Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

người viết...


ĐỌC THƠ CỦA ĐÁ
Đặng Đình Túy
1
Tôi biết tên thật của người thơ. Tôi cũng biết những bút hiệu của nàng. Khá nhiều. Nhưng tôi chỉ có quyền viết rằng thơ ấy là thơ của Đá. Nàng là Đá. Và  là … đàn bà. Và nàng ghi rằng thơ ấy của nàng, – của Đá. Ta đành chìu theo ý nàng. Hẳn kẻ ấy phải có ít ra một lần nhìn thấy “khía-cạnh-đá” của mình. A, tâm hồn nghệ sĩ là vậy. Giữa một thức giấc, giữa đoạn đường đi, giữa phút thẫn thờ tự soi ngắm, ngay cả khi giữa ồn ào nhộn nhịp chói chang bỗng thoáng nhận ra dáng mình. Và lẩm bẩm : mình đá thật! 
Giây phút “ngộ” thoáng chốc như kinh nghiệm của một thiền sư.

Ừ nhỉ, nàng là đàn bà, nhưng đá. Bộ đá không thể là đàn bà sao? Có điều để là đá thì phải được hình thành qua một quá trình. Như vậy kẻ xưng mình là đá đã nói nhiều lắm đấy. Nói rằng không phải bẩm sinh ta là đá mà ta chỉ trở thành. Cuộc kết thạch đòi hỏi nhiều chu kỳ hóa thân. Hóa thân của cực hình.
Nhưng chắc bây giờ hết rồi. Bây giờ người thơ tỉnh táo đón nhận. Mỗi giòng chữ viết sau đó là những tỉnh táo đón nhận.
Bạn đã thấy bà nội trợ làm dưa chua chưa? Bà nén bà lèn mọi thứ vào trong hũ sành nhỏ. Có ai lắng nghe được tiếng rên rỉ khi lên men của từng cánh lá cải, từng cộng rau, từng củ hành, lát tỏi thái nhỏ trộn với lớp nước muối đựng trong lọ sành?
Nào, giờ ta thử mở nắp ra xem.
2
Bảo rằng người thơ là kẻ cô đơn, thì ai mà chẳng cô đơn? Mọi chúng ta đều cô đơn cả. Thượng Đế cho ta thật nhiều phương tiện : cho ta mắt để nhìn, cho ta mũi để ngửi, cho ta lưỡi nếm, cho tai nghe, cho ta cả làn da để dò dẫm sờ nắn làn da. Người cho ta ngôn ngữ để bày tỏ, còn cho cử chỉ để giúp phần  diễn đạt thêm sâu kín : con mắt đăm đắm gửi gắm, cánh tay đưa lên chới với tuyệt vọng … rốt cuộc ta vẫn bất lực trong việc làm cho người khác hiểu ta. Đành xuôi tay, chỉ còn ta với ta đối mặt:
Tôi ngồi tôi uống tửng tưng
Một ly một ấm
Một rưng rưng….
cười
Khôn quá là khôn đi. Nói thế mà không phải thế. Nói thế để chứng tỏ mình là đá mà! Mình nàng rưng rưng cười trong khi nhân loại chỉ biết rưng rưng khóc rưng rưng buồn. (Nên thêm hai câu trước để rõ trắng đen hơn : Ừa thôi thì kệ hết nghe/ Vòng tay tạ lỗi tư bề người dưng).  Có ai đưa chiếc khăn tay lau dùm khóe mắt rưng rưng cười ấy chưa? Bài thơ có tựa “Tạ lỗi người dưng”– ai mà chẳng người dưng trước khi trở thành người thân?

Người nghệ sĩ vốn có tài, nước lã mà gột nên hồ. Là bởi tâm hồn người nhạy lắm, nghe được thấy được giữa khoảng không, và rung động hảo huyền:
Đã lập đông rồi vẫn còn mưa rớt 
Ngày hôm qua có một nụ cười
ai (nàng viết hoa nhưng tôi mạn phép ghi bằng chữ thường) đã đánh
rơi trong lúc vội vàng đi tìm nơi trú ẩn
Nụ cười rất ấm
Tôi lượm về
Dỗ dành một bình minh 
(Bâng quơ)
Tâm hồn người nữ ngày nay không ướt rũ, ngây thơ như ngày xưa thuở Hoài Thanh góp nhặt chép trong cuốn Thi nhân Việt-Nam. Điều đó không bắt họ khô quắt, nhưng lý ra lý, tình ra tình mà. Cho nên khi cần, họ ráo hoảnh, lý sự chắc nịch:
Anh dắt em đi trên sông sao
cùng ước mơ về một ngôi nhà
có hương hoa thơm
và những tàng cây trĩu quả
Ở đó
những đứa con của chúng ta
Anh dắt em đi trên sông sao
dòng Ngân hà có thật
Nên rốt cuộc
Ngôi nhà xinh và những đứa con yêu dấu
thành chuyện hoang đường
(Hát rong – toàn bài)
Nếu A đã là A thì B nhất định phải là B : điều phải chứng minh!
Những gì có thật dễ làm ta rung động. Thơ của Đá rất thật, thật như tâm hồn người phụ nữ nam bộ. Thành ra khi chao chọng, dù biết chẳng có tín hiệu đáp trả nàng vẫn thẳng thắn tỏ bày… với mình:
Chiều nay mưa gió nằm ngơi
nên lòng bão dậy ngùi ngùi. Chết chưa!
Biết sao đong đếm bây giờ?
Gom từng sợi nhớ về vo cho tròn
Thả rông mấy cụm lên non
Lùa vài ba mảnh lơn tơn xuống đồi
Thiệt tình là nhớ không nguôi
Ngặt không dám nhận, họ cười. Làm sao? 
(Vo tròn nỗi nhớ)
Ai cười kệ họ chứ nhưng tôi không cười. Lời của đá chẳng đá chút nào. Rất mềm, rất sâu ; nhiều bài tôi thấy là tuyệt hay không phải vì trau chuốt kỹ thuật mà vì sức mạnh của lời của ý đã tác động trực tiếp vào tôi:
Ngày áp thấp
Nhan sắc bưng một ly sinh tố
Giọng buồn như mưa
Hát về những cuộc tình
Mà cuộc tình nào cũng nặng như bầu trời ngày bão rớt
Ngày tiểu tuyết
Nỗi buồn đánh vỡ chính mình
Rơi từng mảnh trên thềm ký ức
Gió đi qua phảng phất một mùi hương…
Buồn lành lặn lại nguyên màu buồn cũ
Đã lập đông rồi vẫn còn mưa rớt
Ngày hôm qua có một nụ cười
Ai đã đánh rơi trong lúc vội vàng đi tìm nơi trú ẩn
Nụ cười rất ấm
Tôi lượm về
Dỗ dành một bình minh
(Bâng quơ - toàn bài)
Người đẹp chẳng cần trang điểm khi nhan sắc đã sẵn ; thơ của Đá không cần tô son, chúng tự nhiên trào ra vội vã như thế. Nỗi buồn đánh vỡ chính mình/rơi từng mảnh trên thềm ký ức/gió đi qua… ta tưởng như đang nghe một người kể với mình, một cáchrất tự nhiên, những lời đó.
Với tâm hồn của một ông lão như tôi, đọc thơ Đá có lúc tôi đâm hoảng. Tôi tự hỏi : người ta yêu dữ dội vậy ư? Xin bạn đọc yên tâm, chưa bao giờ người thơ nói đến chuyện chết sống –đừng tưởng chỉ có chết sống mới là chuyện lớn, có những phút khắc khoải trong đời người còn khủng khiếp hơn nhiều. Mà cũng không nữa : Đá nào có nói chi đến bi thảm, nàng chỉ cười cợt, nàng “tưng tưng” (lời nàng) thế nhưng ta vẫn nhìn thấy vẻ nghiêm trọng trong từng phút giây nàng sống. Tưởng vậy chứ nàng có thứ “mật ngôn” mà chỉ mình nàng hiểu. Ta đọc nhưng nào ta có hiểu hết. Ta chỉ linh cảm rằng nàng đã nhốt trong ấy bao nhiêu điều thầm kín đen như đêm đen và đặc sền sệt chất keo khiến ta e dè nửa như muốn tìm vào lại nửa như e dè sợ khua động làm phiền nhiễu trước những điều quá đỗi riêng tư. Tôi thích bài thơ dưới đây và khám phá ra rằng trong hình thức thơ không gò bó số câu số chữ, Đá thênh thang trải rộng lòng mình hơn nhiều ; nói khác đi, thơ nàng có cơ hội …đi hoang. Thú vị hơn nhiều lắm.
Tháng Mười Một tặng cho em bông mắc cỡ tây li ti màu tím
Những triền cỏ lau trổ nhánh ngây thơ 
Em tóc bím mấy đuôi áo dài quá gối
Cười lơ ngơ và khóc cũng lơ ngơ
Tháng Mười Một những ngọn bấc non bắt đầu in dấu
Trên tay em những vệt gió trắng rụng rời
Trên môi em tím ngắt dấu răng. Ơi…
Mùa con gái đã qua
Mắt đã bạc với gió trời và lòng đã nát vì biển động
Tháng mười một nào bẻ một cành hồng trắng
Lén bỏ trong cặp bàng(?)
Bàng hoàng tặng nhau cơn mưa vét cuối năm…
Tháng Mười Một xa xăm…
Tháng Mười Một thật gần.
Như trăng mãn hạn tròn thì khuyết
Cơn điên em nằm mệt bên ngày
Sáng nay chân xóc nhánh mắc cỡ tây
Có mấy giọt mưa mười lăm rớt vội qua gò má ngũ tuần
Chừng lòng chưa nguôi nhớ một đêm thơm
Đêm điên cuối cùng của một đời cỏ dại
(Tháng mười một, em và cơn điên cuối cùng)
Bạn không có cảm tưởng rằng câu chuyện kể chưa trót? Không phải sự việc đâu, mà là tình tự : kẻ mà mắt đã bạc với gió trời và lòng đã nát vì biển động chắc phải còn nhiều điều để nói chứ? Tức tưởi thế sao đành?
Thơ của Đá “dữ dội” ở chỗ đó. Hình ảnh chen chúc, ý tưởng rộn ràng. Tôi chưa đọc thấy ở thơ ai cái mãnh liệt của tình và kín đáo của lời lẽ đến khiến mình sững sờ như vậy.
3
Trước, thơ có truyền thống …chật hẹp của nó : kiêu kỳ, trau chuốt, sang cả, phong lưu, bác học, tưởng như nơi ấy đàn ông thì phong lưu nho nhã mà phụ nữ thì thướt tha yểu điệu. Phải chờ khi súng nổ đạn bay thì thơ mới chịu chảy máu, mới xanh xao vàng võ ; rồi phải qua nhiều xanh xao vàng võ mới tới được đầu đường xó chợ trong cách phát ngôn. Thơ thay áo, không cần phải đẹp mới làm chạnh lòng; xấu cũng gây chạnh lòng. Ngôn ngữ thơ thôi đeo ngọc đeo vàng mới “đã đời du côn” (Bùi Giáng) được. Hình ảnh tục, lời lẽ tục thi nhau mở cửa thơ sấn vào. Nguyễn đức Sơn là người đầu tiên (theo tôi biết) mang lời tục và hình ảnh tục vào thơ. Thế mà thơ ông vẫn hay, vẫn rất quyến rủ. Sau đó thì mọi người thi nhau  mặc áo bẩn nhảy lên sân khấu dùng ngôn ngữ đời thường. Ai hay cứ hay, ai dở vẫn dở ; thì ra hay dở không nằm ở chỗ ấy. Đã có người ra tay cởi trói thì mọi người bổng cảm thấy thoải mái cả. Hồi trước thơ thảy nói giọng bắc vì nói giọng bắc mới nho nhã nên thơ được ; giờ người ta mang thổ âm thổ ngữ vào. Người Huế bèn “chi lạ rứa, răng mô mà…” Và thơ của Đá thì rặt giọng miền nam : Thiệt tình là nhớ không nguôi/Ngặt không dám nhận… Nghe ra giọng Tây Ninh lắm.
Nhiều khi tôi bổng thấy sung sướng khi đọc tiếng mình. Chắc tại tôi dốt ngoại ngữ nên cứ phải vật lộn với chúng mà lúc nào cũng ngờ vực mình, thắc mắc không biết  hiểu như vậy đã đúng hay chưa ; rồi khi đọc được câu văn Việt gặp một chữ chưa hề nghe chưa hề biết, hoặc do cách sử dụng khác lạ, nhất là trong thơ, mà mình vẫn đoán hiểu được (và nhất là ít ngờ vực như khi đọc tiếng người vì sợ có kẻ chê mình dốt) tôi cảm thấy sảng khoái như vừa từ ngoài đường về đang đóng bộ tươm tất, giờ bước vô nhà đánh trần mặc quần xà-lỏn khỏe sao là khỏe. Trong một bài thơ, Đá viết thế này :
Thơm một miếng vào dấu yêu bữa nọ
Bữa lăn tăn mà gió cuộn sóng lừng
Thơm một miếng vào chiều mưa nho nhỏ
Ngó mây xa nhớ một sợi khói gần
Thơm một miếng vào tinh khôi mắt biếc
Để in thêm những vụng dại tình trần
Thơm một miếng vào nỗi buồn chín rục
Mai đem về ngâm một hũ chung thân
Ai bạo gan dám nói rằng mình hiểu đúng nàng muốn nói gì trong vô số từ ngọng nghịu chỉ riêng nàng sử dụng. Tôi không dùng chữ “ngọng nghịu” trong nghĩa chê bai nhưng muốn so sánh nó với cái líu lo của đứa trẻ chưa biết nói không làm sao diễn dịch hết được cảm giác mừng rỡ xôn xao đầy ắp trong tâm khi thấy mẹ ở chợ về. Phải cần một cường độ hứng khởi nào đó đủ cho người ta thốt lời vô nghĩa trong ý nghĩa của vô cùng! Thật vậy, nếu phần ngôn ngữ trong thơ khá quan trọng (vì sao quan trọng? Vì thơ ngắn mà văn dài ; thơ hàm súc mà văn cà kê ; thơ vội vã mà văn dềnh dàng ; thơ là chụp bắt còn văn thì cứ thong dong tản bộ kiên trì lẻo đẻo tìm theo kỳ cho tới khi vỡ lẽ) thì bài thơ hay thường nhờ tài sử dụng ngôn ngữ, điều này trong thơ Đá được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôi có cảm tưởng người thơ đã chán ngấy với hư ảo nên biến mọi thứ thành hiện thực : một vụn buồn, mộtchén quạnh hiu, tình suy dinh dưỡng, rụng rời cơn đau áp thấp. Hay trong bài thơ có tựa là Giấu:
Em giấu nụ cười trong buổi chiều nín gió 
Ly cà-phê không anh
Thơm và đắng như một hoàng hôn
Nhớ ngất ngưởng đỉnh cười  (chính tôi in đậm)
Một đoạn thơ khác trong một bài khác :
Buổi chiều  thơm như một ly bia
Vừa rót tràn chưa pha mùi hỗn tạp 
Ta cầm buổi chiều, nhắm mắt 
Uống một hơi cho cạn hết nồng nàn 
(Buổi chiều ký ức) 
Như thế không phải ta chỉ có khả năng cảm thông với nổi khổ đau của kẻ khác; ta cũng có khả năng vui lây, hăng lây, đam mê lây, tha thiết lây và choáng ngợp lây… nữa.
Thôi nhé, ham hố trích nhiều quá đâm ra chỗ mình đang quảng cáo bán đồ chợ trời, chỉ bởi không đủ sức diễn đạt để thuyết phục người đọc. Tuy nhiên, khó mà giải thích tại sao ta yêu tài kẻ này, bị quyến rủ bởi cách viết kẻ nọ. Thí dụ khi đọc văn Haruki Murakami tôi cứ bị lôi kéo không muốn ngừng dù đọc ông bằng ngoại ngữ với tôi vất vả lắm chứ không phải chuyện chơi. Đọc thơ của Đá tôi cũng bị một lôi cuốn như vậy. Nhiều hình ảnh tầm thường thôi nhưng dường như chúng đánh đúng vào sợi dây tơ nào đó nơi mình khiến mình cũng nhớ thương ngang cái hoàn cảnh  của …người ta: 
Bữa ngồi uống rượu khan cùng đá núi
Bất thần mưa trên xóm rẫy đìu hiu
Khô khan mà ướt đẫm; trơ trọi mà dày đặc ưu phiền. Chỉ dùng riêng một gamme mầu xám monochrome nên bức tranh bỗng gây xót xa khôn cùng. Những câu thơ này phi giới tính, xin đừng cho là tôi khen vì dại gái…
Khởi đầu với phong trào Xuân Thu Nhã Tập, thi ca Việt khoác thêm vào nó một chiều kích mới, chiều kích của ẩn ngữ/ẩn ngôn. Như hội họa bước vào trừu tượng, siêu thực, vô hình dung ; như âm nhạc đi vào chỗ không lời ; như văn chương trong thế giới Kafka. Nó cống hiến cho giới thưởng ngoạn một chỗ đứng góp phần bao la hơn ; thưởng ngoạn chưa bao giờ đúng nghĩa như khi được coi là một lần sáng tạo mới. Sáng tạo trong nghĩa cổ điển chỉ là ném ra cho đời món ăn đã có đủ gia vị ; kẻ thưởng ngoạn vì vậy chỉ còn có thể bỏ vào mồm nhai mà không còn sáng kiến gì hơn, nhưng càng về sau con người càng đòi hỏi những góp phần tích cực  vào công trình ; nghệ thuật trở thành sáng tạo của tập thể, không còn chỉ là của  một người.
Thơ của Đá mở ra ý hướng đó.





Đặng Đình Túy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét