Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

gia tài của cha (p2)

GIA TÀI CỦA CHA 


BA.
            Hàng xóm của ông bà ngoại tôi là một cặp vợ chồng già, người Tàu. Cả xóm không ai biết họ tên chi, chỉ kêu chồng là ông Năm-các-chú và vợ là bà Năm-cao-giò (bà cao một mét bảy mấy, hồi đó cao như vậy kể như là một hiện tượng trong xóm nhỏ!). Ông Năm làm nghề mua ve chai. Tụi con nít chúng tôi ưa qua nhà ông bà chơi, vì họ rất mê con nít, và bởi sau nhà họ là cả một thế giới khác người của những chai những hũ, vỏ lon đồ hộp, thùng bánh, những loại dây nhợ ốc vít và có khi, cả những con vật ngộ đời! Như con heo có… 5 chân, con bê có thêm cái đầu nhỏ xíu. Rồi trăn bự, rắn lạ, chồn cheo mễn trúc…. Chả biết ông lùng sục đâu ra. Những con này không lưu lại nhà ông lâu, vì ông sẽ chuyển qua tay những ông làm nghề Mãi võ sơn đông, để câu khách mà bán thuốc. Nhưng trước khi qua tay đó thì lũ trẻ con trong xóm đã được thưởng lãm mê tơi… miễn phí!
            Một bữa, ông gọi ba tôi, kêu bán cho cái tủ.
            Ngang mét hai, cao 2 mét, cửa kính, đóng theo kiểu Tây… không biết tủ được làm bằng loại gỗ gì mà đã lên nước đen bóng. Cái tủ phải 6 người thanh niên khiêng mới nổi. Ông nói quý ba tôi, vì cả xóm chỉ có ba là thầy giáo. Thầy giáo phải có cái tủ như vậy, để trong nhà mới xứng. Mua ngoài tiệm, chắc chắn ba tôi không mua nổi. Nhưng vì ông mua giá ve chai, nên bán lại cho ba tôi cũng với giá rẻ như cho. Nghe đâu cái tủ này là tủ sách của một gia đình bác sĩ, trước ở ngay tỉnh lỵ, sau giải phóng bán nhà về Sài Gòn. Cái tủ được thanh lý trong hoàn cảnh như thế.
(xem tiếp)
            Cái tủ, hẳn nhiên là chễm chệ trong phòng khách, và như cái tủ gỗ thông, nó cũng được làm đầy dần…
            Ba tôi đau một trận thập tử nhất sinh. Em trai tôi lên Sài Gòn học. Ba má bán căn nhà đầy kỷ niệm, mua một căn nhà cũ vách ván, đưa cả nhà ra phần đất ngoài mặt tiền mà ngoại mua cho (hồi đó không có khái niệm mắc rẻ nhiều như giờ) để vừa ở vừa buôn bán sinh sống. Nhà nhỏ, cái tủ gần đụng nóc nhà, phải xoay mặt vô trong, đưa lưng ra ngoài làm chỗ dựa cho bàn thờ.
            Ba tôi bớt đau, chuyển sang học đông y để tự chữa bệnh cho mình và tham gia vào Hội Y học dân tộc cổ truyền tại địa phương. Phân nửa số sách trong cái tủ - các - chú này là sách Y học. Dĩ nhiên, tôi cũng đọc, không từ! Dĩ nhiên, hiểu tới đâu thì hiểu!
            Tôi lớn lên, cũng tự mua sách thêm để bổ sung vào kho sách của ba. Cái tủ đó cũng là nơi tôi cất giữ những bí mật con gái.
            Bây giờ, cái tủ đó đang được chễm chệ ngự ở nhà… tôi. Nó đã hoàn thành sứ mạng 30 năm làm chỗ dựa cho bàn thờ, làm ngăn kéo bí mật cho con gái, làm chỗ… giữ của cho má tôi! Nó được “mang ra ánh sáng” nhờ má tôi dỡ nhà, xây lại! Bà biểu tôi mang về nhà, và nói cái này là của ba dành cho tôi, một khi tôi có nhà riêng. Chỉ có điều, cái sứ mạng của chiếc tủ-ông-các-chú lúc đó chưa hoàn thành, nên chưa rời nhà được.
Gia tài của ba tôi đó!
            Và bây giờ, tôi bắt đầu dành dụm từng cuốn sách một vào đó, làm gia-tài-để-lại cho con tôi.
           
BỐN
Tình cờ, nói chuyện với bạn về cái “gia tài của cha”, trực nhớ tới cái cụm từ văn hóa phi vật thể, tôi đùa: cái gia tài của ba mình, cũng là một thứ phi vật thế đó bạn. Chữ không còn là chữ, để viết nên những thứ gọi là định nghĩa, những chuyện gọi là buồn vui.
Chữ của ba, không chỉ có những con chữ đã được in trong sách. Cái chữ ba dạy, nó bàng bạc khắp nơi từ trong khu vườn rộng mà thưở nhỏ tôi đã đắm mình trong đó, đến con đường đất đến trường, chỉ bước “ba bước là tới” mà mở ra biết bao điều thú vị. Đó là những chữ cái in hoa được xếp bằng cọng lá dừa, những chữ thường được quấn, ráp từ sợi lá chuối, từ những mẩu lá điệp bé tí hin chắp lại, bằng cả những bài học vạch bằng que tre trên nền đất cát trước hiên nhà thậm chí là những dây tua hoa tigon tím hồng leo đầy trên bờ rào. Để rồi một ngày nào đó khi được viết lên giấy dù bằng ngòi bút lá tre hay nhiều thứ bút khác, con chữ của tôi tha hồ bay liệng chung chiêng với hồn phách của mảnh sân quê ngát thơm hương đồng cỏ nội.
Cái sân rộng, rợp mát, tràn hương ổi sẻ khi tới mùa, lúc lỉu khế ngọt khế chua bên hông nhà, không những là nơi nuôi dưỡng xác hồn tôi, mà cũng là nơi đong đầy kỷ niệm thiếu thời của những người học trò của ba, của má.
Sáng-đầu-bạc, một bữa lâu rồi, ngồi nói chuyện mới nhắc tôi: anh nhớ hồi xưa thầy hay đố ráp vần, và em có nhiều chữ ráp rất… độc chiêu. À, có lần thầy biểu ráp vần u. Bọn anh còn loay hoay em đã nói rồi… mà điều… em còn nhớ không?
Tôi chỉ cười.
Nhớ mà không nói.
Vì sợ anh ghẹo tôi có tâm hồn ăn uống, tới già không bỏ.
Cái trò đó là trò ba bày ra để làm giàu vốn từ của trẻ con. Giống như bài ráp vần của lớp một đã nói ở trên, ba lấy ra một nguyên âm và đố coi trò nào có thể ráp nhiều vần với từ đó nhất.
Lần đó, ba  vừa nói: “U!”, tôi nói liền: thưa ba, u – tàu hũ.
Cả nhóm bạn anh Sáng cười rần rần.
Món tàu hũ đó, do bà má anh Sáng làm. Nhà anh Sáng có lò tàu hũ. Cứ trưa trưa, má anh Sáng sai mang qua cho ông thầy một ly đậu hũ non to cộ, nóng hổi để thầy ăn có sức mà dạy học. Hồi đó, tôi chưa biết cái món tàu hũ non nước cốt dừa, đường thắng mà mấy cô mấy chị gánh gánh đi bán ngoài đường như bây giờ. Món tàu hũ của má anh Sáng được ăn với đường cát trắng. Thơm mùi đậu nành. Thơm luôn giấc ngủ trưa của tôi…
Giống như vậy, mỗi lần thoáng nghe mùi mít chín, tôi nhớ ngay tới “trận chiến sân vườn” hồi xưa với đám học trò tiểu học của má.
Ba xướng: ơ!
Người thì “cái nơ”, người thì “bức thơ”, người mơ mộng chút thì “phất phơ”…
Con gái ba thì: Dạ, ơ – xơ mít!
Thật ra, vì lúc đó má đang xẻ mít mà tôi thì không chịu thua vụ đố chữ lẫn vụ giành ăn…
Nhưng bữa nay, ngồi gõ những dòng này, tôi nghĩ bần thần.
Con gái tôi học thi. Vặn vẹo khổ sở với bài văn soạn sẵn. Vặn vẹo với một đoạn Kiều rất gợi, được đặt tựa Thề Nguyền:
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương giọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần…
Nó vừa lẩm bẩm học, vừa đập tay xuống ghế: “Ông này viết khó hiểu muốn chết, học hoài không thuộc…”!
Ôi, làm thế nào để tôi có thể san sẻ bớt cái gia tài của ba cho con gái tôi đây?! Bởi có muốn sẻ chia cũng không kịp, bây giờ. Nhà trường đã lấy hết thời giờ của nó chỉ để học những bài trong giáo khoa, mà chưa đọc hết. 


2 nhận xét:

  1. Với gia tài như thế, em nghĩ, chị là một đại gia!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn em. Bữa nay thành đại gia rồi hì hì...

    Trả lờiXóa