Hoa, quà và những chộn rộn từ bữa trước. Hôm qua ngồi với một người anh, học trò của ba mà lòng bâng khuâng gì đâu. Phải, cho tới giờ nầy, trong lòng mình vẫn chỉ có một mình ba, là người thầy đầu tiên, và duy nhất mình kính trọng và thương yêu. Những người thầy cô đã từng hướng dẫn mình, lúc nhỏ thì nhỏ quá, lúc lớn lại không có cơ hội gần gũi, và cứ... nhàn nhạt trôi qua cho hết thời gian, khó để lại dấu ấn. Nói như vậy không phải là phủi sạch công lao của tiền nhân. Chỉ vì mình bảo thủ quá chăng?
Đăng lại loạt bài này, để nhớ...
GIA TÀI CỦA CHA
MỘT.
Tôi lên sáu, mắt chữ o môi dấu á, liếc theo mũi bút bi run run của ba trên từng trang giấy kẻ ô li: a – ba, i – thằng tí, ư – bộ lư, e – trái me, con ve. Tập “giáo khoa” vỡ lòng của cha là tập giấy học trò, ba tự viết, tự vẽ, rồi dùng chính cây bút bi đó mà chỉ dạy cho con gái đầu lòng từng chữ đầu tiên.
Tôi lên bảy, đứng vừa chạm vạch thứ ba từ dưới đếm lên của cái tủ sách 7 ngăn, đóng bằng gỗ thông của ba, tay rờ đụng hàng sách giáo khoa từ lớp Năm đến lớp Nhất (chương trình tiểu học trước giải phóng). Ba thách: chữ, thì ba dạy rồi, đố con đọc hết cuốn sách tập đọc lớp Năm nè… tôi làm theo. Chưa kịp đắc chí vì “dễ ợt, con đọc hết rồi!” trong vòng có vài giờ, tôi lại bị ba treo: vậy chớ bài này, người ta nói gì? Con trả lời ba nghe… vậy là, phải tiếp tục nhăn mày nhíu trán coi người ta nói vậy là ý gì… không kể thời gian tập viết và làm toán, những gì gọi là chữ của lớp Năm, tôi ngốn trong một tuần.
Tôi lên tám. Bắt đầu với tay tới ngăn sách thứ tư. Từ ngăn sách đó trở lên là khung trời mộng mơ của hàng ngàn anh chị học trò ba. Tôi bắt đầu biết đến những tấm thẻ màu trắng, in typo, đề Tủ sách Nguồn Vui, Tổng Quản trị: Đặng Mỹ Lệ. Tủ sách do ba lập. Tổng quản trị là ba. Tiền mua sách do cả ngàn đồng xu leng keng quà sáng của học trò ba góp lại. “Góp một đồng, đọc ngàn cuốn sách” là cái tiêu chí hồi đó của ba. Lén ba, và bất chấp những giáo điều kỳ quặc của ngoại, của má và dì: “con gái học nhiều làm gì, đọc sách nhiều làm gì chỉ tổ hư người”, tôi cứ rút dần, rút dần những quyển sách xuống đọc, rồi cố gắng để y nguyên chỗ cũ, cũng không biết cái chiêu “cấm” của ba là chỉ để kích thích trí tò mò…
Tôi lên tám. Bắt đầu với tay tới ngăn sách thứ tư. Từ ngăn sách đó trở lên là khung trời mộng mơ của hàng ngàn anh chị học trò ba. Tôi bắt đầu biết đến những tấm thẻ màu trắng, in typo, đề Tủ sách Nguồn Vui, Tổng Quản trị: Đặng Mỹ Lệ. Tủ sách do ba lập. Tổng quản trị là ba. Tiền mua sách do cả ngàn đồng xu leng keng quà sáng của học trò ba góp lại. “Góp một đồng, đọc ngàn cuốn sách” là cái tiêu chí hồi đó của ba. Lén ba, và bất chấp những giáo điều kỳ quặc của ngoại, của má và dì: “con gái học nhiều làm gì, đọc sách nhiều làm gì chỉ tổ hư người”, tôi cứ rút dần, rút dần những quyển sách xuống đọc, rồi cố gắng để y nguyên chỗ cũ, cũng không biết cái chiêu “cấm” của ba là chỉ để kích thích trí tò mò…
Tôi đọc tạp. Từ mấy loại sách Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, đến sách cho tuổi thanh niên, các tạp chí… Bắt chước ba, các anh chị học trò lại “chọc” tôi: trong sách nói gì vậy cưng? Và tôi hãnh diện tóm tắt cho các anh chị nghe mà không biết họ đang chơi trò xiếc với mình!
Tôi lên chín. Giải phóng. Nguồn vui lén lén ba má đọc sách (thực chất không lén được vì luôn bị bắt quả tang trong trạng thái không biết gì) bị cắt mất một cách thô bạo. Tôi rụng rời khi người ta giật phắt cuốn Thềm Hoang của Nhật Tiến trên tay, trong đợt “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy”. Tôi khóc òa lên khi những cuốn sách yêu dấu được ném, nhồi nhét không xót thương vô bao tải. Này Sơn Nam với Hương rừng Cà Mau, này Bình Nguyên Lộc cùng Đò Dọc, này Chim hót trong lồng, này Con Chồn tinh quái… và những Kho tàng cổ tích, ca dao, tục ngữ… Việt, đều bị vùi dập nát nhừ và nghe nói ra tro sau đó.
Mười bốn tuổi, tôi không học nổi nữa. Trước đó vài năm, tôi phải quản đám em lau nhau 4 đứa để ba má nghỉ dạy ra chạy chợ. Đầu óc đâu mà học, thì giờ đâu mà học, chỉ được cái giỏi nói dóc dỗ em. Nguồn… nói dóc lấy từ những quyển sách tôi đọc được. Tôi nói với ba: Con nghỉ học.
Ba thở dài, nói với tôi như một người đã lớn: ba má không ruộng nương đất cát. Hồi xưa, nội con dốt đặc, bị ức hiếp đủ chiều nên quyết lòng cho con mình đi học. Sáu người con trai của ông bà nội lớn lên, không thành công cũng thành nhân, thoát khỏi cảnh lội bùn dang nắng. Ba cũng muốn làm giống nội, cho con cái ba mát mặt với đời. Nếu từ chối chữ ba dạy, thì ba không còn gì cho con nữa.
Tôi nghe mà đâu có hiểu gì. Chỉ khi bắt đầu hăm hở lao vào làm công nhân ngay trong mùa hè chuẩn bị vào tuổi mười lăm, tôi mới thấm thía lời ba dạy. Lại ráng vừa làm vừa đánh vật với chương trình Bổ túc văn hóa, cho đến khi hết cấp 3.
Tôi nộp đơn và thi đậu vào trường Sư phạm. Ba cười. Với ông, đi học không chỉ là có tấm bằng để kiếm việc, mà là giúp con có cơ hội sải cánh bay ra một khung trời rộng rãi hơn, hiểu biết được nhiều hơn. Việc mà ông vui là học Sư phạm, tôi sẽ làm được việc giống như ông: truyền chữ cho đời sau.
Tiếc cái, tôi đã chuyển qua cái nghề dính lưng tôi suốt gần hai mươi năm qua: nghề viết.
Nghiệp, hay là định mệnh? Tôi không rành ba vụ này lắm, nhưng chắc là duyên nghiệp. Cái duyên, cái nghiệp đó cho tôi cơ hội được trải lòng mình trên trang giấy, chia sẻ cùng loài người những cảm nhận, những khát khao… và cái nghiệp đó, cũng nuôi sống tôi và gia đình nhỏ của tôi suốt bao năm qua, dù không giàu có dư dả chi, nhưng nếu theo lời ba tôi, thì chúng tôi đã không phải lội bùn dang nắng, đổ mồ hôi và nhiều khi là máu, để có bát cơm.
Cái chữ ba dạy, nó giúp tôi viết ra cái này cái khác, giúp tôi để dành và làm tươi mới hồn phách của những thứ cũ kỹ tưởng ủ mục và hóa bùn theo tháng theo năm…
Gia tài của ba đó.
HAI
Cái tủ sách 7 ngăn của ba, thấy vậy chớ lại dần đầy, sau cái ngày bị hốt mất những cuốn sách làm trong veo hồn trẻ. Ba tôi có thói quen tháng nào cũng mua sách. Nhiều ít cũng phải có, như thể thiếu nó không được. Nói nào ngay, có những cuốn ông mua lâu rồi, nhưng cho đến lúc tôi lén lén chạm tay vô, thì nó vẫn chưa được rọc. Không biết ông đã đọc đâu đó rồi mới mua hay là không còn thời gian để đọc, chỉ thấy là cần cóp nhặt lại làm “của để dành” cho con?
Nhưng có một tủ sách khác, nhỏ hơn, và dĩ nhiên sách trong đó cũng… hấp dẫn hơn! Cái tủ sách đó ở phòng làm việc của ba. Một cái tủ nhỏ, gọn gàng có treo rèm vải ta phía bên trong cửa kiếng, in bông gì đó 5 cánh nhỏ li ti, màu hường hường, được may xếp pli rất dễ thương. Cũng trên cánh tủ đó có dán hình Phật Thích Ca, cắt ra từ cái bìa đôi của quyển Đức Phật và Phật Pháp, nên còn được gọi là tủ-ông-Phật. Má tôi nói má mua làm quà tặng ba hồi mới cưới. Khi tôi lớn, tấm rèm đó và cả tấm ảnh đã hơi hơi ố màu. Và vì nó che cái bên trong lại, nên càng khơi gợi trí tò mò của một đứa con nít… Một bữa, ba ở nhà, đang mở tủ làm gì đó mà có khách, phải ra nhà trước tiếp khách. Ngồi gần đó, tôi vội luồn ngay vô, coi….
Cái tủ có 3 ngăn. Ngăn dưới cùng to nhất là hồ sơ sổ sách, có cả cái con thỏ bằng nhựa màu đỏ đựng tiền xu tiết kiệm, và nhiều thứ giấy tờ quan trọng. Nhưng hai ngăn trên mới thu hút sự chú ý! Đó là cả một bầu trời lạ với tôi. Trong đó là mấy bộ truyện tàu bìa cứng mạ vàng: Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Đông Du, Tây Du, Phong Thần… là Vang Bóng Một Thời, là Thiền Luận, là Đắc Nhân Tâm, là Quẳng Gánh Lo đi, là nhiều cuốn sách Học Làm người, và những quyển sách về tôn giáo… mà tôi không nhớ hết. Len lén rút vội Vang Bóng (chắc vì cái tên của nó), tôi lẻn vào phòng mẹ.
Khi ngốn xong cuốn sách, tôi giật mình vì quyển sách này được rút ra từ một nơi… linh thiêng bí mật. Trả nó lại chỗ cũ không dễ chút nào so với cái tủ gỗ thông. Ba đã khóa cửa tủ và đi đâu đó rồi. Tôi tần ngần chưa biết tính sao thì nghe ba gọi ra ăn cơm. “Đừng trốn nữa, ra ăn cơm đi con!”. Bữa ăn đó ba lập nghiêm không cười khiến tôi vừa ăn vừa run. Ăn xong bữa cơm, ba biểu lên nhà trên khoanh tay lại:
-Con lấy gì trong tủ của ba?
-Dạ, sách. – Tôi run rẩy chìa cuốn sách được bọc ngoài bằng giấy kính mờ…
-Con đọc hết chưa?
-Dạ rồi.
-Giờ, con viết cho ba coi, cái gì trong cuốn đó làm con thích. Viết được, ba không phạt. Cho coi lại và mỗi tuần con được phép đọc một cuốn. Viết không được, ba không cho coi.
-Dạ.
Tôi khoái cái truyện Hương Cuội. Nguyễn Tuân tả việc tỉ mẩn rửa cuội, quấn mạch nha vào từng viên rồi xếp trong chậu thủy tiên đó, trời ơi sao nó thanh tao thú vị và gợi… thèm đến thế. Dẫu cho tới bây giờ, tôi cũng chưa sở hữu một giò lan nào khả dĩ… quấn kẹo để ướp hương được, nhưng cái hương lan thanh khiết và dáng hoa sang trọng, lộng lẫy kiêu sa thì hình dung được, hình dung được, từ thưở ấy. Rồi lại cảnh mấy ông già ngậm viên kẹo nhân đá mà uống rượu, ngâm thơ, nghe tao nhã thoát tục lạ thường. Không biết giờ có ai chơi trò uống rượu với kẹo mạch nha nhân đá mà thưởng Nguyên tiêu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét