Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

TÀO LAO KÝ






Hôm qua, có một chuyện làm ta hết sức phiền lòng.
Một tiểu tử, xưng danh nhà báo ở một tờ nhật báo cũng thuộc loại nổi, thấy mấy bài viết của ta trên "phây" về những cảnh ngộ thương tâm, bèn liên hệ với một nàng bạn ta, nói sẽ chung tay giúp sức để ta tròn tâm nguyện. Bạn nói lại,ta ok.
Tiểu tử cho số điện thoại, nhắn địa chỉ email, nói ta viết bài gởi. Báo đăng, cũng í ới gọi điện thoại cho hay để ta mua báo đọc. Đọc xong ta choáng: tiểu tử dám sửa bài theo lối... sai bét thông tin, ký cái tên của tiểu tử vào đó! Lại gởi cho cái đơn, bảo gia đình của những người cần giúp đỡ kia chịu khó lên phường xã ký xác nhận đang sống ở địa phương, rồi gởi cho... hắn chứ không gửi thẳng về tòa soạn. Trong đầu thoáng một ý nghi nan, nhưng rồi lại tự nhủ: mục đích cuối cùng là người bất hạnh kia chứ không phải vì điều gì, thôi kệ...
Hai bài báo được đăng dưới tên hắn. Đăng xong, hắn liên tục gọi điện "cập nhật thông tin" xem những người khốn khổ kia nhận được nhiêu tiền. Lại nghi ngờ... rồi tặc lưỡi thì thôi kệ bà, người ta có quan tâm người ta mới hỏi.
Hóa ra sự việc đi xa hơn ta nghĩ. Cái bản mặt thật của tiểu tử đã lộ ra khi hắn trắng trợn "mượn đỡ" gia đình nạn nhân...8 triệu đồng, vì so với khoản tiền người ta có được, nhiêu đó chẳng là bao, mà cuộc chữa bệnh thì còn dài...thân nhân người ta ngại ngùng hỏi lại ta. Ta chết điếng bảo "đừng".
Nói thế chứ đã đưa hay đừng thì ta nào biết.
Đi cà phê với ông anh. Bực bội tuôn trào cho ổng nghe. Ổng chỉ cười, vênh mặt thấy... dễ ghét.
"Em ơi, đó là chuyện của người đời mà!"
Hóa ra, những gì mà ta tưởng đó là chuẩn mực đã lạc hậu. Thế giới giờ đã "toàn cầu hóa" bằng một thứ chuẩn mực khác.
Lại sực nhớ tập cuối của Bao công kỳ án, vụ án trộm bán muối quan. Vụ án thúc điệt đối đầu: một bên là tình thâm, một bên là luật pháp cần giữ nghiêm minh. Thúc là quan chấp pháp, danh tiếng lẫy lừng thiên hạ. Điệt là quan lớn cai quản một phương, lại tùy tiện cấu kết  với bọn buôn lậu, tuồn muối quan ra ngoài, đút tiền túi riêng, dù biết là phạm trọng án nếu bị phát hiện.
Vụ án có nhiều tình tiết có lợi cho Bao Miễng và lẽ ra đã khép lại vĩnh viễn vì không đủ chứng cứ kết tội. Nhưng cuối cùng, tấm lòng của người mẹ yêu con vô bờ vô tình lật tẩy tội trạng của con. Khi biết con mắc vòng lao lý, mẹ Bao Miễng đã lên kinh thành với 5 rương tiền mà trước đó Bao Miễng mang về "hiếu kính mẹ", mỗi rương 200 lượng bạc, vì sợ sẽ phải tốn kém nhiều cho việc đến cửa quan. Nào ngờ cuối cùng xong án mà không phải tốn cắc nào. Vì thế, khi Bao Chửng cho tiền về quê, bà không nhận mà còn khoe bà có rất nhiều tiền... Bao Chửng làm nhanh một bài toán cho bà thấy: tiền lương của Bao Miễng mỗi tháng chỉ có 20 lượng bạc, để có ngần ấy bạc đem về hiếu kính mẹ, hắn phải không ăn không xài suốt gần 4 năm chứ không phải ít. Vậy, tiền đó ở đâu ra nếu không phải tham ô? Miễng còn phân bua thì Bao Chửng đã lật con bài cuối: dưới mỗi nén bạc đều có khắc ký hiệu riêng! Miễng cúi đầu: "Tiểu điệt phục thúc đoán án như thần!"
Trong cuộc trò chuyện cuối cùng trong, ngoài đại lao giữa hai chú cháu, Bao Chửng hỏi: Vì sao biết phạm pháp mà vẫn làm? Bao Miễng trả lời: Vì hiếu đạo. Bao Chửng quát: Câm miệng! Mi đừng làm nhục mẹ mi. Bao Miễng cũng quát: Chính thúc mới làm nhục mẹ con đó! Lại hỏi: Vì sao? Miễng đáp: Chỉ vì cái danh thơm mà thúc cố gắng hết mình giữ lòng trong sạch, sống thanh bần, không ngại đắc tội quan trên, coi cái chết tựa lông hồng. Nhưng than ôi, với công trạng như vậy mà bổng lộc vua ban hàng tháng không bằng giá trị một món đồ mà thương nhân tùy tiện mua tặng kẻ dưới tay. Thử hỏi, nếu chẳng may đắc tội quan lớn trong triều vô phương cứu vãn, đường quan lộ gãy ngang, thì thúc về quê tay trắng, lấy chi nuôi thân thì nói chi phụng dưỡng mẹ già? Nếu ai cũng sống như thúc thì nhân gian không ai bỏ mười năm đèn sách, thi thố để được làm quan...
Nghĩ lại, tiểu tử ta đã nặng lời nhiếc móc trên F chiều qua, chắc cũng như Bao Miễng mà thôi. Hắn thà phạm tội còn hơn phải sống thanh bần, chịu sự khinh khi của một mớ người đời vì vẻ bề ngoài của hắn không được trang bị cho bắt mắt chăng?
Lấy lối hành xử trung dung ra mà nói, thì ta đã sai rồi!
Haizzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz!









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét