Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

trò chuyện cuối năm

Bài đăng báo Xuân
MỘT MỸ UYÊN KHÁC MÀ TÔI BIẾT…


 MƯỜI BẢY NĂM THEO NGHỆ THUẬT, VỚI ĐỦ LOẠI VAI DIỄN TRÊN SÂN KHẤU KỊCH, TRÊN PHIM TRUYỆN, PHIM TRUYỀN HÌNH. CÓ LÚC TƯỞNG ĐÃ ÊM ẤM TRONG HẠNH PHÚC NGẤT TRỜI, AN LÀNH TRONG SỰ ĐỦ ĐẦY VỀ KINH TẾ, VÀ KIÊU HÃNH VÌ ĐÃ NỔI TIẾNG TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT. NHƯNG NGƯỜI CON GÁI ĐẤT TÂY NINH ĐÓ, CHO TỚI GIỜ, VẪN LÀ MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ YẾU ĐUỐI, TRONG VAI KỊCH ĐA CHIỀU CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH…
          Cuối năm, tất bật với lịch tập lịch diễn và rất nhiều chuyện bận rộn “bếp núc” do đã trở thành… nhà quản lý (cô vừa được đề bạt làm Phó giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B từ hồi cuối tháng 10/2010), vì vậy mà gọi điện cho Mỹ Uyên thật khó. Nhưng rồi chúng tôi đã có một buổi trò chuyện nho nhỏ, ngay canteen của Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần), trong lành lạnh hơi sương hiếm hoi của ngày đông Sài Gòn. Mỹ Uyên vui khi gặp lại tôi. Nhưng trông cô có đôi chút nôn nóng bởi lẽ còn quá nhiều công việc đang đợi phía trước. Uyên nói mới vừa đóng xong 2 phim Tình CacaoTiếng tơ đồng. Xong phim là tổ chức tập, diễn, còn phải lo đủ chuyện ở nhà hát, dịp cuối năm. Tôi thấy hết nhưng vẫn cố gắng dẫn mạch chuyện thật chậm, để  ít ra, cô con gái đất Tây Ninh cũng có được những giây phút thảnh thơi nơi xứ người mà nhớ về những ngày Xuân cũ.

          Tuổi thơ Mỹ Uyên đầm ấm trong căn nhà của ngoại ở “ngay nhà lồng chợ Thương Binh á chị. Mà chị biết chợ Thương Binh không?”. Uyên cười con mắt có đuôi: “Hồi nhỏ em thích nhất là được mặc áo đầm mới đó chị. Mê lắm!” Tết hồi nhỏ của Mỹ Uyên đồng nghĩa với việc được ăn bánh trái thả ga, được lì xì nhưng thích nhất vẫn là chiếc áo mới do mẹ hay các dì mua cho. Tết là được mấy dì dẫn vô Tòa Thánh… chụp hình, đi loanh quanh ngắm người qua kẻ lại rồi về. Những năm sau, lớn hơn một chút thì được dẫn đi chơi xa hơn: chụp hình ở… Sở Thú(!) Nhưng hồi đó, dưới góc nhìn của một đứa con nít bị buộc phải học hành cho đàng hoàng thì bấy nhiêu đó cũng là hạnh phúc lớn lao. Lớn lên một chút, tết cực thêm một chút. Cuối năm ngoại bày gói bánh. Bánh tét, bánh ú, bánh ít… thôi thôi đủ thứ. "Em còn nghĩ làm sao có thể ăn cho hết từng đó bánh trong mấy ngày tết, mà rồi bánh cũng hết!"
          -Uyên biết gói bánh không?
          -Có chớ chị. Bánh ú bánh ít, bánh gì cũng biết gói. Ngoại dạy mà không làm theo được, bà quở…
          -Giờ còn gói được không?
          -Được chớ chị. Chỉ có điều không có dịp gói thôi.
          Mà cũng phải. Những cái tết đầu tiên đi học xa nhà, cô còn háo hức trở về để phụ ngoại lau lá, gói bánh. Ngồi canh nồi bánh tết trong khu chợ chật như nêm người đi chợ tết cuối năm, bận rộn mà vui. Nhưng cũng chỉ được có 5,6 cái tết như thế. Bà ngoại mất, rồi mẹ mất. Hai người thân nhất lìa xa Mỹ Uyên trong 2 năm liên tiếp, khiến những chuyến về quê dịp Tết của cô trở thành chuyến hành hương về thăm lại mộ phần của ruột thịt mình. Nhiều năm trước, cái hình ảnh cô diễn viên mảnh mai phóng xe vù vù trong chiều ba mươi tết, để kịp về thắp cho mẹ nén hương ngoài mộ, đã làm không chỉ mình tôi cay mắt.
Những cái tết sau này, tuy Uyên vẫn về quê thăm nhà mỗi cuối năm, nhưng đã bớt ngậm ngùi. Buồn đau đã nguôi ngoai, ngọn lửa bếp bánh đêm ba mươi giờ đây cũng không còn khiến cô không phải rưng rưng nhớ những cũ xưa vào dịp tết. Nhưng cứ tết đến, là cô thấy như cô đơn hơn một chút. Những người trạc tuổi cô, hầu hết, đã có gia đình, con cái đủ đầy và còn lăm le lên chức… ông bà. Vậy mà cô vẫn một mình.
          Uyên có vẻ bản lĩnh lắm, khi nói về chuyện tình cảm. Cô giải thích, suy cho cùng chuyện tình yêu, hạnh phúc là duyên phận trời cho. Cô từng có một tình yêu đẹp, đẹp lắm. Nhưng người yêu cô không đủ kiên nhẫn để sống với một người vợ hết “bay” show này đến “lạng” show khác không hở việc. Rồi, một tình yêu khác, lại không tin rằng người của công chúng kia sẽ “là riêng của mình”, nên rồi lại  chia tay. Cô nói không muốn nhắc thêm chuyện này nữa vì cuối năm ai lại nhắc chuyện buồn chi, mà nó cũng mới rợi đây thôi…
Nhưng, cái bản lĩnh đó vẫn không che khuất nỗi buồn ẩn hiện kín đáo trong khóe mắt, làn môi và cái giọng nhẹ như không mà đau đến chết người: “Nhiều bữa, diễn xong đi ăn khuya với mấy đồng nghiệp nam, sau khi tính tiền cả đám đứng lên bye nhau ra về, em bỗng tự hỏi ủa sao không có tên đàn ông nào có ý muốn đưa mình về nhỉ, dù trời khuya lắm rồi…”
          Có lẽ, cái tính cách quá thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng, độc lập và quyết đoán của Mỹ Uyên đã ngăn cản đàn ông đến với cô với tư cách một người yêu đầy mạnh mẽ, đủ sức che chở cho cô người yêu bé nhỏ mong manh. Bởi vì, Uyên chỉ có vẻ mong manh chứ thật sự không phải thế.
Nhưng đó là với người.
          Đối diện với mình, Mỹ Uyên vẫn là người đàn bà yếu đuối. Người đàn bà đó vẫn khao khát một tình yêu đích thực, của mình, riêng mình. Vẫn lặng lẽ chăm sóc cho gia đình của đứa em gái duy nhất, vẫn cứ lặng lẽ, mỗi cuối năm, lại rủ bạn bè góp nhau ít tiền vào thăm những đứa trẻ mồ côi trong một ngôi chùa ở Gò Vấp, đi bằng cửa hậu để khỏi ai đón tiếp mình, hoặc đi dọc phố đêm, tặng chút ít tiền cho những người mà trong thời khắc lẽ ra phải vui vầy với gia đình, họ vẫn còn lang thang vô định…    
          Nỗi cô đơn của Uyên, vì thế, có vẻ đẹp riêng của nó, lấp lánh nét kiêu hãnh khó ai có được.
MỸ QUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét