Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

trung thu


NHỮNG MÙA TRUNG THU CÓ NỘI

         
          Lại một mùa trung thu nữa về.
          Cứ mỗi mùa trung thu tới, là lòng tôi tự nhiên nghe rộn ràng háo hức không khác chi những đứa trẻ, đợi ngày bày cỗ ngắm trăng, rước đèn chia bánh. Trung thu bây giờ, hầu như những đứa trẻ ở chốn thị thành đều được ăn bánh nướng, bánh dẻo, chỉ khác nhau cái ít nhiều, ngon dở. Nhưng thiếu mất cảnh rước đèn ngoài đường, trong xóm, như ngày xưa, nên cũng mất phần thi vị.
          Mùa Trung thu hồi nhỏ của chúng tôi là những ngày được lăng xăng bên ông nội, chuẩn bị cho đêm hội mỗi năm mới có một lần. Xóm nhà tôi lúc đó nghèo lắm, con nít còn chưa đủ cơm ăn, lấy đâu tới chuyện bánh trái cỗ bàn, đèn lồng này nọ. Nhưng vì má tôi là cô giáo tiểu học, thành thử những đứa con nít nghèo trong xóm cũng may mắn được hưởng luôn không khí vui vẻ đó.
          Cứ tới đầu tháng tám là nội đã lo chặt trúc, hơ lửa, chẻ nan để làm lồng đèn. Chỉ là những cái khung lồng đèn hình ngôi sao thôi, rồi chia ra để tụi nhỏ trong xóm cùng dán. Hồ dán thì được quấy bằng bột mì. Còn giấy màu thì chúng tôi tận dụng từ những tấm giấy bóng kính bao hộp trà, những mảnh giấy tập cũ. Đứa nào may mắn có người quen mua cho cả mảnh giấy bóng kính lớn để dán lồng đèn thì quả là hạnh phúc vô biên.
          Phần của nội là phải làm cái đầu lân. Không biết ông lọ mọ coi người ta làm đầu lân trong chùa ra sao đó mà về cũng chẻ nan, cột ràng làm một cái khung đầu lân rất lớn, sau đó dán bằng vỏ bao xi măng. Dù con lân của nội không sắc sảo bằng người ta nhưng màu sắc trên đó thì hấp dẫn y như đầu lân tôi thấy ở các đội lân! Chỉ có một ít màu sơn là nội xin được, còn lại là tự chế: màu vàng của nghệ già, màu đen của than củi cà bột, màu đỏ của giấy hồng đơn… Thế nhưng, cái đầu lân của nội lúc bấy giờ, dưới con mắt tôi là đẹp nhất… trần gian bởi nó được làm bằng tất cả lòng yêu thương con trẻ mà nội dành cho con nít cả xóm, không riêng gì cháu nội mình. Cái đầu lân đó được nối với một khúc “đuôi” kết từ những cái bao gạo, dài cả mấy mét, sáu bảy đứa ở phía sau tha hồ “vũ đuôi”.
           Tối rằm, sau phần văn nghệ đơn sơ cây nhà lá vườn ở trường tiểu học, đám con nít tập trung trước nhà tôi, một anh lớn con nhất giữ cái đầu lân vì nó quá nặng, còn lại thì theo “vũ đuôi” lân. Ông địa mặc áo đỏ của má, hai má thoa giấy hồng đơn đỏ tươi, cười toe toét xách quạt mo chạy trước lân. Bao nhiêu đứa khác thì cầm lồng đèn tự làm, được mẹ tôi phát cho mỗi đứa 2 cây đèn cầy nhỏ xíu, đốt lên cắm vào. Cứ thế mà đi lượn hết xóm rồi về, vừa đi vừa hát bài “tết trung thu đốt đèn đi chơi…” và hò la ầm ĩ. Kết thúc “đám rước” là một nồi chè khoai lang đậu xanh nước cốt dừa tại nhà tôi. Toàn là cây nhà lá vườn được mang ra nấu nướng để đãi con nít. Vậy mà, sau này nhiều người lớn lên vẫn còn nhắc nhớ…
          Tôi lớn lên. Đi học rồi đi làm. Xã hội ngày một văn minh, phát triển. Lồng đèn chạy pin muốn lấn hết sân của lồng đèn giấy. Con tôi giờ đã biết “ngán” bánh trung thu. Rằm tháng Tám giờ lộng lẫy đèn hoa, không sợ mưa rơi tắt nến. Nhưng, cắc cớ gì, tôi cứ nhớ những mùa trung thu cũ bên lưng nội. Trung thu thơm mùi giấy hồ, mùi nến cháy, mùi chè khoai lang, mùi ổi sẻ trong vườn và những gương mặt tràn hạnh phúc tuổi thơ.
          Cẩm Giang
          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét