Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

ÚT HẠNH



 ÚT HẠNH
*Cẩm Giang
Ngày Thắng nói: “Tui đi à. Tui không thể  ở đây được nữa. Chừng nào có đủ tiền cất nhà lầu, tui mới dìa! Em chờ được thì chờ, không thì thôi nhen…”.  Út Hạnh khóc mùi. Cái hình hài bé tí đang nằm ngủ trong lòng Út Hạnh, làm như bực mình, chòi đạp lung tung. Sự chòi đạp đó làm Út Hạnh nín khóc. Út vội đưa bàn tay vỗ về con. Ngó trân hai mẹ con một lát, Thắng dắt chiếc xe đạp cũ kỹ, lủi thủi ra tới đầu ngõ mới thót lên yên. Cũng không nói là đi đâu.
Hôm đó là Trung thu năm Thìn. Mưa như trút nước, tầm tã ngày đêm.


Cũng vừa vặn một giáp rồi, mà bóng Thắng còn đâu đâu xa lắc, không thấy tăm hơi. Ngoài chuyện đi làm thuê làm mướn tối mặt, tịnh không thấy Út Hạnh quen với ai. Cũng không nghe nhắc tới Thắng. Bà Năm sốt ruột thương con gái quạnh quẽ một mình, có bữa đã ngồi nói bâng quơ: “Thân gái chòng chành như nón không quai, người không về thì kiếm ai mà nương thân đi chớ rồi cứ phất phơ vậy hoài sao được…”. Út Hạnh nghe nói tới đó thì xụ mặt, lẩm bẩm: “Má hết thương tui rồi phải hông? Má kiếm chuyện đuổi tui đi phải hông?”. Báo hại bà phải dỗ ngon dỗ ngọt một hồi, Út mới im lặng.

***
Út Hạnh sanh ra đã không thấy mặt cha. Hồi bà Năm có bầu Út Hạnh được sáu tháng, ông Năm đi đốt rẫy, trúng trái mìn còn sót lại, chết tức tưởi, chỉ còn lại khúc thân trên. Bà Năm đã chết lên chết xuống không biết bao nhiêu trận. Người thân phải khuyên nhủ, an ủi và phải để mắt coi chừng suốt mấy tháng trời, bà mới tạm nguôi ngoai để sinh con. Cuộc sinh nở suôn sẻ, nhưng Út từ khi mới sanh đã không giống như trẻ con khác. Lúc ngó rất lanh lợi thông minh, lúc lại như khờ khờ, ai nói gì cũng cười cười không trả lời trả vốn gì hết. Mấy người chọc ghẹo Út, nói con nhỏ bị “mát mát”. Nghe lời khuyên của một người bạn, bà Năm đưa con đi khám bác sĩ thì họ nói Út bị di chứng của chất độc da cam chi đó. Nhưng thứ đó thì vô phương trị, chỉ còn cách sống chung với nó thôi.
Bà Năm tưởng mình xém tắt thở khi nghe bác sĩ phán một câu xanh rờn như vậy. Gia tài của bà có một đứa con gái mà suốt đời phải chịu cảnh nửa khôn nửa dại, chịu đời sao thấu! Ông Trời quả bất công! Nhưng rồi, bà cũng nén đau, gượng dậy. Thôi thì làm cỏ, cấy hái, đặt lọp giăng câu, làm bánh nấu chè…. Thứ gì làm được bà cũng làm để nuôi con. Ba người anh của Út thì mạnh cùi cụi, thông minh lanh lợi. Chỉ vì nghèo, nên đứa nào cũng chỉ được học tới lớp bảy lớp tám là nghỉ học, đi làm mướn. Nhưng không biết sao cả ba thằng đều yểu mệnh. Toàn chết vì tai nạn giao thông. Giờ, trong ngoài chỉ còn có Út. Ngày lớn, Út bớt vẻ ngây dại hơn hồi nhỏ, mặt mũi sáng láng dễ thương. Nhưng, vì chỗ khờ khạo đó mà Út chỉ học tới lớp ba trường làng, mà phải mất năm năm mới xong. Thấy mình “già đầu” mà cứ ngồi hoài một chỗ, Út mắc cỡ, nghỉ học. Rồi cũng phụ mẹ đi làm thuê làm mướn. Út siêng làm, lại khỏe mạnh, nhưng ai biểu gì làm nấy, chứ không tự quán xuyến hết việc. Nhưng như vậy là bà Năm hài lòng lắm rồi.
Năm mười bảy tuổi, Út đi làm công cho một lò gạch. Cô gái người nhỏ loắt choắt nhưng có sức khỏe dẻo dai, làm việc bằng hai người khác. Lò gạch xa nhà, sáng mẹ giở cho một gô cơm, thức ăn là con cá khô mặn đắng, to bằng hai ngón tay chiên giòn lên để cặp vào đó. Trưa, Út lôi gô cơm ra, ăn khô ăn khan, lấy nước lạnh làm canh mà húp. Út lặng lẽ như cái bóng, ai nói gì cũng ít khi trả lời đi trả lời lại. Nhớ lời mẹ dặn: chuyện mình mình làm, đừng dây dưa với người khác, khó lòng. Nghe vậy, biết vậy, chớ chuyện đời ai mà ngờ!
Đi làm được sáu bảy tháng, thì xảy ra chuyện. Bữa đó, đói bụng, lại trúng nắng, đang đẩy xe gạch mộc ra phơi thì Út choáng váng trật chân. Chút xíu nữa là Út ụp mặt vô xe gạch, nếu Thắng không ngó thấy và chụp kịp.
Sự đụng chạm vô tình và cảm cái gọi là ơn nghĩa đó, làm hai con người gần gũi hơn. Những buổi cơm trưa vội vàng đã có câu chuyện để nói. Ban đầu chỉ rời rạc vài câu ơn nghĩa khách sáo. Sau thì chuyện công việc, nhà cửa, bạn bè… Thắng mồ côi mẹ, cha đi bước nữa, thành thử từ nhỏ sống lầm lũi một mình. Học hành được ba chữ lận lưng thì không ai lo nữa, đành bỏ. Giờ, Thắng vui vì có người nói chuyện. Ai nói Út Hạnh khờ khạo, Thắng chỉ thấy Út dễ thương, siêng năng. Tình cảm của hai con người nghèo khó cứ như hòn gạch, tuy có mộc mạc, xấu xí, nhưng ủ nắng ủ lửa rồi cũng chín. Cái tình trái chín ngoài đồng, không theo khuôn phép trật tự. Bởi vậy, khi út Hạnh nôn nao hôi cơm tanh cá, bà Năm gạn hỏi thì mới biết hai đứa đã “qua lại” với nhau, ngay trong lò gạch, ban mặt ban ngày, trong những giờ giải lao ngắn ngủi và khoảnh khắc đổi ca chụm lò, anh em lăn ra ngủ như chết…
Bà Năm chấp nhận thằng rể vì thấy nó cũng hiền lành, chân thật. Bà chỉ tủi cho Út Hạnh, không có được một cái đám cưới rình rang lộng lẫy như người khác. Nhưng hình như Út Hạnh cũng không lấy đó làm buồn. Bây giờ mỗi ngày, thay vì đạp xe đi, về một mình, cô đã có người đi chung. Những việc ở lò gạch, cũng có người phụ gánh vác. Ông chủ lò gạch thương tình cho hai vợ chồng nghèo một thẻo đất nhỏ trong khu vực lò gạch, cất nhà riêng mà ở. Khó khăn lắm họ mới dựng được một cái nhà tranh tre đỡ mưa đỡ nắng. Đất thì thấp. Cất nhà phải đóng cừ tràm cho cao lên, để lúc con nước lớn nhà không bị ngập. Cái nhà xiêu xiêu. Gió ngoài sông Vàm cứ lồng lộng mỗi sáng mỗi chiều, mỗi ngày rút bớt đi một nuộc lạt. Kịp tới lúc thằng bé Lợi chào đời thì nó cũng liêu xiêu sắp đổ! Bữa ông Nội thằng Lợi tới chơi, nhìn cái cơ ngơi thảm hại của con, rồi ngó con dâu, cháu nội, hứ một cái, quay về. Nghe nói ông từng phản đối chuyện hôn nhân này, vì “lấy ai không lấy đi lấy con nhỏ mát mát, làm ăn sao khá…”. Ông tuyên bố không nhìn con dâu. Còn bên dòng họ nhà Út Hạnh cũng có người nói ra nói vào, rằng dù gì Hạnh cũng… được đứa, vậy mà bà Năm chọn chi thằng rể nghèo rớt, lại mồ côi không khác con nhỏ này, làm sao cậy nhờ!
Thắng tự ái. Uống rượu. Chửi trời chửi đất, rồi tuyên bố dứt áo ra đi. Nói đi chừng nào có tiền cất nhà lầu, mua xe hơi mới trở về. Rồi đi… Lần đó Út Hạnh khóc một trận, rồi bồng con về ở với má. Bà Năm thở dài: Thôi bỏ đi con, đó là chuyện của người… Đợi thằng Lợi được cứng cáp, út Hạnh lại đi làm, như khi trước. Nhưng ở lò gạch, không ai thấy được nụ cười của út Hạnh nữa.
Mười hai năm. Thằng Lợi ngày càng giống cha. Giống ở vóc dạc cứng cáp, da đen bóng vì phơi nắng. Tóc nó cứng rễ tre. Giọng nói con nít mà nghe trầm, buồn, chậm rãi. Nó cũng kỳ, chưa bao giờ nhắc một tiếng Ba, nhưng thương mẹ hết lòng, làm cái gì được là giành làm hết, sợ mẹ cực khổ. Mà Út Hạnh cũng không bao giờ nhắc đến Thắng. Tưởng chừng như chuyện vợ chồng với Thắng là chuyện của ai đâu. Chỉ biết sáng ra, thằng Lợi luôn có chén cơm chiên hay cơm hấp, chan nước tương hoặc muối tiêu muối ớt gì đó, được mẹ cho thêm hai ngàn đồng bạc, dẫn tới trường gần nhà, rồi mới đi làm. Tối về, dù hiểu dù không, Út Hạnh cũng bắt thằng Lợi ngồi đọc hết bài này tới bài khác cho nghe. Đọc chừng nào Út thấy thuộc rồi mới cho thằng con nghỉ. Có lẽ nhờ vậy mà suốt mấy năm liền, thằng Lợi luôn là học sinh giỏi!
***
          Một tuần nay, út Hạnh nằm vùi. Công việc ở lò gạch không làm, mà việc nhà cũng không màng tới. Suốt ngày lẩm bẩm những tiếng vô nghĩa trong miệng. Cơm ăn bữa được bữa không. Cũng không hỏi han gì tới ai. Thằng Lợi thấy mẹ như vậy thì sợ lắm. Thà mẹ nó la rầy, đánh mắng nó vì nó không ngoan, nó thấy đỡ sợ hơn. Mà kể ra, nó đâu có làm gì để mẹ buồn! Giờ thấy mẹ vậy, nó quýnh quíu, không biết làm sao. Bà Năm càng quýnh hơn. Bà tìm tới chỗ út Hạnh làm, hỏi đon ren, mới hay một tin động trời: thằng Thắng đã về. Bữa có ghé lò gạch, hình như để ký kết hợp đồng gì với ông chủ, rồi đi. Bữa đó Út Hạnh thấy Thắng đi thẳng vô văn phòng mà không ngó qua cái sân phơi gạch một cái, hức lên một tiếng rồi chiều đó ngồi im re, không làm được việc gì, cũng không nói được tiếng nào. Hèn chi! Bà Năm lẩm bẩm. Thằng cũng tệ. Người ta nghèo mạt còn không bỏ con cái. Đằng này, tự ái tự gì mà tới mười mấy năm trời không thăm nom ngó ngàng tới…
          Chiều nay, trường học của thằng Lợi tổ chức trung thu. Chương trình có văn nghệ, có phát quà bánh, có phần thưởng cho mấy đứa học giỏi nữa. Hạnh thường đi theo chơi với con cho vui, vì năm nào nó cũng được nhận phần thưởng hay học bổng gì đó đủ thứ. Nhưng năm nay, Út Hạnh bỏ phế hết mọi việc. Ai nói người “mát mát” như Út là không biết buồn?
          Út cứ nằm đó khi thức khi ngủ. Bỗng giật mình khi thấy có một bàn tay nắm lấy tay mình, lắc lắc. Tiếng ai đó nói chuyện xôn xao. Tiếng thằng Lợi chợt vang hơn mọi ngày: “Mẹ, dậy đi, dậy coi ai nè… Mẹ dậy coi…”. Út Hạnh uể oải ngồi dậy. Ánh đèn điện làm Út chói mắt. Cái người đàn ông chững chạc, áo bỏ vô quần, đồ ủi thẳng băng đứng kế thằng Lợi là… ai? Sao thấy quen quen? Người đó ngó ngay mặt Út, kêu một tiếng: “Mẹ thằng Lợi. Tui nè… Nhớ tui chưa?”. Mặt thì không nhớ, vì lạ quá, nhưng giọng thì sao mà Út quên được. Út Hạnh chợt khóc tức tưởi. Hình như cả mười mấy năm nay, Út nín cho tới giờ mới được khóc. Thằng Lợi không sợ mẹ như mấy bữa trước nữa. Nó cười. Trên tay nó có một cái lồng đèn ông sao thiệt lớn. Thì chiều nay chính tay ba nó đã trao cho nó, cùng với nhiều bánh nhiều kẹo và còn phần thưởng nữa.
         
Vĩ thanh
          Nghe nói, hồi rứt ruột ra đi, Thắng được một ông thầy giáo tốt bụng cưu mang, nhận làm anh em. Ông đã khuyến khích Thắng học chữ, học nghề, vì tin vào con mắt của mình: Thắng là một người thông minh và tốt bụng.
Mười mấy năm qua, vừa học, vừa làm, Thắng vừa âm thầm dõi theo vợ con mình, qua người thầy, tìm cách hỗ trợ giúp đỡ mẹ con Út Hạnh ngay trong lúc cần thiết nhất mà không cho cả nhà biết. Giờ đây, anh có thể đàng hoàng trở về, như muốn dành cho vợ con một món quà Trung thu đặc biệt.
Tôi cũng muốn kể lại chuyện này, như một món quà dành cho bạn đọc, nhân mùa Tết Trung thu – tết của tình thân…
CẨM GIANG

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét