Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Cho Đá

CHO ĐÁ

Chờ khi bóng khuất sau bờ giậu
Hương cũng tan theo tiếng xe gầm
Chờ khi nước mắt khô trong mắt
Gói cất nhớ thương tại chỗ nằm.

Chờ nhau, biết đến bao giờ nhỉ?
Làm sao tính được hết tháng năm?
Đã cột cho mình đôi sợi chỉ
Mà mắc chi đâu cứ khóc thầm.

Thôi thôi, giũ bụi rời tay áo
Mỏi mòn, chưa thấy bóng tri âm
Đốt nhang soi lối, về núi ngủ
Đá vờn bóng đá suốt muôn năm.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

người viết...


ĐỌC THƠ CỦA ĐÁ
Đặng Đình Túy
1
Tôi biết tên thật của người thơ. Tôi cũng biết những bút hiệu của nàng. Khá nhiều. Nhưng tôi chỉ có quyền viết rằng thơ ấy là thơ của Đá. Nàng là Đá. Và  là … đàn bà. Và nàng ghi rằng thơ ấy của nàng, – của Đá. Ta đành chìu theo ý nàng. Hẳn kẻ ấy phải có ít ra một lần nhìn thấy “khía-cạnh-đá” của mình. A, tâm hồn nghệ sĩ là vậy. Giữa một thức giấc, giữa đoạn đường đi, giữa phút thẫn thờ tự soi ngắm, ngay cả khi giữa ồn ào nhộn nhịp chói chang bỗng thoáng nhận ra dáng mình. Và lẩm bẩm : mình đá thật! 
Giây phút “ngộ” thoáng chốc như kinh nghiệm của một thiền sư.

Ừ nhỉ, nàng là đàn bà, nhưng đá. Bộ đá không thể là đàn bà sao? Có điều để là đá thì phải được hình thành qua một quá trình. Như vậy kẻ xưng mình là đá đã nói nhiều lắm đấy. Nói rằng không phải bẩm sinh ta là đá mà ta chỉ trở thành. Cuộc kết thạch đòi hỏi nhiều chu kỳ hóa thân. Hóa thân của cực hình.
Nhưng chắc bây giờ hết rồi. Bây giờ người thơ tỉnh táo đón nhận. Mỗi giòng chữ viết sau đó là những tỉnh táo đón nhận.
Bạn đã thấy bà nội trợ làm dưa chua chưa? Bà nén bà lèn mọi thứ vào trong hũ sành nhỏ. Có ai lắng nghe được tiếng rên rỉ khi lên men của từng cánh lá cải, từng cộng rau, từng củ hành, lát tỏi thái nhỏ trộn với lớp nước muối đựng trong lọ sành?
Nào, giờ ta thử mở nắp ra xem.