Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

hoa kiểng quê mùa

HOA KIỂNG QUÊ MÙA

Mấy ngày nay, công chuyện bận rộn, nhưng như đã nói ở entry trước, vẫn cứ thích ra đường. Và, "tha" một mớ hình ảnh về đây...
Mời bà con thưởng ngoạn hoa kiểng quê mùa.

Gánh hoa góc phố





những trái bầu hồ lô, tưởng chỉ nằm ở vườn nhà, nay cũng theo hoa lên phố tết


Nhưng kỳ thật chỉ thấy bông hoa đồng nội này đẹp nhất thui!


Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

trong xao xác gió mùa...

TRONG XAO XÁC GIÓ MÙA

Những cuối năm, buổi chiều mình cứ hay la cà ngoài đường, khi bằng xe gắn máy khi bằng xe đạp. Không tha cái này về cũng tha cái khác về. Nhiều năm trước thì hay "tha" củ kiệu, cải xanh về cho ngoại mấy nhỏ làm dưa chua. Củ kiệu nguyên bó, có cả lá,  mang về cắt lá muối chua với lá cải xanh, giá sống, ăn lai rai trước. Vài năm sau đó thì tự tay mình làm ba món tết nhất đó, dù ở Sài Gòn, cũng khoái tẳn mẳn làm dưa làm củ cải làm mứt này mứt khác rồi tới tết "vác" về nhà. Đơn giản là những ngày cuối năm, giãn việc, lương thì chưa có nên có muốn về nhà sớm cũng không được. Thế là bày ra làm, rủ cô bé nhà cạnh bên, vốn là dân miền Trung vô SG làm công nhân, cùng làm cho vui. Thế là có vài năm, mẹ cô bé thấy con gái mình sao đảm đang quá mạng, từ Sài gòn mà quảy về tận... Quảng Nam nào là dưa muối nào là dưa tai heo củ kiệu tôm khô... tá lả. Đâu có biết là những ngày cuối năm, tiền thì ít, phố xá thì quá chừng mời gọi, nếu ra đường thì biết bao nhiêu tiền tiêu cho đủ! Trong con mắt của những đứa con gái nghèo xa quê, dành dụm mãi đến cuối năm, hễ có đồng nào là cứ muốn mua sắm hết mang về nhà. Nhưng nếu vậy coi chừng không còn tiền vào lại. Thôi ở nhà lặt kiệu coi tivi mà chờ ngày lên tàu, lại được tiếng con ngoan.


Nhưng có những hôm chỉ xách xe đi rong mà không tha về nhà gì cả. Nếu ở thành phố, những ngày này đi ngang con đường NKKN, trước dinh Thống Nhất, hay một vài con đường có cây sao cây dầu hay thậm chí nhiều cây cối một chút, đã nghe trong gió có cái mùi-cuối-năm, mùi-Tết. Cái mùi nó lạ lắm. Đó là mùi lá non, mùi bông xoài bông mận, mùi nhựa cây, hòa quyện với cái khô hanh của gió, trộn với những thứ mùi bánh mứt ngọt ngào đâu đó chợt đưa qua, cứ xợt ngang qua là thấy ruột gan đánh lô tô, có khi một hai hàng nước mắt lén lén bò ra thật nhanh không kịp cản, chẳng vì lẽ gì. Còn nếu ở quê nhà, cứ đạp xe tà tà ra thị xã, chạy dọc theo hai bờ kè rạch Tây Ninh mà coi họ sửa soạn chợ hoa và rộn ràng người đi thưởng hoa.

Nói chợ hoa, lại nhớ, năm nào mình với M.L cũng xuống đó, chơi đã xong đợi tới chiều 29 tết hay thậm chí 30 tết mới mua mấy cành mai cắt vội chiều đó, đã được thui cành kỹ lưỡng, về chưng độc bình. Chắc chắn hoa sẽ nở đúng giao thừa, vì ngó nụ rồi mới mua. Với lại, đi chợ hoa chiều ba mươi cũng có cái thú riêng. Cái thứ nhất là mua được... hoa rẻ, vì ai cũng muốn bán cho xong đặng dẹp về lo cúng giao thừa. Những chậu hoa đã xộc xệch, có khi mua một được tặng hai ba, nhưng mớ tiền vét cuối năm có khi an ủi chủ hoa nhiều lắm.

Những người bán cành mai cũng vậy. Có thấy những em bé, những chị những bà chiều tối ba mươi mà còn ôm những cành hoa xơ xác, mắt níu chân những người đi đường với những hy vọng người sẽ rước hoa, để may ra có thêm tiền để mua cho con cháu ở nhà gói kẹo... cái ánh mắt day dứt quá chừng quá đỗi, mới thấy xót lòng trước một cành hoa-ba-mươi! Có những năm, biết trong nhà đã tạm ổn hết mọi thứ, mà vẫn cứ thích đi chợ hoa. Mấy chậu hoa mai nở sớm của Đá, cũng từ những buổi chợ vét mót này... Thấy người ta bắt đầu xếp hàng chở chúng về mà tội nghiệp!
Sau 8 giờ tối ngày 30 tết, chợ hoa đã tan tác. Những chậu hoa tàn nằm ven sông nghẹn ngào đón giao thừa trong sương lạnh, ngoài bãi rác, trong khi những đồng bạn của mình vì may mắn được rước đi trước đó, đang khoe sắc trong tiếng nhạc, ánh đèn, trong hương trầm của một ngôi nhà sang, hèn nào đó! Thôi cũng là một kiếp hoa! Ngẫm lại đời người, thấy cũng không khác chi mấy!

Buổi chiều nay, ngồi cà phê với ML ở một quán ven thị xã, tần ngần nhớ một người,  tự nhiên buồn và tự nhiên trống trải...

hình mấy thứ đồ đá trong sân nhà Đá

Nhưng mà, tự xưa giờ, có cái tết nào mình không trống trải, hả Đá?
Ai biểu làm Đá mà chi!

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

bói đầu năm


QUẺ BÓI ĐẦU NĂM
Tết.
Hoa ngoài sân vàng rực. Lửa trong bếp bập bùng. Mùi lửa củi quyện với mùi lá, bánh… trong nồi bánh tết, làm đám trẻ con rạo rực và nao lòng người lớn.
Năm nào cũng vậy, sau chuyện tất bật dọn dẹp, rộn ràng mua sắm… cho cả nhà, tôi bắt đầu dọn dẹp “nội thất” trong phòng làm việc của mình trước giờ giao thừa. Đó là sắp xếp những cuốn sách trong tủ sách gia đình, quét dọn bụi bặm, đốt một ít nhang thơm xông vào để tẩy bớt mùi ẩm mốc. Công việc dọn tủ sách chiếm của tôi khá nhiều thời gian. Bởi lẽ đơn giản là quyển sách nào khi mở ra cũng gợi cho tôi một trời kỷ niệm, vậy là mở ra đọc…
Có một quyển sổ nằm lẫn trong chồng sách cũ. Có lẽ lúc dọn dẹp, tôi đã nhầm tưởng nó là một cuốn sách. Đó là cuốn sổ ghi chép của ba tôi. Cuốn sổ bìa cứng có hoa văn da rắn 400 trang, giấy kẻ ca rô thật nhỏ, đã ố vàng. Lật ra vài trang, lòng tôi thốt nhiên rúng động.
            Đó là những trang ghi chép ngày sanh tháng đẻ của chị em tôi. Là những dòng tử vi ngắn gọn đoán tiền căn hậu vận, những trang ghi chép nợ nần và ngày giờ trả dứt, thậm chí là bản nháp của một tờ thư. Chiếm nhiều trang nhất là những trang bói bài tây – những trang bói bài ghi không hết giấy với chi chít vết gạch xanh đỏ, vậy mà gợi lên nỗi nhớ ba tôi khôn xiết. Đó là những trang ghi lại quẻ bói đầu năm.
            Ba tôi có một bộ bài tây rất đẹp, cất trong một cái hộp nhựa mỏng. Ông dùng bộ bài đó để… bói bài vào đêm trừ tịch hay trước những sự kiện quan trọng, rồi sau đó xếp vào  ngăn tủ.
            Đêm giao thừa, cúng kiếng xong là ba tôi ngồi ngay bàn giữa, vẫn còn nguyên khăn đóng áo dài, lũ chúng tôi đứng xúm xít mừng tuổi. (Mà ngộ, trong ký ức của tôi, chưa bao giờ tôi nhận ở ba một phong bao lì xì. Con cháu trong nhà cũng vậy. Phần lì xì là của má tôi). Xong màn xúm xít vui vẻ đó, ông hối má tôi cho mấy đứa nhỏ đi ngủ để mai dậy thiệt sớm đi lễ chùa, coi múa lân. Còn ông thì dẹp trà bánh qua một bên, mở tủ lấy ra hộp bài tây. Cũng rất thận trọng như trước khi làm lễ cúng gia tiên, ông mở hộp bài rồi chậm rãi kinh bài… rồi vừa lật từng lá, vừa đăm chiêu suy nghĩ. Tôi và thằng em trai ngồi chầu hẫu gần đó, cũng nín thở coi dù… không biết gì hết. Đợi chừng hơn nửa tiếng, ba xong việc coi quẻ bài và biên chép vô cuốn sổ, chúng tôi mới háo hức sà xuống: “Ba bói cho tụi con một quẻ đi ba!”. Và ba cũng “xủ quẻ” đầu năm cho chúng tôi, sau khi bắt quỳ lạy trước bàn thờ, thành tâm… xin quẻ! Xong, người mới phán những câu đúng như… thánh phán, về những chuyện sẽ gặp phải, những khuyết điểm cần sửa chữa. Dĩ nhiên là… chung chung thôi mà chúng tôi cứ mắt tròn mắt dẹt ngồi nghe! Có biết đâu, như má tôi hay nói “Tao đẻ ra tụi bây, tính nết mỗi đứa thế nào, tao còn lạ gì…”, huống hồ, ba tôi cũng yêu con hơn cả thân mình!
            Chuyện bói đầu năm chỉ có vậy, nhưng chúng tôi rất sợ năm nào ba bói cho quẻ xấu, vì coi như cả năm đó công lao… phấn đấu đi đứt hết! Nên cuối năm là bảo nhau ráng làm người tốt kẻo xui cả năm.
Cái hình ảnh đó nó quen thuộc đến mức sau này, tối giao thừa cúng xong mà không còn thấy ba ngồi tẩn mẩn làm một quẻ bói đầu năm, thì coi như cái tết đó mất đi một phần ý nghĩa.
            Mà, đã mười mấy năm rồi, chúng tôi mất đi cái phần hồn phách đêm giao thừa đó… Bởi vậy nén nhang trầm mỗi độ cuối năm, cho dù cố công mua loại tốt, cũng chừng như bớt thơm đi mấy phần.



tản mạn về một anh mèo


TẢN MẠN VỀ MỘT… ANH MÈO
 (Rinh từ nhà Plus dìa đây, có sửa chữa bổ sung, nhân cuộc nói chuyện sáng nay với Vua Lì)

Ngồi ăn sáng, mà nghe tiếng chàng rên khe khẽ trong một góc nhà. Nhóc chạy kiếm cùng hết mà không thấy. Mình cứ nghe văng vẳng chỗ cái tủ bếp, bèn kéo hộc tủ ra. Chàng nằm khoanh trong đó, nhỏ xíu, thảm thương. Không biết bị mẹ bỏ hay là vì mải đuổi theo một chú chuột nhắt tí hon rồi lạc vô cái "hom" đó không ra được.
            Lấy cho chàng miếng vụn bánh mì. Chàng thè cái lưỡi nhỏ xíu đo đỏ ra, hiếng mắt nhìn như kiểm tra thành ý của chủ nhà trước khi quyết định xực một phát ngấu nghiến. Ăn xong bữa sáng, chàng uốn mình nhảy phóc ra ngoài, hậm hự rượt đuổi đám thằn lằn trên vách, đám muỗi sau hè. Rồi lại quay vào ngoao ngoao như báo công. Tự nhiên thấy mắc cười.
Chị Út nói: "Mèo vô nhà thì khó..." đuổi nó đi!"
            Ơ hay, mắc chi đuổi? Có điều cũng bồng đi giáp xóm hỏi có nhà ai thất lạc chú mèo này hông? Ai cũng lắc đầu.
            Chàng đương nhiên ở lại.
            Và vì chàng còn nhỏ xíu, lại còm nhom, nên bé Hai nhà mình đặt tên là Nhom! Mỗi lần gọi cứ phải chúm chím cái mỏ, thấy ghét!
            Thế là chàng đương nhiên hóa giải lời nguyền của mình là không thèm nuôi con gì trong nhà hết!
            Kệ, thấy chàng giống con nít nhỏ, mà con nít nhỏ, đứa nào cũng dễ cưng. Hơn nữa, trong lòng mình còn tội nghiệp chàng: biết đâu chàng bị ông bà chủ của mẹ chàng vứt ra cửa sổ, vì trên mình còn thấy dấu bầm qua lớp lông vàng...
            Thôi, có duyên thì ở lại cùng nhau.
Vậy đó mà rồi cũng ở chơi với nhau mấy tháng. Có chàng, tự nhiên nghe im re tiếng chuột, tối ngủ yên không nghe chúng lích rích phá bĩnh và nhất là không con nào dám trèo vào cái máy photocopy của mình mà gây rối nội bộ như trước.
Dĩ nhiên, chàng nay đã ra dáng... thanh niên hơn tí xíu, và biết đòi ăn cá. Mỗi khi thằng nhóc lén lút nhường cho một miếng, chàng mừng hết biết, lăn xả vào táp nuốt và sau đó gừ gừ ngoẹo đầu cạ vào chân nhóc, như cám ơn. Chỉ mệt cái là phải đi tắm gội cho chàng, không thôi tối chàng nhõng nhẽo đòi ngủ chung thì... tanh cá chịu hông nổi!

 chàng xưa nè, nhỏ xíu thấy thương


chàng nay nè, mắt nhìn... gian dễ sợ, nhưng vẫn dễ thương!

Câu chuyện về một chú mèo tạm dừng ở đây nha. Bữa nào rảnh nói tiếp.

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

đã thấy tàn phai...



Uổng công mình o bế, bỏ đi công chuyện có mấy ngày mà tên mai láu cá đã nở hết trọi rồi!
ĐÃ THẤY TÀN PHAI

Có một bình rượu cũ
Cất trong thềm đá xưa
Nồng nàn hương tình tự
Chết người một đêm mưa


Có một cành hoa quý
E ấp trong vườn khuya
Dịu dàng buông theo gió
Hương níu chân người về

Có một vành trăng non
       Nghiêng đầu soi gương suối
Khoe  một khóe mày cong
Một tia nhìn đắm đuối

Chỉ qua mấy canh giờ
Rượu ngon rồi cũng cạn
Hoa rơi hết nồng nàn
Mảnh trăng rồi tan loãng

Em rơi một tiếng cười...
Đời tàn hơi trước mặt
Tình chỉ một gáo thôi
Sao khỏi thấy thảm thiết?







Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

những mùa tết cũ

Tạp bút:
NHỚ MÙA TẾT CŨ


Má tôi gọi mùa này là mùa Tết. Còn sao gọi như vậy, tôi chịu, không biết. Nhưng cứ sắp đến Tết là tôi cứ nhớ nôn, dù còn ở đâu đâu hay đang ngồi giữa nhà mình, ở quê nhà...

Đó là lúc công việc của nhà nông đã xong. Lúa vô bồ, cũi đập lúa xếp kho. Tháng này, nước cạn. Nhà ai có ao có đìa xúm lại tát cá ăn Tết. Không như bây giờ, người ta nuôi tràn, giờ nào bắt cũng được.
Cá trong đìa mùa này chỉ có cá lóc, cá trê, cá rô, những con cá dài mình tròn lẳn. Mớ nào bán thì bán, lấy tiền để mua sắm chút đỉnh vật dụng bếp núc, và quần áo mới cho trẻ con. Mớ nào để dành rộng trong khạp, chờ tết... Mớ nào nhỏ nhỏ, lũ trẻ xúm lại, dùng que tre xỏ một phát từ họng tới đuôi, gom rơm đốt nướng trui, chấm muối ớt ăn liền. Mùi cá nướng rơm thơm cả xóm. Những con cá chết ngộp được mấy bà mấy chị đem muối sả, sau đó nướng hay chiên với mỡ heo… ăn với cơm mới thơm lừng là hết xẩy! Bữa nào nhà ai tát đìa, thì cả xóm như có hội.
Má tôi, mới đầu tháng Chạp đã tính Tết này phải gói mấy đòn bánh tét, bao nhiêu bánh ú bánh ít..., sẽ phải “đi Tết” nhà ai... rồi lo chẻ lạt để đó trước. Rồi má nấu nếp than làm rượu gài để uống mỗi người một ly đầu năm lấy hên.  Rồi bà tẩn mẩn làm dưa kiệu, làm cải chua, củ cải ngâm nước mắm. Không biết có phải vì “vị lòng”, mà món nào tôi cũng thấy má mình làm thật ngon, dù là củ kiệu trắng hay củ hành tím muối chua hay là cọng củ cải giòn dai đẫm nước mắm nước tương nâu nâu cay nồng ... mà không thích ăn món đó ở đâu.
 Ba tôi được má phân công “phụ trách" đám vạn thọ. Vạn thọ trồng chưng Tết là phải gieo hạt từ cuối tháng 9 âm lịch. Chăm sóc tốt sẽ nở rộ từ hôm đưa ông Táo về Trời, cho tới Tết. Cả vạt sân lúc đó nồng nàn mùi bông vạn thọ. Má nói hàng ngày muốn chưng bông gì cũng được, ngày Tết chưng vạn thọ cho hên, sáng nhà sáng cửa. Dĩ nhiên là ai cũng hoan hỉ nghe lời bà. Ngay cả ba tôi, vốn là một tay chơi mai lão luyện và chỉ thích trồng mai, cũng gật gù bảo má mấy đứa nói phải.
Hăm ba Tết, cúng ông Táo về Trời.
Sau ngày đó, cả nhà y như làm một cuộc cách mạng. Tất tần tật những màn cửa, chăn mền, gối chiếu... được mang giặt giũ, phơi phóng. Mùa này, đất Tây Ninh dư dả nắng. Ông Trời hào phóng ban phát nguồn năng lượng vô biên đó, cho mọi người mọi nhà giũ bụi trần một năm mà "tống cựu nghinh tân"!
Cái bếp than bắt đầu đỏ lửa và cứ thế mà rừng rực nóng, từ chiều 24 tết. Má tôi siêng lắm. Mứt bí, mứt dừa, hạt sen, gừng khô, gừng dẻo, khoai lang... bà làm hết. Bà nói chỉ tin vào cái sự sạch sẽ khi tự tay mình làm cho con cháu ăn, lại còn có thể mang biếu họ hàng, xóm giềng... để tỏ lòng hiếu thuận và tình thân. Cái bài học này, má học được từ bà ngoại tôi. Bà ngoại khó tính lắm. Từ lúc mẹ tôi còn là một cô bé tóc cột thun, bà đã dạy má tôi muối dưa chua, làm củ kiệu, làm bánh nấu chè... những thứ mà chúng tôi khi vừa lớn lên cũng “bị” học theo, bất kể gái trai.
Trong cái bếp đen bồ hóng, nồng nàn mùi khói, sực nức mùi thơm của đường thắng tới, của lá dứa, vani, của chuối của gừng đang sôi trên chảo đường... lũ nhỏ chúng tôi ngồi chầu hẫu đợi mứt ra lò để tranh nhau mứt vụn và chí chóe nói chuyện cười đùa, trong khi vẫn phải canh chừng bếp không được để non lửa hay già lửa... Má tôi mồ hôi bết lưng, ướt trán, âu yếm nhìn sắp nhỏ trong ánh lửa bập bùng, chia ngay những miếng mứt gãy hay cháy cạnh, những đám đường bông ra cho đàn con háu ăn. Ngoại tôi, hết kêu đứa này lấy củi châm bếp, lại rầy đứa nọ không được chạy quanh bếp kẻo phỏng lửa, vừa bỏm bẻm nhai trầu, nheo nheo mắt "nghiệm thu" từng phần cái công trình bếp núc của má tôi!

Chộn rộn như vậy, nhưng đến khi cúng Giao thừa xong và làm thủ tục chúc tết, lì xì, đi chùa ngày mồng Một tết, cầu phước thì ít mà khoe áo mới thì nhiều, trong con mắt tôi dường như cái tết đã bay qua. Dẫu rằng hương khói còn nghi ngút trên bàn thờ 3 ngày tết.
Bây giờ, mùa Tết chừng đã phai. Cũng bánh mứt đó, cũng hoa trái đó nhưng mọi thứ đã có… dịch vụ lo. Hầu như nhà ai cũng vậy. Những gia đình “hạt nhân” chỉ có hai vợ chồng hai đứa con, hai người lớn làm việc trên 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, thì thú vui ngồi sên mứt, lặt kiệu, lau lá bánh, chuẩn bị cho mùa tết... chỉ còn là hoài niệm. 
Bà tôi mất nhiều năm nay. Không còn ai nhắc nhở mẹ tôi phải làm món này món nọ. Bây giờ, tết nào nhà tôi cũng đầy đủ bánh mứt đông tây, hoa thơm trái lạ, nhưng cái cảnh quây quần lo tết đã được “tiết giảm” tối đa, đến nỗi những đứa cháu tôi không thể hình dung ra cái gọi là “mùa tết”, không biết thế nào là cái chộn rộn tất bật gây nhớ nhung của những ngày áp tết.
Và, cứ đến mùa bấc non rồi bấc già, ngoài đồng ngun ngút mùi khói rạ, tôi lại thấy tràn lên nỗi nhớ Tết xưa. Nhớ mùi khói um trong gian bếp hẹp, mùi mứt thơm, mùi bánh tét vừa vớt ra khỏi nồi nước sôi lục bục, nhớ những tiếng rầy rà của ngoại tôi để dẹp yên lũ cháu... nhớ vạt bông vàng rực rỡ trước sân do ba tôi cặm cụi vun trồng. Nhớ đến tê lòng.
CẨM GIANG

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

trò chuyện cuối năm

Bài đăng báo Xuân
MỘT MỸ UYÊN KHÁC MÀ TÔI BIẾT…


 MƯỜI BẢY NĂM THEO NGHỆ THUẬT, VỚI ĐỦ LOẠI VAI DIỄN TRÊN SÂN KHẤU KỊCH, TRÊN PHIM TRUYỆN, PHIM TRUYỀN HÌNH. CÓ LÚC TƯỞNG ĐÃ ÊM ẤM TRONG HẠNH PHÚC NGẤT TRỜI, AN LÀNH TRONG SỰ ĐỦ ĐẦY VỀ KINH TẾ, VÀ KIÊU HÃNH VÌ ĐÃ NỔI TIẾNG TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT. NHƯNG NGƯỜI CON GÁI ĐẤT TÂY NINH ĐÓ, CHO TỚI GIỜ, VẪN LÀ MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ YẾU ĐUỐI, TRONG VAI KỊCH ĐA CHIỀU CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH…
          Cuối năm, tất bật với lịch tập lịch diễn và rất nhiều chuyện bận rộn “bếp núc” do đã trở thành… nhà quản lý (cô vừa được đề bạt làm Phó giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B từ hồi cuối tháng 10/2010), vì vậy mà gọi điện cho Mỹ Uyên thật khó. Nhưng rồi chúng tôi đã có một buổi trò chuyện nho nhỏ, ngay canteen của Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần), trong lành lạnh hơi sương hiếm hoi của ngày đông Sài Gòn. Mỹ Uyên vui khi gặp lại tôi. Nhưng trông cô có đôi chút nôn nóng bởi lẽ còn quá nhiều công việc đang đợi phía trước. Uyên nói mới vừa đóng xong 2 phim Tình CacaoTiếng tơ đồng. Xong phim là tổ chức tập, diễn, còn phải lo đủ chuyện ở nhà hát, dịp cuối năm. Tôi thấy hết nhưng vẫn cố gắng dẫn mạch chuyện thật chậm, để  ít ra, cô con gái đất Tây Ninh cũng có được những giây phút thảnh thơi nơi xứ người mà nhớ về những ngày Xuân cũ.

          Tuổi thơ Mỹ Uyên đầm ấm trong căn nhà của ngoại ở “ngay nhà lồng chợ Thương Binh á chị. Mà chị biết chợ Thương Binh không?”. Uyên cười con mắt có đuôi: “Hồi nhỏ em thích nhất là được mặc áo đầm mới đó chị. Mê lắm!” Tết hồi nhỏ của Mỹ Uyên đồng nghĩa với việc được ăn bánh trái thả ga, được lì xì nhưng thích nhất vẫn là chiếc áo mới do mẹ hay các dì mua cho. Tết là được mấy dì dẫn vô Tòa Thánh… chụp hình, đi loanh quanh ngắm người qua kẻ lại rồi về. Những năm sau, lớn hơn một chút thì được dẫn đi chơi xa hơn: chụp hình ở… Sở Thú(!) Nhưng hồi đó, dưới góc nhìn của một đứa con nít bị buộc phải học hành cho đàng hoàng thì bấy nhiêu đó cũng là hạnh phúc lớn lao. Lớn lên một chút, tết cực thêm một chút. Cuối năm ngoại bày gói bánh. Bánh tét, bánh ú, bánh ít… thôi thôi đủ thứ. "Em còn nghĩ làm sao có thể ăn cho hết từng đó bánh trong mấy ngày tết, mà rồi bánh cũng hết!"
          -Uyên biết gói bánh không?
          -Có chớ chị. Bánh ú bánh ít, bánh gì cũng biết gói. Ngoại dạy mà không làm theo được, bà quở…
          -Giờ còn gói được không?
          -Được chớ chị. Chỉ có điều không có dịp gói thôi.
          Mà cũng phải. Những cái tết đầu tiên đi học xa nhà, cô còn háo hức trở về để phụ ngoại lau lá, gói bánh. Ngồi canh nồi bánh tết trong khu chợ chật như nêm người đi chợ tết cuối năm, bận rộn mà vui. Nhưng cũng chỉ được có 5,6 cái tết như thế. Bà ngoại mất, rồi mẹ mất. Hai người thân nhất lìa xa Mỹ Uyên trong 2 năm liên tiếp, khiến những chuyến về quê dịp Tết của cô trở thành chuyến hành hương về thăm lại mộ phần của ruột thịt mình. Nhiều năm trước, cái hình ảnh cô diễn viên mảnh mai phóng xe vù vù trong chiều ba mươi tết, để kịp về thắp cho mẹ nén hương ngoài mộ, đã làm không chỉ mình tôi cay mắt.
Những cái tết sau này, tuy Uyên vẫn về quê thăm nhà mỗi cuối năm, nhưng đã bớt ngậm ngùi. Buồn đau đã nguôi ngoai, ngọn lửa bếp bánh đêm ba mươi giờ đây cũng không còn khiến cô không phải rưng rưng nhớ những cũ xưa vào dịp tết. Nhưng cứ tết đến, là cô thấy như cô đơn hơn một chút. Những người trạc tuổi cô, hầu hết, đã có gia đình, con cái đủ đầy và còn lăm le lên chức… ông bà. Vậy mà cô vẫn một mình.
          Uyên có vẻ bản lĩnh lắm, khi nói về chuyện tình cảm. Cô giải thích, suy cho cùng chuyện tình yêu, hạnh phúc là duyên phận trời cho. Cô từng có một tình yêu đẹp, đẹp lắm. Nhưng người yêu cô không đủ kiên nhẫn để sống với một người vợ hết “bay” show này đến “lạng” show khác không hở việc. Rồi, một tình yêu khác, lại không tin rằng người của công chúng kia sẽ “là riêng của mình”, nên rồi lại  chia tay. Cô nói không muốn nhắc thêm chuyện này nữa vì cuối năm ai lại nhắc chuyện buồn chi, mà nó cũng mới rợi đây thôi…
Nhưng, cái bản lĩnh đó vẫn không che khuất nỗi buồn ẩn hiện kín đáo trong khóe mắt, làn môi và cái giọng nhẹ như không mà đau đến chết người: “Nhiều bữa, diễn xong đi ăn khuya với mấy đồng nghiệp nam, sau khi tính tiền cả đám đứng lên bye nhau ra về, em bỗng tự hỏi ủa sao không có tên đàn ông nào có ý muốn đưa mình về nhỉ, dù trời khuya lắm rồi…”
          Có lẽ, cái tính cách quá thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng, độc lập và quyết đoán của Mỹ Uyên đã ngăn cản đàn ông đến với cô với tư cách một người yêu đầy mạnh mẽ, đủ sức che chở cho cô người yêu bé nhỏ mong manh. Bởi vì, Uyên chỉ có vẻ mong manh chứ thật sự không phải thế.
Nhưng đó là với người.
          Đối diện với mình, Mỹ Uyên vẫn là người đàn bà yếu đuối. Người đàn bà đó vẫn khao khát một tình yêu đích thực, của mình, riêng mình. Vẫn lặng lẽ chăm sóc cho gia đình của đứa em gái duy nhất, vẫn cứ lặng lẽ, mỗi cuối năm, lại rủ bạn bè góp nhau ít tiền vào thăm những đứa trẻ mồ côi trong một ngôi chùa ở Gò Vấp, đi bằng cửa hậu để khỏi ai đón tiếp mình, hoặc đi dọc phố đêm, tặng chút ít tiền cho những người mà trong thời khắc lẽ ra phải vui vầy với gia đình, họ vẫn còn lang thang vô định…    
          Nỗi cô đơn của Uyên, vì thế, có vẻ đẹp riêng của nó, lấp lánh nét kiêu hãnh khó ai có được.
MỸ QUỲNH

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

xuân sớm

           XUÂN SỚM


            Những nụ mai vàng nóng ruột
            Chưa kịp cởi áo mùa đã cười rộn mảnh sân con
            Người nhớ ai mà bồn chồn
            Tháng Chạp mới chạm hiên đã lo ngóng tết?
           
            Nắng ủ hương yêu phơi phong chút tình chớm bạc
            Gió đùa tóc rối
            Xao xuyến nỗi niềm.

            Tưới đẫm yêu thương cho luống tình xanh
            Em khoác nồng nàn bước sang mùa mới.

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Tưởng...

(cho nhỏ kia)
 Sorry! Bữa nọ tưởng lầm
Hôm nay đốn ngộ, vẫn ngầm ngầm đau.

Biết đời là cõi biển dâu
Biết người là vạn mối sầu...Mà vương!

Ôi chao, đời lắm nẻo đường
Mà sao cứ ngõ mù sương lội vào...

Chiều nay mây trắng ngang đầu
Nhủ lòng thôi trớt, chẳng cầu ai yêu!