Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

giữ rừng

Bài này viết năm ngoái. Đoạt được một cái giải báo chí đáng vui nên repost, nhân loạt bài về rừng...

NGƯỜI GIỮ RỪNG 

Anh Huỳnh Tấn Đạt, người đã gắn bó với rừng hơn 15 năm qua
Giữ rừng. Nói một tiếng đơn giản, nhưng chấp nhận vào nghề này mới thấy không đơn giản. Chấp nhận làm người giữ rừng, là chấp nhận đối mặt với nhiều thứ: từ chuyện thiên tai đến… nhân tai, từ chuyện cháy rừng đến nạn phá rừng, lấy cắp của rừng. Dĩ nhiên, làm người giữ rừng thì còn phải chấp nhận… ở rừng, xa cách người thân, xa những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, chấp nhận một cuộc sống hết sức đơn giản… Bởi cuộc sống của họ gắn liền với sự bình yên của những cánh rừng.

  *Giữ rừng, cũng… rưng rưng nước mắt
Chúng tôi lên Vườn Quốc Gia Lò Gò – Xa Mát vào một ngày cuối tháng 5. Cúp điện nên chị em văn phòng Ban Quản lý VQG tranh thủ đi thăm anh em ở chốt Lò Gò. Đã có vài cây mưa, cỏ đã lên xanh mát nhưng chưa lấp được nguy cơ cháy rừng. Ngôi nhà nhỏ ở chốt Lò Gò vui hẳn lên vì khá lâu mới được đón tiếp nhiều khách như vậy. Một anh bộ đội biên phòng còn trẻ ngỏn ngoẻn cười: “Ở đây quanh năm tụi em chơi với… khỉ và ngắm cây rừng, chẳng mấy khi đông người như vậy…”. Nhưng cái vui của anh bộ đội Biên phòng xem ra không thấm gì với niềm vui của những người giữ rừng “thực thụ”. Có dịp tiếp khách, mấy chàng trai vốn quen việc… củi lửa vội lo nấu cơm làm cá thết đãi khách thăm rừng.  



Theo một cánh tuần tra đường sông đi một vòng, mới thấy chuyện vất vả của những anh em nơi đây. Ngày nào cũng phải tuần một vòng, nhưng hễ nghe báo hay có động tĩnh gì, anh em lại phải xách áo lao ngay xuống sông. Có ghe máy, nhưng thường khi những người đi tuần tra chỉ dùng những chiếc xuồng nhỏ, chèo tay để tiện hoạt động. Khúc sông Vàm đầu nguồn xanh trong, nhìn hiền hòa như bất kỳ con sông nào khác, nhưng lại ẩn chứa những tai họa khó lường. Cột mốc nằm giữa, bờ biên giới của ai nấy giữ, những kẻ xấu bụng chỉ cần bơi vài sải nước đã tới VN, lên rừng và tuồn gỗ trộm cướp được xuống ghe. Nếu không, chúng thả gỗ trôi sông hoặc đánh chìm xuống lòng sông. Chưa kể, dưới lòng sông xưa kia vẫn có rừng cây vài mươi năm tuổi, bị chặt hạ hoặc gãy, nằm rải rác. Không khéo dò đường chèo chống là bị đâm thủng ghe như chơi. 
Tôi theo chân những người giữ rừng đi dọc vành đai biên giới. So với chừng 15 năm về trước, đi rừng theo kiểu cánh nhá báo chúng tôi là “sướng như vua” vì cung đường “huyết mạch” của rừng dài chừng 30 cây số về phía khẩu Xa Mát, bề ngang rộng 20 mét, có nơi được rải nhựa, có nơi rải đá phún đỏ như máu, phẳng lì không dằn xóc. Một bên đường là hàng cột điện thẳng như giữa phố. Nghe nói, tất cả những dây điện ngang qua rừng đều được bọc nhựa cẩn thận vì sợ có sự cố sẽ ảnh hưởng đến cây cối, chim thú trong rừng. Đây thực ra cũng là đường giao thông để cho đội phòng chống cháy rừng có điều kiện chữa cháy kịp thời, và chống lây lan nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy rừng.
 Anh Nguyễn Thành Sơn, Tổ trưởng Tổ Quản lý Bảo vệ Vườn Quốc gia cho hay: mấy năm nay, tuy tình hình phá rừng lấy gỗ của “lâm tặc”, phá rừng làm rẫy (điều, cao su), săn bẫy thú rừng… của người dân địa phương và dân CPC có dịu đi chút ít, nhưng không phải là chấm dứt. Công việc của người giữ rừng là phải làm thế nào ngăn chặn, làm giảm thiểu tối đa những mất mát. Nói là nói vậy, nhưng với diện tích gần 20 ngàn héc ta rừng, trong đó có 45km đường biên giới giáp CPC, mà chỉ có 3 đội bảo vệ, chia ra 13 trạm, chốt với quân số dao động từ 50 – 55 người, thì quả là chuyện không đơn giản. Bởi vì, tuần rừng không giống như chúng tôi đi… xem rừng. Vào sâu trong rừng, cây to, bụi rậm, dây rừng giăng mắc… sẵn sàng “che chở” cho bọn tội phạm và… cất giấu những thân gỗ quý bị triệt hạ. Rừng quốc gia lại có một địa hình khá đa dạng: có suối, sông, có trảng cỏ và rừng ngập nước… nên mùa khô thì còn đỡ, mùa mưa, công việc tuần tra rất khó khăn. Lợi dụng mưa gió, lâm tặc lẻn vào cưa cắt, đốn hạ cậy và… cất giấu, chờ tới mùa khô mới quay lại mang đi. Người giữ rừng lại chỉ có trong tay những công cụ hỗ trợ quá ư… thô sơ: súng bắn đạn… cao su, roi điện, gậy và dùi cui. Cũng “may mắn” là những kẻ cắp thường né tránh lực lượng bảo vệ, nên những năm về sau, tuy các vụ xâm hại rừng vẫn còn đó nhưng các vụ đụng độ dẫn tới thiệt hại về người ít khi xảy ra.  

Anh Huỳnh Tấn Đạt, người đã gắn bó với rừng gần 15 năm nay, vẫn còn ấn tượng với trận hỗn chiến kinh hoàng năm 1997 giữa lực lượng bảo vệ rừng và người dân CPC sang trộm gỗ tại tiểu khu 25. Để đối phó với kẻ trộm có vũ khí, lực lượng biên phòng, kiểm lâm và bảo vệ rừng đã phải dùng biện pháp mạnh. Lúc đó Đạt mới gia nhập đội ngũ bảo vệ rừng. Thu nhập chỉ vừa đủ sống một cách tằn tiện, lại xa chợ, xa đường, thấy cảnh này Đạt chỉ toan bỏ việc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sức thanh niên mà cũng làm giống như những kẻ nhát gan khác, thấy khó là chạy thì thiệt hại sẽ không thể nào đo đếm được. Vốn là dân địa phương, và thật sự thương cảnh rừng  “đổ máu, trọc tóc” từng ngày, Đạt quyết định ở lại. Giờ, Đạt đang làm tổ trưởng của tổ bảo vệ khu vực nghiêm nhặt (rừng nguyên sinh), “cầm quân” 4 người khác, rà soát kiểm tra suốt 30km đường biên giới. Chuyện ngủ rừng là bình thường nếu phải phục bắt trộm hay xa quá không thể về ngay được. Nhưng Đạt nói, vì anh là dân địa phương nên dẫu sao còn đỡ. Có những anh em xa nhà, xa quê, cũng buộc lòng sống như bộ đội xa nhà. Thậm chí có anh vài năm liền không thể ăn tết với vợ con. Anh Vũ Minh Hiếu, quê tận ngoài Bắc, nói có năm cũng tính về thăm nhà từ trước tết để mang chút hương vị tết vào rừng vui với anh em. Không ngờ mới nửa đường đã phát hiện dấu vết bọn phá rừng nên đành quay trở lại. Lần đó, các anh em lần theo dấu vết suốt mấy ngày đêm và ngăn chặn kịp thời một vụ phá rừng lớn. Tổng cộng chúng có 49 người, 7 chiếc xe cù với đầu đủ dụng cụ cưa chặt. Nhưng anh em đã bắt lại được 28 người và 4 chiếc xe. Hóa ra chúng lợi dụng thời gian Tết, nghĩ anh em cuối năm lơ là mất cảnh giác mới lộng như thế.  
Nhưng bảo vệ rừng đâu chỉ chống lâm tặc. Ngoài chuyện tuyên truyền giáo dục ý thức người dân ủng hộ, đồng tâm giữ rừng, anh em còn nhiệm vụ phòng chống cháy rừng. Đây là nhiệm vụ vất vả nặng nề nhất. Vì hơn cả lâm tặc, một khu rừng bị cháy có nghĩa là toàn bộ hệ sinh thái khu vực đó cũng “tiêu” theo! Rừng Tây Ninh vốn là nơi nhạy cảm với lửa, nên suốt mùa khô, tinh thần anh em đều căng như dây đàn vì phải lo… “gác lửa”. 
*Những lãng mạn đáng yêu
Thu nhập ổn định nhưng không đáng kể so với… giá thị  trường, nơi ở tềnh toàng, không cần cửa nẻo, thức ăn đơn giản đến mức đáng ngại, phần lớn anh em ở các trạm, chốt… đều tự tăng gia sản xuất để có thêm rau, cá… xem giữa những bữa cá khô vốn đã trở thành món chủ lực. Mười ba chốt, trạm, có nơi có điện có nơi chưa, nhưng điều khiến anh em gắn bó với rừng chính là tình yêu vô vụ lợi với rừng, tình nguyện gắn bó cả cuộc đời với rừng chỉ vì họ khám phá nhiều điều thú vị ở rừng mà người khác không thể thấy. họ có thể kể vanh vách những loại rau trái của rừng, mùa nào thức ấy. Những con thú bé nhỏ nương náu trong bóng rừng trở thành “bạn bè chí thiết” đến nỗi vắng một con vật nào là các anh có thể nhận ra ngay. Những thay đổi dù thoáng qua, dù rất nhỏ của rừng cũng được các anh nắm bắt rất nhanh. Như vừa rồi, trong lúc đi tuần tra, các  anh ở trảng Tà Nốt phát hiện 2 cá thể sếu là lập tức báo ngay về cho Ban Quản lý. Người quan sát kế tiếp, bất kể đêm hôm, lặn lội “rình” lúc 3,4 giờ sáng mới chụp ảnh được cặp sếu, thế mà mừng như bắt được vàng.  
Đã có khá  nhiều người phụ nữ bị các anh “thu phục nhân tâm” để rồi lập nên một tổ ấm  hạnh phúc tại Vườn Quốc gia. Anh Lý Văn Trợ, Phó giám đốc Vườn quốc gia chỉ tay qua dãy nhà tập thể của Vườn mà cười: ban đầu tính làm nhà tập thể cho mấy ông tướng của cơ quan ở lại. Nếu anh chị nào ở cơ quan xây dựng gia đình và có ý phục vụ lâu dài, cơ quan sẽ cấp luôn cho căn đó… Nhưng mới đó, ngó lại mà không còn phòng… độc thân nào hết! 
Chúng tôi tỏ ra ái ngại, vì công việc cực khổ như vậy mà thu nhập chẳng có bao nhiêu, lãnh lương ra coi như hết sạch vì giá cả ở đây rất đắt. Nếu đi chợ, phải cách xa khoảng non 30 cây số. Biết được chuyện di chuyển khó khăn, người tiếp phẩm của 2 đồn Biên phòng 831 và Tân Phú thường ghé lại các trạm, để nhận “toa” đi mua thực phẩm giúp. Thấy chúng tôi băn khoăn, anh Sơn cười ha hả, giới thiệu với tôi một nhân vật: anh Tạ Văn Hùm, 37 tuổi, con trai của một người giữ rừng… không lương suốt hơn 30 năm trong rừng biên giới này. Ông vừa qua đời ít lâu. Đứa con, cảm thấy mình cũng thích… ở rừng như cha, nên xin vào làm bảo vệ!  
CẨM GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét