Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

đi học ngày mưa


ĐI HỌC NGÀY MƯA

          Mưa suốt đêm. Sáng sớm, con trai tần ngần đứng sau lưng, nhỏ nhẹ đề nghị: “Mưa quá, Mẹ có thể đưa con đến trường không?”.Ồ, tất nhiên là có chứ. Bản năng người mẹ bật thốt lên như vậy, nhưng tôi lại cười: “Ngớt mưa chút rồi hẵng đi, con. Có thể hôm nay sẽ trễ giờ truy bài, nhưng con sẽ đến lớp kịp giờ mà. Ai đời con trai học trung học rồi mà còn để mẹ đưa chỉ vì... trời mưa. Bạn cười chết!”. Cậu bé cũng cười, bẽn lẽn: “Ừ hén…”. Cậu uống hết cốc sữa nóng mẹ đưa cho, đeo ba lô, khoác áo mưa và vui vẻ dắt xe đạp ra cổng.
          Tôi ngồi một mình trong phòng làm việc tại nhà. Hình ảnh của những ngày-mưa-đi-học chợt ùa về.
          Hồi đó, đứa con nít nào ở xóm tôi được đi học cũng là một niềm hạnh phúc lớn. Vào những năm mới giải phóng, mọi thứ còn khó khăn nên học trò chưa có vụ mặc đồng phục như bây giờ. Đứa nào được một bộ áo trắng, quần xanh chỉnh tề đã được coi như sang lắm. Lớp học có mấy chục kiểu áo quần hoa hòe lốm đốm như xôi đậu, nhưng lúc nào sĩ số cũng đầy đủ, hiếm khi trên bảng điểm danh ghi vắng ai đó. Học trò đi học mang đủ loại “cặp”, từ bọc nilon cho đến cặp bàng, cặp nhựa. Phổ biến nhất là chiếc cặp bàng, có hai ngăn, có thể bung ra làm nón che nắng mà cũng có thể che mưa đừng ướt tóc. Bữa nào mưa lớn quá, một đám ba bốn đứa trùm chung một mảnh nilon, tay túm quần, tay xách cặp, vừa lội bộ tới trường vừa tán dóc, vừa đi vừa nói mà quên đường xa, mưa lạnh. Còn nếu đã tới giờ tan trường thì ôi thôi, một cô gái cậu trai nào đó sẽ bị làm vật hy sinh, phải ôm hết sách vở của nhóm bạn, trùm nilon đi về. Đám còn lại tha hồ vừa chạy vừa nghịch nước đến ướt hết mình mẩy, về tới nhà đứa nào cũng môi tím tái, lạnh run. Có đứa về nhà bị người lớn la um sùm, có đứa bị ăn đòn vì tội dám đi rong mưa về như vậy. Nhưng rồi, những bà mẹ thương con đã lật đật đưa cho mảnh khăn khô, tấm áo mặc nhà và hối con thay đồ, rồi ăn cơm đi cho hết lạnh. Mùa mưa nào cũng tái diễn những cảnh đó. Tuổi thơ mới hồn nhiên làm sao.
          Rồi mùa mưa của những năm trung học, những năm sắp hết thời phổ thông. Những chiếc áo mưa đã thay cho tấm che bằng nilon. Đường xa, xe đạp thay chân trần. Đã có ai đó không phải mẹ cha chờ ở cổng ngõ, nhắc nhở mang áo mưa khi tiết trời thay đổi, hoặc mua cho chiếc áo mưa màu sáng sủa thay cho chiếc áo cũ xì…
          Tôi thường phải đi công tác ở vùng sâu vùng xa.Hình ảnh những đứa trẻ nít lội bộ qua một quãng đường rất xa để đến lớp, có khi phải qua những ổ gà ổ voi đầy nước, nếu có xe lớn chạy ngang, bất cẩn, sẽ té nước ướt dơ hết các em từ đầu đến chân, làm lỡ buổi học của đàn em nhỏ… làm tôi thấy mắt mình cay cay. Tôi thầm ước sao tất cả những nẻo đường quê rồi không còn lầy lội khi mưa xuống… Điều ước ấy tới giờ vẫn còn hơi… xa vời, khi mà thôn xóm đây đó quanh tôi, vẫn còn chỗ bị xói mòn, chỗ ngập nước liên miên. Nước mưa chảy xuống đường bây giờ quá nhiều ô nhiễm, không trong lành như xưa với con đường toàn cát trắng, để con nít ngày xưa có thể nằm phơi bụng bơi giữa “dòng sông” mưa một cách thanh bình. Bao giờ, một con đường làng cát trắng phẳng phiu?
          Cảm ơn một sáng mưa. Cảm ơn con trai đã khơi gợi cho tôi nhiều cảm xúc về những ngày còn-ôm-sách-vở-đi-dưới-trời-mưa…

2 nhận xét:

  1. Em
    Chị lại thấy những đứa trẻ trên đường quê ấy, có thể nó có cái hạnh phúc bình dị hơn rất nhiều những đứa bé của thành phố xa hoa đấy em ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Dạ, cho tới giờ em vẫn cứ thích đắm mình trong cảm giác sug sướng khi được tắm mưa ở đường làng...

    Trả lờiXóa