Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

rừng gọi...

RỪNG GỌI

Nằm nghe rừng vọng tiếng rừng
Mời nhau thăm viếng đãi đằng một khi
Ừ, nghe rừng gọi mà đi...


Bữa nói phải đi rừng. Ban đầu chỉ tính đi bẻ gùi. Nhưng mà gùi hết mùa, chỉ còn một ít, mà cứng đầu, rung lắc cách gì cũng không chịu rụng. Bù lại, được hưởng nhiều thứ khác. Trên đây là hoa lành ngạnh.Cây đầy gai dưới gốc mà hoa thì mỏng manh, đẹp não nùng.



Đây là cây xay cổ thụ.. Nghe nói đến hai tháng nữa mới có trái ăn được. Giờ đang trổ hoa trắng cả góc trời.


Gùi lấp ló sau kẽ lá


Và rực rỡ mời gọi trên ngón tay...


Đây gọi là trái trường. Có người tưởng trái trường phải... dài lắm, hóa ra không phải. Tròn quay...

 Bạn có tưởng tượng ra cái gì trên thân cây này không? Lan rừng đấy. Thứ này có hoa cũng lạ lắm, mùa này chưa có.

Sim rừng
Thôi tạm vậy đi... Mai mốt rảnh sẽ khoe thêm.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

thương nhớ Gùi xưa...

Thương nhớ Gùi xưa…


            Chị bạn tôi réo: Tới liền đi, chị cho ăn thử món này, lạ và ngon lắm! Nghe cái giọng mời gọi đầy… kích thích đó, tôi tới liền.
            Chị bạn đang phấn khích: Em biết trái này không? Ngon cực kỳ nhe. Từ nào giờ chưa biết. May không thôi uổng một đời làm dân nam bộ.
            -Vậy hả? Trái gì mà chị có vẻ khoái nó dữ vậy?
            -Gùi… nè, nè… chị ướp đường, để tủ lạnh, ngon hết biết… Thử nha, thử nha…
            Chị xúc cho tôi đúng 2 muỗng canh, bỏ vô cái ly thủy tinh be bé, y như kiểu sửa soạn làm một ly nước trái cây. Tôi ngăn lại, vừa thương chị, vừa tức cười.
            -Trái gùi mà chị làm kiểu này thì… chết cha gùi, còn gì!
            -Sao? Không ngon à? Chứ để nguyên trái lâu sợ hư… mắc lắm á, chị mua có nửa ký, để dành cho em một miếng đó…
            Chị nói cái giá làm tôi hết hồn: 60.000 đồng/ký. Ngay tại xứ rừng này mà gùi có giá vậy sao? Hỏi mua ở đâu, chị nói trên đường 30/4, bữa thấy bày bán ngay trên lề đường, lạ quá nên mua.
            Tôi tức mình: để em chạy kiếm cho. Gùi mà mắc dữ vậy sao ăn? Trái rừng mà. Với lại, ăn kiểu này không còn gì là hương rừng cả.


            Trái gùi ăn ngon nhất khi vừa mới hái. Dùng tay bóp nhẹ trái, lột lớp vỏ mỏng ra, sẽ lộ lớp thịt màu vàng nhạt hoặc vàng cam, ướt át, thơm ngát, còn vấn vít những dây tơ. Một mùi thơm rất đặc trưng của gùi dậy lên mà ai lỡ nếm thử rồi thì không thể quên. Lột vỏ rồi, cứ thế mà bóp nhẹ để đưa hết phần ruột trái gùi vào miệng. Miếng gùi chạm lưỡi, vị chua thanh thanh của nó đánh thức tất cả mọi giác quan của bạn. Sau đó là cái hậu ngọt mát, hấp dẫn, khiến bạn đã ăn được một trái rồi là muốn ăn trái nữa., rồi trái nữa… Cái hương vị gùi kỳ lạ lắm. Nó thanh thanh mà ngọt ngào quyến rũ lạ lùng. Nhưng chỉ khi nào bạn bẻ đôi trái gùi ra mới cảm nhận được cái quyến rũ đó, nhất là khi cố tình ngậm miếng gùi vài giây trước khi “ực” một phát đã đời. Người nào chưa biết ăn thì lại thấy phiền: vỏ trái tiết ra nhựa trắng, dinh dính, không khéo sẽ bị dính vào môi mép, hơi khó chịu. Cũng có người không chịu được vị chua của trái nên nhả ngay từ khi mới vừa nếm thử…


            Vậy mà…
            Tôi đã chạy rông suốt một ngày trời để đi tìm thúng gùi, rổ gùi ai đó bán trên phố, mà không thể tìm ra. Ông chủ vườn quốc gia Lò Gò -  Xa mát nghe tôi than, bật cười: Đúng rồi. Giờ thì chị lên rừng may ra còn kịp chớ vài bữa nữa thì hết mùa, không còn sót lại trái nào đâu! Gùi thì chỉ chín rộ có mấy tuần thôi, bỏ qua thì ráng đợi mùa sau.
           Tôi phải lên rừng thôi… Nếu bạn có lần nào nếm thử thứ trái cây có cái tên không đẹp, bề ngoài không hấp dẫn đó mà giá bán ngang ngửa với những loại trái cây ngoại nhập trên thị trường, sẽ hiểu tại sao tôi cứ quay quắt bỏ công đi tìm kiếm để khi không gặp, lại thở dài tiếc nuối như vừa thất lạc một người tình…
           

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

cười cho đã đời

Đau lòng giấy mực, em ơi
Rảnh đâu mà cõng những lời phù vân.

Đắng cay, đau khổ, bẽ bàng
Mừng vui một độ, tan hoang mấy mùa.

Sức đâu mà lựa cho vừa
Dằn lên xóc xuống vẫn chưa thấm đời

Cũng may còn sót nụ cười
Hà hà một tiếng đã đời Vân Tiên.

Mời nghe thêm ca khúc Dòng nước mắt. Thái Hiền hát. Dạo này ưa nghe người này hát.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

câu chuyện ban trưa

CÂU CHUYỆN BAN TRƯA

Một chị sồn sồn, mặc áo đỏ, chở theo một cô gái còn nhỏ tuổi, ăn bận thiệt bảnh, chạy xe tay ga đời mới thắng cái két trước dịch vụ vi tính lúc 12 giờ trưa. Chị có vẻ nóng nảy đi nhanh vô trong, vừa đi vừa gọi nhân viên.
- Nè, ở đây có mần đơn thưa kiện không?
- Có. Mà chị muốn thưa kiện việc gì? Thưa kiện ai?
- Tui muốn thưa một vụ cướp đoạt tài sản. Bây giờ thưa ở đâu? Thưa ai, viết làm sao đây? Trời ơi sao mà tui khổ quá vầy nè trời…
- Chị bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó… chị có viết sẵn đơn để đánh máy, hay là nhờ thảo đơn kiện?
- Tui muốn nhờ cô giúp dùm đó mà sao cô nói nhiều quá vậy?
- Giờ em muốn giúp cũng không được, nếu chị nóng nảy như vậy. Giờ chị ngồi xuống ghế, bình tĩnh kể lại câu chuyện và ý định của chị, thì em mới có thể thảo đơn từ cho chị chứ.
- Thôi được rồi, cô hỏi cái gì tui nói cái nấy nhe, từ nào giờ mới thấy một người viết đơn mướn mà khó chịu như vầy!
Cách đây sáu tháng, vợ chồng chị có cho chị A (tạm gọi là như vậy) thuê một phần đất rẫy trong thời hạn 10 năm để trồng ổi, tổng số tiền thuê trong thời gian đó là 800 triệu đồng. Trong khi cò kè ngã giá thì chồng chị có buột miệng hứa với chồng chị A là sẽ cho chị A một số cây ổi giống, độ vài trăm cây, đang ương trên phần đất của cha chị, giáp ranh với mảnh đất định cho thuê, với điều kiện là chị A phải trả đủ tiền thuê đất một lần. Hai bên đồng ý thỏa thuận xong, đến ngày giao tiền thì chị A không xoay sở kịp, nên thương lượng trả làm 3 lần. Trong hợp đồng không đề cập tới vụ cho cây giống, đôi bên cũng không nhắc lại chuyện này.
Sau khi nhận tiền đợt một, chị cùng chồng về Đài Loan, cũng không nói gì với người nhà vụ giao cây giống. Nhưng ở nhà, chị A lợi dụng lúc hai vợ chồng chị đi khỏi, tới nói chuyện với cha chị, xin được chuyển số cây giống về vườn để trồng. Cha chị không nghe con gái nói gì, trong khi ông là người trực tiếp quản lý, coi sóc số cây giống đó nên từ chối không giao. Bất ý, chị A đùng đùng nổi giận, kêu người nhà tới gom hết số cây giống về, đồng thời lớn tiếng thách thức, nói là con ông đã hứa mà không giữ lời, có ngon thì kêu con ông về thưa kiện.
Ông già vốn hiền lành, thấy chuyện kỳ quá, gọi điện hỏi con. Con gái nói không, người dưng nói có. Ông thở dài nói chuyện của bây thì bây ráng mà xử chớ tao không biết tới nữa!
Giờ thì chị đã về đây. Bỏ hết công việc cho chồng, chị về “làm cho rõ trắng đen”. Chị ngồi đó, vừa nói chuyện vừa dậm chân dậm cẳng đến sốt ruột. Đứa em gái thay vì “dằn” chị xuống, lại luôn ngắt lời để kể thêm khiến cho bà chị càng nói càng đỏ mặt phừng phừng:
- Tui nói thiệt, em làm đơn đặng tui đi kiện con mẻ, nhiêu cũng được, kỳ này phải cho con mẻ đi ở tù mới được! Quá đáng lắm mà…
- Nhưng có mấy cây ổi giống, trị giá bao nhiêu tiền mà phải ở tù. Cái vụ này hòa giải được mà chị…
- Không hòa giải gì hết, ngang nhiên cướp của tui là phải ở tù, phải bồi thường theo yêu cầu của tui, từ vật chất đến tinh thần. Ở xứ người ta hả, ăn cắp một đồng cũng ở tù…
Cô gái nhỏ quơ tay múa chân nói góp theo chị.
Chừng như thấy… nhức đầu quá nên cô chủ dịch vụ viện cớ máy in hư không làm việc được, và cẩn thận chỉ tới một dịch vụ khác. Cô lập tức nhận ngay một gáo nước lạnh tạt vào mặt:
- Hay chưa? Tui từ Đài Loan lội về đây tốn biết bao nhiêu tiền chỉ vì chuyện này… Ai cũng nói dịch vụ này mần ăn uy tín nên tui tới tui nhờ… Vậy mà... Mần ăn như vầy chừng nào khá nổi. Hèn chi ngồi nãy giờ không thấy ma nào tới ráo trọi!
Nói rồi, chị ta ngoe ngoảy bước ra xe. Cô em lúc thúc bước theo.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

bất cẩn

BẤT CẨN

Em bất cẩn để buồn rơi trong mắt
Một đời hoa vương vất những bụi mờ
Anh bất cẩn để  người yêu thất lạc
Ngó chốn nào cũng thấy dấu môi xưa

Người bất cẩn nên đời đầy bất trắc
Em bất an nên bày chuyện không ngờ
Yêu dấu cũ nhếch nụ cười thất sắc.
Người dài tay níu những cơn mơ

Thôi, đã trót buông tay rời tuổi dại
Thì lớn khôn theo đen trắng cuộc đời
Ngồi chằm khíu những cơn đau nhói
Chỉ thêm đau đến hết một cuộc người.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

chuyện ở lớp học đặc biệt

CHUYỆN Ở MỘT LỚP HỌC ĐẶC BIỆT

1. Lớp có mười lăm học viên, vừa được khai giảng tại ấp Thành Tân, xã Thành Long, Châu Thành (Tây Ninh). Điểm học tại trường Tiểu học Thành Bắc. Giờ học, từ 6 giờ rưỡi chiều đến tám giờ tối. Đó là lớp học tình thương do Hội Phụ nữ xã Thành Long tổ chức cho một số ít chị em còn mù chữ trong ấp được đi học chữ, tạo điều kiện cho cuộc sống của họ tốt hơn. Mười lăm học viên, với mười lăm độ tuổi khác nhau, từ 19 đến…69 tuổi, chỉ có một ước muốn: biết chữ để cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn.
Dĩ nhiên, khi đã “ghi danh” vào lớp học đặc biệt này, thì mỗi học trò trong lớp đều có một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ đều là những người phụ nữ nghèo, làm thuê làm mướn để kiếm sống. Nhưng vì không biết chữ, kiến thức hạn chế, họ không biết tính toán như thế nào để cuộc sống tốt hơn. Vì thế, được đi học, họ mừng lắm.
Mừng hơn nữa là ở lớp học đặc biệt này, những chị em đi học đều được… phụ cấp. Mỗi học viên đều được trang bị cho một bộ sách vở bút viết đầy đủ. Chưa nói, trong suốt thời gian học, mỗi người còn được “phụ cấp” 10kg gạo mỗi tháng. Có lẽ chưa nơi đâu có cái hình thức “ép học” kỳ lạ và đầy tình người như thế. Được biết, khoản kinh phí “trợ cấp học tập” này do Hội Phụ nữ vận động một số Mạnh thường quân tài trợ.
2. Nói sáu giờ rưỡi học nhưng đến bảy giờ tối học viên mới tập trung gần đủ. Người đi làm ở tận Mộc Bài, người giúp việc nhà ngoài chợ, tranh thủ xin chủ về sớm lúc nào hay lúc đó, người đi làm mướn trên rẫy, về nhà có khi chưa kịp lua qua miếng cơm đã vội xách tập vở đi học. Họ ráo riết học vì không có thời gian, vì sợ không còn thời gian để học. Bởi việc mưu sinh hàng ngày cuốn họ đi, không phải lúc nào cũng được thong thả để có thể ngồi đánh vần ráp chữ như trẻ con. Mà yêu cầu của cuộc sống thì càng ngày càng cao.
Như chị Nữ, 30 tuổi, giúp việc cho một tiệm bán tạp hóa ngoài chợ. Thay vì có thể thay mặt chủ trông coi hàng hóa, bán buôn như một nhân viên bán hàng thì chị chỉ dừng lại ở công việc của một người giúp việc, ai sai gì làm nấy. Khách tới mua chỉ hàng tận tay, chị mới biết mà bán chứ nói tên sản phẩm thì… vô phương. Người chủ không bằng lòng, vì thương tình hoàn cảnh người giúp việc quá khó khăn mà ráng để chị phụ bán.
Như cô bé Nguyên, đã mười chín tuổi, xin đi làm xí nghiệp giày da ở Mộc Bài. Mọi thứ giấy tờ thì có người khác lo dùm để cô có thể được nhận vào làm, nhưng trong thời gian học việc, cô trầy trật lắm mới học kịp người khác vì khả năng hạn chế. Nghe nói Hội PN mở lớp, bà mẹ, cũng mù chữ, “nhường” cho con gái đi học cho biết chữ với người ta. Bà nói đời mình tới đây coi như xong, tội con mình còn trẻ quá, phải ép nó ráng học!
Lớp còn có một “lão học trò” năm nay 69 tuổi. Bà tên Huỳnh Thị Chớ. Đáng tiếc, tôi không gặp bà vì lúc tôi tới lớp thì bà đang nằm bệnh viện. Đó cũng là “lớp trưởng” của lớp, được chị em rất tín nhiệm và nể phục.

3. Lớp học chỉ dự tính mở mỗi tuần 2 buổi vào thứ bảy và chủ nhật. Nhưng học viên nài nỉ quá, bên chỉ nghỉ ngày thứ 6 để… xả hơi!
Cô giáo Nguyễn Thị Nụ, nhà tận ấp Suối Muồn (xã Thái Bình), giáo viên trường tiểu học Hoàng Lệ Kha, tình nguyện dạy học miễn phí hai ngày/tuần. Mà không chỉ vậy, cô còn vận động mạnh thường quân để “góp vốn” tài trợ cho cái lớp học đầy “tình thương mến thương” đó.
Lớp còn có một “cô giáo” khác, chính là chủ tịch Hội phụ nữ xã – Nguyễn Thị Rời. Chị là người đảm nhiệm thay cô giáo chính trong những ngày còn lại. Đây cũng chính là người đã hết lòng hết sức để mở cho được lớp học này. Trong ấp, còn có tới 30 chị em mù chữ. Tuy nhiên, không thể nào mở lớp dạy được hết một lúc, nên chị phải có kế hoạch mở lớp từng đợt một.
Gần ba tuần lễ, mọi sinh hoạt, học tập của lớp đã tương đối ổn định. Đó vừa là niềm vui, vừa là mối lo của người chủ tịch Hội phụ nữ xã: “Nhiều chị em thắc mắc sao không mở nhiều lớp khác, ở nơi khác… vì ở xã mình còn nhiều chị em không biết chữ như vậy lắm. Tuy nhiên, vì đây là ấp xa nhất, khó khăn nhất xã, nên chúng tôi ưu tiên trước. Rút kinh nghiệm, chắc chắn rồi các lớp sau này sẽ được mở ở các ấp khác, và làm tốt hơn nữa.”  - Chị Rời tâm sự. 

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

quán xưa

QUÁN XƯA

Nơi này đã lạ, đã quen
Dấu chân xưa tưởng đã mòn lối đi
Nơi này tóc xõa thơ ngây
Ai ngồi nén tiếng thở dài nghìn năm

Nơi này câu hát xa xăm
Vô tình luồn nỗi nhớ thầm từng giây
Nơi này áo lụa mờ phai
Nụ cười ai gởi cho ai ngậm ngùi
Nơi này nhìn bóng nước trôi
Giọt mưa bay cuốn nửa đời mộng du

Trưa xanh tái mặt người chờ
Cà phê không nắng ngẩn ngơ giọt buồn.

Bài ni hồi xưa lơ... năm 1990. Bị thấy có người đăng bài Quán xưa, mình... ăn theo!