Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

bói đầu năm


QUẺ BÓI ĐẦU NĂM
Tết.
Hoa ngoài sân vàng rực. Lửa trong bếp bập bùng. Mùi lửa củi quyện với mùi lá, bánh… trong nồi bánh tết, làm đám trẻ con rạo rực và nao lòng người lớn.
Năm nào cũng vậy, sau chuyện tất bật dọn dẹp, rộn ràng mua sắm… cho cả nhà, tôi bắt đầu dọn dẹp “nội thất” trong phòng làm việc của mình trước giờ giao thừa. Đó là sắp xếp những cuốn sách trong tủ sách gia đình, quét dọn bụi bặm, đốt một ít nhang thơm xông vào để tẩy bớt mùi ẩm mốc. Công việc dọn tủ sách chiếm của tôi khá nhiều thời gian. Bởi lẽ đơn giản là quyển sách nào khi mở ra cũng gợi cho tôi một trời kỷ niệm, vậy là mở ra đọc…
Có một quyển sổ nằm lẫn trong chồng sách cũ. Có lẽ lúc dọn dẹp, tôi đã nhầm tưởng nó là một cuốn sách. Đó là cuốn sổ ghi chép của ba tôi. Cuốn sổ bìa cứng có hoa văn da rắn 400 trang, giấy kẻ ca rô thật nhỏ, đã ố vàng. Lật ra vài trang, lòng tôi thốt nhiên rúng động.
            Đó là những trang ghi chép ngày sanh tháng đẻ của chị em tôi. Là những dòng tử vi ngắn gọn đoán tiền căn hậu vận, những trang ghi chép nợ nần và ngày giờ trả dứt, thậm chí là bản nháp của một tờ thư. Chiếm nhiều trang nhất là những trang bói bài tây – những trang bói bài ghi không hết giấy với chi chít vết gạch xanh đỏ, vậy mà gợi lên nỗi nhớ ba tôi khôn xiết. Đó là những trang ghi lại quẻ bói đầu năm.
            Ba tôi có một bộ bài tây rất đẹp, cất trong một cái hộp nhựa mỏng. Ông dùng bộ bài đó để… bói bài vào đêm trừ tịch hay trước những sự kiện quan trọng, rồi sau đó xếp vào  ngăn tủ.
            Đêm giao thừa, cúng kiếng xong là ba tôi ngồi ngay bàn giữa, vẫn còn nguyên khăn đóng áo dài, lũ chúng tôi đứng xúm xít mừng tuổi. (Mà ngộ, trong ký ức của tôi, chưa bao giờ tôi nhận ở ba một phong bao lì xì. Con cháu trong nhà cũng vậy. Phần lì xì là của má tôi). Xong màn xúm xít vui vẻ đó, ông hối má tôi cho mấy đứa nhỏ đi ngủ để mai dậy thiệt sớm đi lễ chùa, coi múa lân. Còn ông thì dẹp trà bánh qua một bên, mở tủ lấy ra hộp bài tây. Cũng rất thận trọng như trước khi làm lễ cúng gia tiên, ông mở hộp bài rồi chậm rãi kinh bài… rồi vừa lật từng lá, vừa đăm chiêu suy nghĩ. Tôi và thằng em trai ngồi chầu hẫu gần đó, cũng nín thở coi dù… không biết gì hết. Đợi chừng hơn nửa tiếng, ba xong việc coi quẻ bài và biên chép vô cuốn sổ, chúng tôi mới háo hức sà xuống: “Ba bói cho tụi con một quẻ đi ba!”. Và ba cũng “xủ quẻ” đầu năm cho chúng tôi, sau khi bắt quỳ lạy trước bàn thờ, thành tâm… xin quẻ! Xong, người mới phán những câu đúng như… thánh phán, về những chuyện sẽ gặp phải, những khuyết điểm cần sửa chữa. Dĩ nhiên là… chung chung thôi mà chúng tôi cứ mắt tròn mắt dẹt ngồi nghe! Có biết đâu, như má tôi hay nói “Tao đẻ ra tụi bây, tính nết mỗi đứa thế nào, tao còn lạ gì…”, huống hồ, ba tôi cũng yêu con hơn cả thân mình!
            Chuyện bói đầu năm chỉ có vậy, nhưng chúng tôi rất sợ năm nào ba bói cho quẻ xấu, vì coi như cả năm đó công lao… phấn đấu đi đứt hết! Nên cuối năm là bảo nhau ráng làm người tốt kẻo xui cả năm.
Cái hình ảnh đó nó quen thuộc đến mức sau này, tối giao thừa cúng xong mà không còn thấy ba ngồi tẩn mẩn làm một quẻ bói đầu năm, thì coi như cái tết đó mất đi một phần ý nghĩa.
            Mà, đã mười mấy năm rồi, chúng tôi mất đi cái phần hồn phách đêm giao thừa đó… Bởi vậy nén nhang trầm mỗi độ cuối năm, cho dù cố công mua loại tốt, cũng chừng như bớt thơm đi mấy phần.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét