Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

tạp bút


CHUYỆN… ĂN CHAY

Cô bạn, nhà ở Thị xã, nhưng cứ mỗi cuối tuần lại à ơi trên điện thoại: “Kiếm đồ chay ăn đi chị…”, xong phóng xe vô Long Hoa. Rồi, lâu lâu phát hiện quán nào mới mới, cô lại a lố à lô: “Có quán mới đó chị ơi!”…
Cô bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt. Ngày càng có nhiều người  ăn chay với nhiều lý do.
Quán chay…
Đa số quán ăn chay ở Tây Ninh là quán ăn bình dân. Với trên dưới trăm ngàn trong túi, vài ba người ăn là có thể nếm đến…no mấy món ăn chơi từ bì cuốn, chả giò, bánh ướt, cơm chiên dương châu, bún nước, bún khô, bánh canh hủ tiếu, cháo nấm rau đắng… hoặc lẩu rau, tàu hũ  tùy theo khả năng dung nạp của bao tử và sở thích của mỗi người. Nếu ăn cơm thì có nhiều món canh, xào, kho, luộc… được chế biến bằng các loại rau củ và đậu hũ. Cũng có những quán bình dân tới mức không thể…bình dân hơn. Nghĩa là, ở đó thực khách chỉ được thưởng thức một món, với giá nhiều khi không tưởng. Đứa bạn tôi từ Sài Gòn về, được mời một tô bánh canh chay nóng hổi ở cái quán trong hẻm nhỏ gần chợ Long Hoa trước khi về nhà. Khi tính tiền cô thốt lên đầy ngạc nhiên: “Sao rẻ vậy? Rẻ khó tin!”. Là vì tô bánh canh đỡ lòng ấy chỉ có giá ba ngàn đồng. Dĩ nhiên, tô bánh canh đó chỉ để lót dạ lúc lỡ đường. Muốn ăn no hơn, khách có thể kêu thêm cái bánh mì nóng giòn ăn kèm.
Nếu bạn có thể tìm thấy các quán chay bình dân rất dễ dàng ở khu vực Hòa Thành, từ quán nhỏ xíu chỉ có một hai món đặc trưng trong hẻm phục vụ khách ăn sáng hoặc ăn tối đến những quán ăn bán từ 6 giờ sáng tới chín giờ đêm, tập trung quanh khu vực trung tâm Hòa Thành, lúc nào cũng đông khách; thì ở Thị xã, số quán chay chỉ đếm được trên đầu ngón tay, tọa lạc trên trục đường Nguyễn Thái Học. Duy chỉ có một quán chay lớn, bán thường trực trong hẻm đường CMT8, đối diện Sở Công an là luôn có khách đông, còn lại thì chỉ lai rai.
Tiệc chay
          Một nét đặc trưng ở Tây Ninh là có rất nhiều tiệc chay. Đám giỗ, đám cưới mà đặt tiệc chay là bình thường. Món chay ở các quán quanh đi quẩn lại cũng từng ấy món, nhưng tiệc thì hầu như mỗi năm mỗi khác, có thể thay đổi theo sở thích của chủ nhà hay “xì tai” của thợ. Cách đây vài mươi năm, đám giỗ chay thường chỉ có mấy món đơn giản, đi đám nhà nào cũng như… nhà mình, giống nhau như cùng một bếp. Nhưng giờ đã khác. Một bàn tiệc chay thịnh soạn không khác gì… tiệc mặn: cá hấp, gà chiên, heo quay, súp cua, cháo gà, gỏi vịt, lẩu… hải sản. Khách ăn không sành lắm nếu chỉ “ăn” bằng mắt sẽ rất dễ bị nhầm lẫn. Bên cạnh đó còn vô số thức đi kèm được “biến tấu” tùy theo túi tiền của chủ nhân và tay nghề phong phú của thợ nấu. Thợ bây giờ cũng ít vất vả do có những nguyên liệu được làm sẵn như “thịt bò”, “thịt gà”, “cá”, “tôm”, trứng… được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, trông rất bắt mắt, chỉ việc mua về ướp gia vị rồi chế biến.
Có lần, được mời đi đám giỗ chay ở nhà một đồng nghiệp, cô bạn trẻ xứ khác về làm dâu đất Tây Ninh đã mắt tròn mắt dẹt khi thưởng thức món bánh hỏi thịt quay và món cháo gỏi vịt. Cô hít hà: “Thật tuyệt. Nếu không nói em cứ tưởng là được ăn thịt thật chứ, từ hình ảnh đến hương vị không khác gì…”. Một bàn tiệc chay có giá dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, tùy món nhiều hay ít. Những dịch vụ nấu ăn ở tỉnh nhà hiện nay đều có thể đáp ứng tốt yêu cầu nấu tiệc chay mọi lúc mọi nơi.
          Xanh, sạch, bổ dưỡng
          Có một điểm chung của những người kinh doanh quán chay tương đối lớn và những dịch vụ nấu tiệc chay ở Tây Ninh, là cố gắng nêm nếm sao cho ngon và chế biến cho giống… thức ăn mặn, giống chừng nào tốt chừng nấy, nhằm thu hút khách ăn chay, như một cách… định hướng khẩu vị, thật không ổn chút nào. Khách ăn chay, ngoài thị phần khách bình dân, chọn thức ăn giá rẻ cốt để no lòng, còn một bộ phận khác, ăn chay như một cách thay đổi khẩu vị, một cách để làm “nhẹ” cái bao tử vốn quá mệt với rượu thịt, ăn như một kiểu ăn kiêng, để chữa bệnh hoặc đơn giản như một cách trở về với thiên nhiên… Nhưng luôn bị “cưỡng bức ăn” bởi những thứ thịt cá “giả”. Họ không biết món ăn được xử lý nhiều chừng nào, độ tinh khiết và bổ dưỡng của thực phẩm chay càng bị thất thoát nhiều chừng nấy. Đó là chưa kể, những thực phẩm tươi sống vốn phải được chế biến “nhẹ nhàng” thì được nấu nhiều quá, chiên nhiều quá… đến  mức không còn nguyên màu sắc hấp dẫn của món ăn nữa, nói gì tới vitamin và khoáng chất.
          Đôi khi, ngồi với bạn ở một quán chay yên tĩnh, nhẹ nhàng ở Sài Gòn hay dự một tiệc buffet chay với những màu sắc tươi tắn của những món chế biến bằng rau củ, tôi lại ao ước phải chi nơi mình ở cũng có một quán chay tương tự. Đôi khi, ngồi trong những quán cà phê sang trọng với hồ nước, chậu kiểng, cây cối chung quanh, tôi lại nghĩ đến một quán ăn rộng rãi, giản dị, sạch sẽ giữa một vườn rau trái xanh tươi không cần hóa chất bảo quản. Khi cần, chỉ bước ra trước hiên nhà là có thể có được những món rau mình thích để nhờ đầu bếp chế biến.  Có được một nơi để thưởng thức hương vị cuộc sống thông qua bữa ăn, thay vì để ăn cho… đầy bụng như thế, tôi nghĩ cũng không quá khó.
         
SÔNG GẤM
Theo Thạc sĩ – bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, nếu khéo léo cân đối các thành phần dưỡng chất qua việc lựa chọn, kết hợp và chế biến thực phẩm thích hợp, thì việc ăn chay không liên tục (3 – 6 tháng mỗi năm hoặc 10 ngày mỗi tháng) thật sự là một chế độ ăn rất tốt cho sức khỏe con người. Bác sĩ cũng khuyến cáo cần ăn đa dạng thực phẩm, kết hợp rau, đậu, hạt, củ, trái cây và ngũ cốc, không dùng thường xuyên những loại thực phẩm chay công nghiệp vì đây là loại thực phẩm được xử lý qua nhiều công đoạn nên chất dinh dưỡng bị thất thoát khá nhiều.

2 nhận xét:

  1. Nặc danh06:01:00

    Ăn chay thế này cũng chỉn chu và cầu kỳ lắm đấy ạ!
    Sẽ rất ngon khi ai ăn chay mà đã đọc bài này của Bạn!
    Chào bạn , một ngày vui trọn vẹn bạn nhé!
    Sỏi cũng vài lần viết ăn chay nhưng không giống bạn hi hi hi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Sỏi. bạn Sỏi xưa kia ở làng Blog Yahoo phải không ạ?
      Cám ơn bạn quan tâm đến bài viết này. Ngày vui bạn nhé.

      Xóa