CHUYỆN Ở MỘT LỚP HỌC ĐẶC BIỆT
1. Lớp có mười lăm học viên, vừa được khai giảng tại ấp Thành Tân, xã Thành Long, Châu Thành (Tây Ninh). Điểm học tại trường Tiểu học Thành Bắc. Giờ học, từ 6 giờ rưỡi chiều đến tám giờ tối. Đó là lớp học tình thương do Hội Phụ nữ xã Thành Long tổ chức cho một số ít chị em còn mù chữ trong ấp được đi học chữ, tạo điều kiện cho cuộc sống của họ tốt hơn. Mười lăm học viên, với mười lăm độ tuổi khác nhau, từ 19 đến…69 tuổi, chỉ có một ước muốn: biết chữ để cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn.
Dĩ nhiên, khi đã “ghi danh” vào lớp học đặc biệt này, thì mỗi học trò trong lớp đều có một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ đều là những người phụ nữ nghèo, làm thuê làm mướn để kiếm sống. Nhưng vì không biết chữ, kiến thức hạn chế, họ không biết tính toán như thế nào để cuộc sống tốt hơn. Vì thế, được đi học, họ mừng lắm.
Mừng hơn nữa là ở lớp học đặc biệt này, những chị em đi học đều được… phụ cấp. Mỗi học viên đều được trang bị cho một bộ sách vở bút viết đầy đủ. Chưa nói, trong suốt thời gian học, mỗi người còn được “phụ cấp” 10kg gạo mỗi tháng. Có lẽ chưa nơi đâu có cái hình thức “ép học” kỳ lạ và đầy tình người như thế. Được biết, khoản kinh phí “trợ cấp học tập” này do Hội Phụ nữ vận động một số Mạnh thường quân tài trợ.
2. Nói sáu giờ rưỡi học nhưng đến bảy giờ tối học viên mới tập trung gần đủ. Người đi làm ở tận Mộc Bài, người giúp việc nhà ngoài chợ, tranh thủ xin chủ về sớm lúc nào hay lúc đó, người đi làm mướn trên rẫy, về nhà có khi chưa kịp lua qua miếng cơm đã vội xách tập vở đi học. Họ ráo riết học vì không có thời gian, vì sợ không còn thời gian để học. Bởi việc mưu sinh hàng ngày cuốn họ đi, không phải lúc nào cũng được thong thả để có thể ngồi đánh vần ráp chữ như trẻ con. Mà yêu cầu của cuộc sống thì càng ngày càng cao.
Như chị Nữ, 30 tuổi, giúp việc cho một tiệm bán tạp hóa ngoài chợ. Thay vì có thể thay mặt chủ trông coi hàng hóa, bán buôn như một nhân viên bán hàng thì chị chỉ dừng lại ở công việc của một người giúp việc, ai sai gì làm nấy. Khách tới mua chỉ hàng tận tay, chị mới biết mà bán chứ nói tên sản phẩm thì… vô phương. Người chủ không bằng lòng, vì thương tình hoàn cảnh người giúp việc quá khó khăn mà ráng để chị phụ bán.
Như cô bé Nguyên, đã mười chín tuổi, xin đi làm xí nghiệp giày da ở Mộc Bài. Mọi thứ giấy tờ thì có người khác lo dùm để cô có thể được nhận vào làm, nhưng trong thời gian học việc, cô trầy trật lắm mới học kịp người khác vì khả năng hạn chế. Nghe nói Hội PN mở lớp, bà mẹ, cũng mù chữ, “nhường” cho con gái đi học cho biết chữ với người ta. Bà nói đời mình tới đây coi như xong, tội con mình còn trẻ quá, phải ép nó ráng học!
Lớp còn có một “lão học trò” năm nay 69 tuổi. Bà tên Huỳnh Thị Chớ. Đáng tiếc, tôi không gặp bà vì lúc tôi tới lớp thì bà đang nằm bệnh viện. Đó cũng là “lớp trưởng” của lớp, được chị em rất tín nhiệm và nể phục.
3. Lớp học chỉ dự tính mở mỗi tuần 2 buổi vào thứ bảy và chủ nhật. Nhưng học viên nài nỉ quá, bên chỉ nghỉ ngày thứ 6 để… xả hơi!
Cô giáo Nguyễn Thị Nụ, nhà tận ấp Suối Muồn (xã Thái Bình), giáo viên trường tiểu học Hoàng Lệ Kha, tình nguyện dạy học miễn phí hai ngày/tuần. Mà không chỉ vậy, cô còn vận động mạnh thường quân để “góp vốn” tài trợ cho cái lớp học đầy “tình thương mến thương” đó.
Lớp còn có một “cô giáo” khác, chính là chủ tịch Hội phụ nữ xã – Nguyễn Thị Rời. Chị là người đảm nhiệm thay cô giáo chính trong những ngày còn lại. Đây cũng chính là người đã hết lòng hết sức để mở cho được lớp học này. Trong ấp, còn có tới 30 chị em mù chữ. Tuy nhiên, không thể nào mở lớp dạy được hết một lúc, nên chị phải có kế hoạch mở lớp từng đợt một.
Gần ba tuần lễ, mọi sinh hoạt, học tập của lớp đã tương đối ổn định. Đó vừa là niềm vui, vừa là mối lo của người chủ tịch Hội phụ nữ xã: “Nhiều chị em thắc mắc sao không mở nhiều lớp khác, ở nơi khác… vì ở xã mình còn nhiều chị em không biết chữ như vậy lắm. Tuy nhiên, vì đây là ấp xa nhất, khó khăn nhất xã, nên chúng tôi ưu tiên trước. Rút kinh nghiệm, chắc chắn rồi các lớp sau này sẽ được mở ở các ấp khác, và làm tốt hơn nữa.” - Chị Rời tâm sự.
Vậy mà người ta loan báo là đã xoá xong nạn mù chữ rồi! Thật cảm kích những tấm lòng thiện nguyện và cả em nữa, khi đưa thông tin àny lên báo
Trả lờiXóaĐá kể như thời 9 năm kháng chiến.
Trả lờiXóaHội PN xã không chiêu sinh đấng mày râu à?
Nếu Đá đứng lớp anhdung đăng ký liền.
H.1:
Trả lờiXóaHọc viên giống người mẫu vậy Đá?
@ HQ: Chuyện "loan báo" trong phổ cập giáo dục, bao giờ cũng phải nên kiểm chứng thực tế. Cám ơn anh.
Trả lờiXóa@ anhdung:Rất cần những người như anh đăng ký để đứng lớp đó, chứ k phải để làm học viên.
Những lời đùa không đúng chỗ như trên đây, em không cần phải trả lời, dù là câu trả lời mang tính "giáo dục" như vậy. Đáng buồn là hiện nay vẫn còn nhiều người có học, có kiến thức nhưng thiếu văn hoá như vậy quá.
Trả lờiXóaChào cô,
Trả lờiXóaTôi thấy bài này đề tài rất hay và cảm động nên muốn post lại ở trên blog của tôi có được không? Cám ơn cô trước. ThaiNC
@ anh ThaiNC,
Trả lờiXóaRất vui lòng, thưa anh. Cũng mong rằng khi bài viết này được post lên trang nhà anh sẽ có nhiều người chú ý. Xin cám ơn anh trước.