Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

bà già và những chú chó kéo xe

Cách đây hai năm, từ một người bạn ở xa, tôi có cơ duyên gặp người đàn bà nghèo kỳ dị đó. Bẵng đi một thời gian, lại nghe được một thông tin không mấy vui... Repost, để nhớ một trong những nhân vật nữ kỳ lạ của tôi, trong quãng đường cầm bút.

NGƯỜI ĐÀN BÀ NGHÈO TRÊN BẾN TRUNG DÂN
Trung Dân là tên một bến sông ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ, thuộc xã Phước Vinh, Châu Thành, Tây Ninh.
Hơn mười năm nay, trên bến sông ấy xuất hiện một nhân vật đặc biệt - một bà cụ già sống trong một căn chòi lộng gió và những con chó vàng. Có con được bà cụ huấn luyện để kéo xe, cũng có con chỉ để giữ nhà, quẩn quanh chân bà, làm trò cho bà vui mỗi khi đi đâu đó về... Đó là bà Ba Mỹ, năm nay đã bước sang tuổi 74. Đặc biệt hơn nữa, là nhờ mấy con chó nhỏ kéo xe ấy mà bà được nhiều người biết đến - một "hiện tượng" ở vùng biên giới nắng bụi rát da người này! Người ta đến có khi vì tò mò coi chuyện xe chó thực hư ra sao. Có người tìm đến vì cảm thương bà mẹ nghèo không có chỗ nương tựa nên sống với bầy chó làm vui! Còn tôi, đến với bà lại là do sự ủy thác của một bạn đọc tốt bụng muốn biếu bà một món quà tết.
Bà Ba Mỹ tên thật là Cao Thị Mỹ. Một cái tên đẹp. Nhưng bà lại "thừa hưởng" một cuộc đời đầy gian nan sóng gió, khó ai sánh kịp. Và, cũng chính bà, có nhiều cái biệt danh mà bất kỳ một người bình thường nào nghe thấy cũng sợ: "Bà Ba sát thủ", "Bà Ba rắn hổ". Cái tên thường nghe nhất, hiền lành và cũng... kỳ cục nhất là "bà già có chiếc xe chó", nói tới là ai cũng biết!

            Bà có chồng, có tới sáu người con. Chồng chết vì một trái mìn sót lại trong chiến tranh. Lúc đó, đứa con lớn mười bốn tuổi, đứa út chưa kịp chào đời. Bản năng người mẹ buộc bà làm tất cả những gì có thể làm được để nuôi sống đàn con: làm mướn, mót mì, mót lúa, trồng đậu trồng rau, tát cá giăng câu, đặt chuột bắt rắn... nói chung tất tần tật những kế mưu sinh lên bờ xuống ruộng đúng nghĩa! Đàn bà như bà, cũng ít có. Những người biết bà kể lại: "Bả giỏi thấy sợ. Đàn bà mà trèo dừa trèo me (hái mướn cho người ta), đánh cá, đào gốc... không thứ gì bà không làm được!"

       Tôi tin. Nhìn người đàn bà ngoài bảy mươi rắn đanh như một gốc cây ngâm bùn lâu năm thế kia... Tôi dám cá, nếu có bạn đọc nào nhìn thấy bà dù chỉ một lần, dù qua ảnh, sẽ khó mà quên được.
            Tôi đã đọc bài viết của một đồng nghiệp trên báo mạng, bởi vậy nên nhận ra bà ngay, dù chưa gặp bao giờ. Lúc đó đang trưa, bà đang lúi húi bẻ nhánh cây khô bên đường. Bạn tôi ngồi sau xe chỉ trỏ và hét toáng lên: "Dì Ba kìa, dì Ba kìa!". Nắng vùng biên mùa này kinh khủng, chúng tôi cứ bịt kín mít như Ninja, vậy mà người đàn bà nhỏ thó và gân guốc đó, cột khăn đầu rìu, áo bỏ vô quần, vẫn trằn mình ra làm việc như không có chuyện gì xảy ra! Bên cạnh đó, chú Vàng đứng ngoe nguẩy đuôi, lọt thỏm trong cỗ xe chở đầy củi, kiên nhẫn chờ đợi.
            Phải đến khi tận mắt nhìn thấy cỗ "cẩu xa" của bà, tôi mới tin trên cái xứ Tây Ninh này có một chiếc xe do chó kéo như thế! Nó được ghép bằng những ống nhựa PVC, loại ống nước thường thấy (cho nhẹ - bà Mỹ giải thích), vài khúc cây và 2 cái bánh xe đạp cũ, trên gác mấy tấm ván nhỏ. Bà chất lên đó mớ rau, mớ ốc, tép tôm hay bao lúa bao gạo, mấy khúc củi khô, bó cỏ cho bò... thậm chí thằng cháu ngoại nhỏ có thể ngồi lên "nhờ" mấy con chó chở đi mua... hủ tiếu!
Mấy con chó cũng hay lắm. Chúng biết nơi cần đến, cần về, và dường như nghe biết tiếng con người. "Hôm bữa, má tui ở dưới bến, có hai cô đi xe du lịch tới nhà tui kiếm má. Thằng con tui cột xe vào cổ con Bích (tên con chó vàng), thách: "Bi giờ con Bích kéo xe xuống bến kiếm bà ngoại nghe. Mấy cô có ngon đi theo nó, sẽ kiếm được ngoại!" hai cô kia gật đầu cái rụp, xe ô tô chạy theo xe chó, bụi mù trời. Xuống tới bến gặp ngay bà ngoại đang kéo cá, mấy cổ phục sát đất!".
            Mấy con chó của bà Ba thuộc loại đặc biệt. Không phải chó Tàu, chó Tây hay chó Nhật gì, chỉ là những chú Vàng quen thuộc như ta thường gặp ở nhiều cửa nhà quê Việt. Những con chó có dáng vẻ thân thuộc và ánh mắt rất lạ, như mắt người: hiền hòa, trung hậu. 
Bà nói về những con chó như người mẹ kể về những đứa con của mình. Mặc cho người nghe xuýt xoa trầm trồ khen mấy chú chó lanh lợi dễ thương, bà cứ vừa kể vừa chắc lưỡi: "Cũng tại tui. Yếu rồi nên phải để "tụi nhỏ" nầy mần phụ, chớ không thì..."
            "Chớ không thì..." là ý bà Ba nói, nếu bà còn khỏe như ngày xưa, chắc chắn không để tụi nhỏ phải kéo xe. Theo dòng hồi tưởng khi nhớ khi quên của bà, cả một quá khứ vất vả cay cực chưa một ngày sướng thân lần lượt hiện lên, thi thoảng được cô con gái xác nhận, giống như một dấu lặng thật dài trong bản nhạc đời bi tráng của bà. "Má cực lắm, mà khỏe lắm! Lội sông giăng lưới, bắt rắn trèo cây, chuyện gì má cũng dám làm... đặc biệt là rắn. Không con rắn nào lọt vô mắt má mà thoát kể cả rắn hổ mang... Má làm còn hơn đàn ông..."
            Bà cười: "Giỏi giang gì, không nhờ mấy con chó thì..."
            Trong suốt câu chuyện của bà, hầu như câu nào cũng "dính" đến mấy con chó, đều thấp thoáng hình ảnh những con chó vàng. Mỗi con có một cái tên, một tính cách riêng: con Bích, con Cơ, Rô, Đầm, Xe, Pháo, Mã... nhưng con nào cũng trung thành với chủ và biến báo bất ngờ! Như chuyện hồi nẳm đánh nhau với rắn hổ mang. Lần đó không có mấy con chó, không biết bà xoay sở ra sao. Phát hiện ra con rắn đang "khè khè" phồng mang trợn mắt ngay trước mặt là quá trễ cho việc bắt rắn hay một cuộc thoát thân! Trong tay chỉ có cây gậy trúc, dì kêu: mấy con... thế là tiếng chó sủa toáng lên tứ phía.  Ba con chó nhỏ nhắn nhưng "tốt tiếng" ra trò, xúm nhau chạy vòng vòng và sủa om sòm. Rắn ta phân vân không biết nên chọn đối tượng nào thì bà Ba đập cho một gậy, hết đường thoát! Đàn chó thay nhau. Trên bờ bao vây đuổi chuột, rắn, dưới nước thì lùa cá... Lúc kiếm được nhiều, cả chủ lẫn chó cùng no. Lúc không còn gì ăn, chủ ôm chó, chó liếm tay chủ gọi là an ủi cho qua cơn thắt ngặt, chẳng "đứa" nào có ý định rời chủ! Cuộc sống của bà trên vùng sông nước này, cứ thấm đẫm một thứ tình cảm tuyệt đẹp khó ai có được. Tôi nghe như mình đang sống giữa những trang viết về Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi hay Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam.
            "Bà cháu" sống như thế, cho đến một ngày bà Ba không còn đủ sức để khiêng vác gì đi xa được nữa thì đành phải nghĩ cách để "nhờ tụi nhỏ" giúp! "Tụi nó phụ tui kéo xe lâu rồi, không nhớ nổi. Chỉ nhớ bữa đó tui nói với tụi nó là bây giờ tao kéo hết nổi rồi, tụi bay phụ tao nghen, rồi tập cho tụi nó kéo, vậy thôi!"
            Những con chó ban đầu được tập đưa thư, đi chợ. Muốn thông tin cho con gái, cứ viết sẵn, đeo vào cổ nó rồi biểu "về nhà", tự khắc nó sẽ chạy về nhà, đưa tận tay cho con gái. Cần đi chợ, cứ viết danh sách cần mua, đeo vào cổ, biểu "đi chợ!" là chúng chạy một mạch ra tới chợ, tìm đến một người bạn hàng quen. Người này cứ theo lệnh trên giấy mà lấy đủ đồ chất lên, nó chạy te về nhà, không thiếu món gì. Hoặc những bữa có mớ cá, mớ ốc, bông lục bình... bà cứ bỏ lên xe đó và biểu đi đi, là chúng dông thẳng ra chợ rồi đứng đó chờ. Trước khi chủ nhân có mặt thì đừng ai dại dột mà động tay vào những món hàng đó!
          Sáu đứa con, không "nhờ" được người nào! Có mỗi thằng con trai lại bị tai nạn chết rồi, còn lại thì ai cũng nghèo, nuôi thân còn không xong nên đành lỗi đạo với mẹ. Cũng may bà là người thuộc tạng sinh ra để nuôi người khác chứ không để ai nuôi mình! Bảy mươi bốn tuổi, bắt đầu thấy bệnh tật thi nhau rỉa róc cái xác còm cõi. Vậy mà hễ nhúc nhích được là bà xuống bến kiếm cá kiếm ốc hay đi mót lúa. "Mấy hôm nay bịnh tim tái phát, má làm mệt hoài nên mới về đây ở chớ nếu không mấy cô phải xuống bến kiếm..."
            Cả đời chưa nhờ ai chuyện gì lớn, tự nhiên(?!) có người ở đâu tìm đến hỏi thăm, tặng quà, rồi khuyên về sống với con gái để con gái chăm sóc, thỉnh thoảng các cháu lại phụ giúp... Bà Ba Mỹ ứa nước mắt, bần thần: "Cô nói với bạn cô, tui cám ơn lắm! Tự nhiên ở đâu xa lắc, tui có biết cổ là ai mà mang tới cho tui quá nhiều tiền như vầy... tui cám ơn hết sức! Biết từ giờ tới chết, tui có gặp người đó mà đền ơn không?"
Chia tay người mẹ nghèo bên bến Trung Dân, tôi cứ bần thần trước hình ảnh bà trước cỗ xe chó chất nặng nỗi niềm, bần thần trước cảnh thi thoảng bà lại chép miệng: "thôi buồn làm chi. Nè chó, múa chơi tụi con!" rồi nắm tay mấy con chó, nhảy vòng tròn, cười vui như trẻ nít!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét