày nhỏ, tôi cũng có nghe một vài lần lời khấn đó, nhưng không lưu tâm. Lúc nội mất, tôi vẫn còn là một đứa con nít. Chỉ lâu lâu nhớ lại, như đâu trong tiềm thức…
            Lời khấn của nội được linh ứng không, tôi cũng không rõ. Nhưng tôi thấy Ba tôi từng chút một, từng ngày một, làm cái việc để “con cháu họ Đặng này luôn được mọi người thương mến”, ít nhất là trong phạm vi nhỏ nhoi có được, là gia đình, dòng họ.
            Cái tình của Ba đối với mọi người, vừa có cả sự thuần hậu chất phác của người quê lẫn sự khôn ngoan tế nhị của người có học. Ba chu đáo, và bày tỏ tấm lòng của mình bằng sự chu đáo với mọi người, như một lẽ tất nhiên phải vậy. Thật tình, cho tới giờ này, nhà cô nhà bác tôi chưa tới hết, nhưng vì gia đình tôi sống trong cái nhà từ đường một năm có dư chục đám giỗ, thì cũng hơn chừng đó lần tụ họp bà con. Trong những lần như vậy, tôi có cảm giác ba là người thật… quan trọng.
            Ngày trước hôm đám giỗ, có khi trước đó hai ngày, tùy thời điểm trong năm, mấy cô mấy bác ở xa đã về. Trong câu chuyện hàn huyên của anh chị em có khi thâu đêm suốt sáng đó, ba vừa làm công việc của một nhà tư vấn… đa hệ, giải đáp những thắc mắc của người lớn lẫn đám con cháu, từ chuyện ruộng nương đặng, thất là tại làm sao, con heo nhà này bị bịnh như vậy trị cách nào… đến chuyện sắp tới đứa cháu này học thi đại học, xin chuyển trường nọ trường kia, sức học mạnh yếu ra sao, thậm chí cả chuyện tình cảm của các anh chị lớn như vậy như vậy… Và nhiều khi, phải làm cầu nối, làm trung tâm hòa giải cho nhiều vụ hiểu lầm nhau trong anh em thân tộc.
            Cái lối nói chuyện cuốn hút, nhỏ nhẹ, mềm mà cứng, khi nhu khi cương, cái cách xử việc thấu tình đạt lý… của một ông thầy giáo không những khiến mấy anh chị tuổi teen mê mẩn, mà cả người lớn cũng vui lòng.
            Dĩ nhiên, không phải một mình ba có thể hô biến tình cảm của mọi người.
            Còn có má và mấy chị em tôi nữa.
            Cái tình không thể hiện trên lý thuyết, là đó đó.
            Nhà cửa, dù lúc nào má cũng giữ sạch sẽ tinh tươm, vậy mà khi khách đến, có người mang theo thói quen hút thuốc hun khói hay ăn trầu nhổ cốt tứ tung, cũng được má vui vẻ chấp nhận. Chị em tôi, cứ nghe có khách về, là như một ngày hội. “Tự nhiên” ngày đó vườn nhà sạch cỏ, nước nôi được xách đổ đầy hũ khạp, đứa nọ nhắc đứa kia không được giỡn hớt lớn tiếng, thấy ai cũng phải khoanh tay chào với vẻ mặt vui tươi… riết thành thói quen. Mà không vui sao được khi bà con xa về có biết bao chuyện làm quà, chuyện nào cũng hấp dẫn.Tưởng nếu khéo nhớ, có thể viết nối nhau cả đời không hết…
            Cái bếp của má, bình thường có khi cũng toàn những “bài địa lý”* của ba, nhưng luôn màu mỡ sung túc khi đón khách về. Dĩ nhiên là ai cũng biết nhà ba má chẳng dư giả gì, nhưng tấm lòng nhiệt thành, thơm thảo của má làm cho mọi người có một cảm giác thật ấm áp khi trở về nhà. Ba nói: đó là Lễ. Không có sự thể hiện đó, mọi việc khác đều vô nghĩa.
            Có lẽ vì vậy mà ngôi nhà của Nội ngày xưa luôn ấm áp và đông vui.
            Khi nội mất, cho dù gia cảnh sa sút, nhưng nếp nhà vẫn vẹn nguyên. Ngay cả khi ba mất, ngôi nhà thờ vẫn thường xuyên đón khách về mỗi lần giỗ quảy. Tất nhiên ngày nay thưa vắng rất nhiều anh chị mà ngày đó còn thuộc hàng con nít, vì công việc của thời hiện đại cứ cuốn người đi như lốc, không rứt ra được!
            Một số anh chị lớn và cả bạn bè tôi, vẫn tỏ ra… ngán ngại khi nghe tôi nói chuyện giỗ chạp tết nhất. Có thể, má và chúng tôi cũng là những người… không - thức - thời, nhưng mà nếu không gìn giữ và chia sẻ cái đã được ban tặng – cái gọi là TÌNH YÊU THƯƠNG đó, thì liệu có còn chút nào gọi là mối ràng buộc giữa người với nhau không?
            Cái tình đó xuyên suốt mọi mối quan hệ, mọi hành động, việc làm của ba. Ngày qua ngày, những sợi tơ thương yêu đó đã kết thành một cái kén, để con cái của ba được hưởng trọn tình thương của mọi người một cách tự nhiên, như vốn có. Và rồi cũng tự nhiên, con cái ba cũng đối với mọi người đúng y như vậy.
            Đó là cái cách ba biến lời nguyện của Nội thành hiện thực, không biết có phải vậy không.
Tây Ninh, mùa hè 2009
          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét