Cô Năm mất. Lúc năm giờ chiều hôm qua. Rất tự nhiên, cái hành trình về với đất của cô có vẻ nhẹ nhàng và không định trước. Mọi người nói lại: sau khi đi cưa củi cùng với dượng (nên biết, cô là một bà già 76 tuổi rồi nha!) cô đi tắm. Khi bước ra, cô kêu lạnh quá và quỵ xuống trước cửa nhà tắm. Một người con tình cờ bắt gặp, đã đỡ cô dậy đưa vào nhà. Và cô đi ngay sau khi được con cái đưa lên giường, xoa dầu nóng. Nhẹ nhàng và yên tĩnh như thế.
Cô là người con gái thứ tư của ông bà Nội. Kêu theo kiểu miền Nam, thì gọi thứ Năm, chắc vì lẽ kêu theo người con đầu là thứ hai rồi tới thứ ba thứ tư thứ năm... Ba tôi là người con thứ tám. Bà Nội tôi mất sớm, lúc ba tôi mới bảy tuổi, và chú Út mới lọt lòng không lâu. Thì đây là người đã thay bà nội lo chăm bẵm cho ba tôi từ những ngày còn tóc chỏm mặc quần cụt đi học trường làng đó. Đây cũng là người con gái tuy lấy chồng gần nhưng không thể thường xuyên có mặt chăm sóc cha già nên hết lòng yêu thương các cô em dâu, nhất là mẹ tôi - vì cô em dâu này ở chung với cha mình, sẽ là người chăm sóc cho cha mình suốt quãng đời còn lại. Bà là người dạy mẹ tôi tập sảy tập sàng (gạo), nhưng lại thường giành hết công chuyện nhà cho "mợ Tám" mỗi khi có thể, để lo chuyện đi dạy học. (Mẹ tôi ngày trước là giáo viên, dạy cả hai bậc trung học (tư thục) và tiểu học (công lập), đi cả ngày). Những ngày đầu về nhà chồng, mẹ nói cảm thấy được an ủi rất nhiều vì có bà chị chồng hiền như đất, cái gì cũng dạy, ăn miếng gì cũng để dành cho. Những tính ăn nết ở trong nhà của từng người, cũng do người chị này truyền lại, để em dâu khỏi bỡ ngỡ trong một gia đình mới hầu như không có người phụ nữ, chỉ có một ông già và 3 gã thanh niên. Cũng nói thêm, bác tôi lúc đó cũng lập gia đình và có con, nhưng khi ba tôi cưới vợ ít lâu, ông xin ra riêng.
Cô Năm không biết chữ, nhưng lại thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, đặc biệt là thuộc kinh Phật, kinh Cao Đài, kinh... Ông Địa, đặc biệt là bà thuộc cuốn Nữ Trung Tùng Phận như cháo, và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Có lẽ vì thế, cuộc đời bà dẫu quá cực khổ, nhưng hầu như ít khi có sóng to gió lớn? Bà sống rất thanh thản, an nhiên trước mọi nỗi đời. Tôi chưa nghe bà rầy la hay phiền hà con cái bao giờ, dù lúc nhỏ ở gần nhà bà, đi học về vẫn hay lủi qua ăn ké miếng khoai mì luộc trước khi về nhà, hay sau này, dù nghe mấy đứa con bà dính vô những chuyện trái ý. Chúng tôi vẫn thường được bà nhắc nhở cách ăn ở xử sự ở đời bằng những câu chữ mà bà đã học theo kiểu truyền khẩu đó. Nhắc khơi khơi vậy, bằng cái giọng hiền queo, đều đều như tụng kinh, chứ cô chưa hề quở trách bao giờ dù biết con hay cháu mình đang có lỗi. Sau này, khi chị em tôi có con cái, những đứa nhỏ vẫn khoái ngồi nghe bà Năm rề rà kể chuyện xưa tích cũ mỗi khi có dịp về chơi. Đứa con gái tôi có vẻ hụt hẫng nhất khi nghe bà mất. Nó nói thôi rồi, từ nay sẽ không còn gặp bà Năm mỗi khi bà về đám giỗ...
Có lẽ cần phải nói thêm: đây là một trong những người đàn bà mà tôi yêu quý trong cuộc đời này. Có lẽ, vì đây là người đàn bà đã từng rất yêu quý mẹ tôi chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét