Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013


Truyện ngắn:

CHUYỆN TÌNH GIÓ NÚI

Quán Gió Núi, buổi chiều lồng lộng gió. Gió thúc riết trên mái tôn, mái lá, lướt sàn sạt, đập ù ù, như muốn nghiền nát tất cả những thứ chung quanh cản đường nó. Vẫy vùng chán, gió lại chùng xuống, mơn man lướt trên da người như một cô gái trẻ nũng nịu vuốt ve cánh tay người yêu. Rồi lại tiếp tục vũ khúc của mình một cách mê mải.
Những người đàn ông ngồi cà phê từ chiều dưới gốc sa kê ngoài sân, giờ lục tục kéo nhau vô nhà. Lâu ngày họ mới gặp nhau, nên muốn nhậu cho tới bến một bữa. Hồi chiều Dũng đã giới thiệu với cả hội, quán này có một nhân vật “ca sĩ quán” hay lắm. Anh nói đã từng nghe nàng hát cả mười năm qua tại quán này, đã nghiện giọng hát này và từ độ ấy đến giờ vẫn chưa thấy vơi đi sự quyến rũ. Tiếc một điều, cô ấy không được nguyên vẹn như người ta. Một cơn sốt bại liệt đã cướp đi của cô ấy đôi chân từ lúc nhỏ, khiến cô ấy phải đi bằng cặp nạng… Thành, vì cái câu PR đầy ấn tượng đó, mà ở lại, quên hết bao nhiêu công chuyện còn dồn đống chưa giải quyết xong.
Khi mọi người yên vị thì cửa mở. Một bóng áo trắng hiện ra.
Thoắt chốc, Thành thấy lòng rúng động.
Chừng như dấu vết thời gian không ghi lại được gì trên gương mặt đó. Nhẹ nhõm, thanh thoát. Ánh mắt trong veo, đôi môi nũng nịu và nụ cười thơ trẻ. Chiếc áo trắng thêu thùa đơn giản, một sợi dây chuyền bạch kim lấp lánh trên cổ, một đôi hoa tai hột đá trắng nhỏ xíu e ấp sau làn tóc mai buông hờ. Son phấn rất nhẹ nhàng tinh tế đủ để làm sáng và nhấn thêm nét duyên dáng của gương mặt. Thành liên tưởng đến một nhành huệ trắng mới cắt buổi sáng. Nàng bước vào phòng bằng đôi nạng gỗ màu ngà ngà vàng, đã lên nước bóng loáng. Khẽ gật đầu chào mọi người, rồi nàng tới ngồi trong chiếc ghế đầu bàn dành riêng cho mình, với tay lấy cây guitar thùng mà một nhân viên vừa đưa tới, thong thả nắn phím so dây. Và hát.
Nàng hát say sưa. Như không còn biết có những khán giả đang “ngậm mà nghe” âm thanh tuôn ra từ cái cổ họng trời sinh để hát, trong căn phòng mười sáu mét vuông. Cái dáng cúi mình nắn phím của nàng, bàn tay phất trên sáu dây tơ kia quả rất mê hoặc người, dễ khiến người khác liên tưởng tới những nàng con gái trong truyện liêu trai của Bồ Tùng Linh. Đây đích thị không phải là một ca-sĩ-quán-nhậu, kiểu ca sĩ chân dài - hơi thấp mà dân rành quán tiệm thường lớn giọng bình phẩm và đồn đãi từ cái liếc mắt như xoáy vào óc người đối diện đến cái nguẩy mông, hất tóc để thu phục lòng… thực khách. Ở đây, những người khách quây quần với nhau để nghe nàng hát, thật không còn thiết đến những thứ thức ăn thức uống bày biện trước mặt. Những ánh mắt trầm ngâm. Những cái thở dài như nén lại còn phân nửa. Và cũng có những người khe khẽ nhắm mắt, mượn một hớp rượu mà giấu giọt nước mắt đàn ông.
Thỉnh thoảng, người hát lại ngẩng mặt lên, đưa mắt nhìn khán giả. Thành cứ phải rùng mình mỗi khi ánh mắt ấy chạm vào mắt anh. Ánh mắt trong veo như đang nhìn thấu hết lòng anh. Thành có cảm giác gương mặt thanh thanh với ánh mắt trong veo và nhẫn nại đó, anh đã từng gặp ở đâu rồi. Và, khi nàng cất lời, Thành như cảm thấy như giông bão của một đời người đã tràn qua, nén lại trong từng nét nhạc, từng lời hát ngọt ngào. Càng lúc, Thành càng tin chắc mình đã từng gặp nàng.

***
Linh cảm của tôi kỳ lạ quá. Từ trưa, không hiểu sao tôi nghe nôn nao trong lòng. Có điều gì đó cứ cuộn lên lạ lẫm. Như chờ đón một cái gì đó sẽ xảy tới. Và thốt nhiên tôi thấy người đó, chiều nay…
Người đó không nhìn ra tôi.
Mà phải. Hai mươi năm trước, tôi chỉ là con bé Đẹt nhỏ nhoi trong cô nhi viện. Dặt dẹo như một tàu lá chuối. Bệnh tật biến tôi thành một đứa trẻ hay khóc, hay tự ti, hay xù lông nhím lên với bất cứ một điều gì dù nhỏ mà mọi người làm không đúng ý mình. Giữa đám trẻ mồ côi nhưng còn may mắn đủ tay đủ chân để chạy nhảy, tôi chỉ biết lê lết sống trong nỗi muộn phiền cùng cực. Tôi oán trách số phận đã khiến mình bị tật nguyền, oán trách cha mẹ đã sinh ra rồi bỏ mặc tôi cho cô nhi viện. Ở một chân trời nào đó, bên cạnh những đứa con ngoan xinh như thiên thần (từ mà các cô trong nhà trẻ hay dùng), cha mẹ có khi nào ngồi nghĩ lại xem mình còn có một đứa con gái bơ vơ đâu đó, sống bằng tình thương yêu của nhân loại. Suốt ngày ngoài việc được học kinh, đọc sách, tôi hay tự hỏi lòng như vậy. Gương mặt tôi đầy những vệt u tối. Tư tưởng không thoải mái nên tôi luôn là con bé khó gần.
Năm đó, anh tới Trại mồ côi cùng với đám bạn bè anh. Tôi nhớ anh đã dừng lại thật lâu với tôi, sau khi nói chuyện với một bà xơ. Anh kéo chân mình lên. Tôi ngại ngùng ké né rồi òa khóc. Đôi chân tôi ướt mồ hôi lạnh, đầy dấu chai đen thui, mềm nhũn, khẳng khiu xương xẩu. Bàn tay ấm áp của anh xoa vuốt từng bắp thịt, từng cọng gân bám vào xương, và anh nói: Bé phải tập đi. Phải đứng lên bằng chính sức lực của mình. Không thể ngồi mà khóc như thế. Rồi sẽ được thôi mà.
Những ngày sau đó, anh thỉnh thoảng lại tới cô nhi viện. Tôi được phát một cặp nạng vừa vặn tay chống. Những ngày đầu, nhấc được thân thể ra khỏi giường rất khó. Lại còn trượt vào xe lăn nữa. Rồi còn tập vịn tường mà đi dù rất đau đớn. Vừa tập mọi động tác cho tôi, anh vừa trò chuyện, giảng giải. Anh kể tôi nghe những câu chuyện rất thú vị khiến cho tôi quên đi nỗi bất hạnh làm người tật nguyền, khờ khạo. Lần đầu tiên một đứa như tôi phát ra tiếng cười giòn tan khiến các cô trong trại mồ côi lấy làm lạ. Những giờ thư giãn, anh lôi đàn ra hát, bắt tôi hát theo cho vui. Những bài hát của anh đầy tự sự mà nhiều đứa bảo là anh hát cái gì mà cà kê nghe không được. Tôi thì say sưa nghe anh hát, như uống lấy từng lời.
Suốt nhiều tháng liền, cuối cùng tôi cũng đứng lên và di chuyển nhanh nhẹn trên đôi nạng gỗ. Như vậy đã là một thành công lớn. Vì anh nói nếu không tích cực chữa trị, có nguy cơ tôi phải ngồi xe lăn mãn đời.
Anh vắng dần rồi mất hút. Tuy vậy, thỉnh thoảng anh lại gửi thư về động viên tôi, khuyên tôi cố gắng. Anh nói mình còn công việc và cũng còn những đứa trẻ khác phải lo, như tôi. Những trang thư của anh làm tôi rung động mãnh liệt. Với tôi, ngoài việc là một ân nhân, anh còn phả vào tôi một hơi ấm khác, của tình anh em, và tình… gì nữa, tôi không biết, mà vắng  anh, tôi thấy nhớ nhung khôn xiết.
Tôi được đi học phổ thông. Rồi được đi học đàn. Thấy tôi có giọng hát tốt, thầy đã khuyên tôi luyện thanh. Phải rèn luyện dưới sự coi ngó gắt gao của thầy, tôi ớn lắm. Nhưng nghĩ tới anh, tới ngày nào đó tôi sẽ gặp anh và hát cho anh nghe những bài tình ca nói hộ lòng mình, tôi hết sức cố gắng.
Tôi vào đời bằng nghiệp cầm ca mười mấy năm nay. Người ta gọi tôi là Hồng Lệ. Một nghệ danh nghe có hơi hướng cải lương một chút. Nhưng không hiểu sao tôi thích cái tên này. Tôi cứ luôn ví von mình như một giọt lệ đợi chờ, từ trắng trong long lanh cho đến lúc cạn ngày cạn tháng, khi lệ hóa màu hồng…
Những gì anh dạy tôi về ý chí phấn đấu, về lòng tự trọng, tôi chưa bao giờ quên. Vậy mà, suốt từng đó thời gian, tôi chưa bao giờ gặp lại anh. Không biết có khi nào anh nhớ tới cô bé Đẹt tật nguyền ngày xưa anh từng chăm sóc cho nó trong một khoảng thời gian dài, để lại trong lòng nó bao nhiêu yêu thương, khát vọng? Buổi chiều nay, dường như tôi gặp lại anh. Nhưng sao ánh mắt anh nhìn tôi có vẻ xa lạ thế? Đó là ánh mắt tò mò pha chút thương hại sao đó. Dù anh có tỏ ra cố gắng, nhưng tôi hiểu âm nhạc không giúp gì được. Anh đã quên tôi thật rồi.

***
Bài hát cuối cùng là bài Thành rất thích: Bến cũ. Giọng người ca sĩ cứ như day dứt như muốn trao gửi một điều gì, và Thành đã uống nhiều ly, cứ ngồi ngơ ngẩn hoài, dù những người bạn đã lần lượt cáo lui. Dũng nhìn đăm đăm vào mặt Thành rồi khều nhẹ: “Tư lự gì dữ vậy cha nội?” Thành bật thốt: “Tự nhiên nhớ một cô bé…”. Dũng cười: “Tình đầu hả?”; “Cũng không biết gọi là thứ tình cảm quỷ quái gì, nhưng mà tôi nghe bài này, lại nhớ cô bé ấy. Cũng bị tật, không may như cô này vậy. Không biết bây giờ cô ấy ở đâu, chồng con gì được không? Tôi đi kiếm cổ mà không ra…”. Lời của Thành chìm nghỉm trong tiếng đàn tự dưng bị đẩy lên dữ dội. Hình như tiếng hát nghẹn trong nước mắt…
Thành thoắt giật mình. Người ca sĩ đã ngưng nhịp đàn, đôi mắt trong veo giờ hơi ửng đỏ, khẽ khàng hỏi: “Ông có phải là người hồi xưa hay tới cô nhi viện ở Long Thành không ạ?” Dũng cũng giật mình: “Sao cô hỏi vậy?”. Như thoáng chút bối rối, rồi người đẹp cười nhẹ: “À không, tôi chỉ hỏi vậy thôi. Tôi đã từng ở đó và thấy ông đây… giống giống nên hỏi chớ không có gì khác.” Một  cái gì đó chợt lóe lên trong óc Thành, vụt thành lời: “Cô là… bé Đẹt? Đúng không?”.
Người ca sĩ nhẹ gật gật đầu: “Ít ai biết cái tên hồi nhỏ của tôi nếu như không biết cô nhi viện. Nếu anh có tới đó, thì anh chính là người hồi xưa đã dạy tôi phải biết đứng vững bằng đôi chân của mình, dù có tật nguyền?”
Thành thoắt cười lớn: “Trái đất tròn! Trái đất tròn! Vài năm nay, anh nhớ tới em và đi tìm em mà không ra, cuối cùng lại gặp ở đây. Nếu thích thì thôi, còn không thích ở một mình nơi phố núi này thì tới một chỗ khác, anh đảm bảo sẽ làm em vui và hạnh phúc với những ngày còn lại.” Dũng tròn xoe mắt nhìn thằng bạn như nhìn một vật thể lạ ngoài hành tinh. Sao bữa nay nó có cơn, ăn nói lưu loát tràn trề vậy cà? Hay đúng đây là người trong mộng của chàng ta mà lâu nay bạn bè không biết? Hay chàng ta say rượu?

Sau đó vài tuần, quán Gió Núi mất đi nàng ca sĩ đi bằng đôi nạng gỗ. Nhưng một nơi khác có nhiều nhiều đứa trẻ mồ côi bắt đầu mở đôi môi tròn nở ra những lời ca thật đẹp cùng với cô giáo xinh luôn luôn mỉm cười với chúng.
CẨM GIANG





5 nhận xét:

  1. Như trong mơ, hở em?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ... Truyện mà chị. TG có quyền hư cấu,

      Xóa
  2. Một câu chuyện thậy hay và dễ thương quá Đá à. Thanks Đá nhiều nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đá ơi ! Đá vào THIẾT KẾ -BÀI ĐĂNG và NHẬN XÉT
      Đá bấm vào Ô KHG BAO GIỜ
      , để mọi người vào khỏi phải gõ mã chữ nha .

      Xóa
    2. Đã làm theo lời MTB nhưng không đặng

      Xóa